Cái giá đắt của những người 'bỏ phố'
Thời đại dịch, nhiều người Mỹ thuộc thế hệ Millennials đã ồ ạt bỏ phố về mua nhà ở vùng ngoại ô. Sau một vài năm, họ hối hận, mắc kẹt vì không thể quay lại.
Jandra Sutton cảm thấy mình là một Millennials may mắn. Cô và người bạn đời đã bán được ngôi nhà ở vùng ngoại ô Tennessee để mua một căn hộ khác nơi trung tâm thành phố vào năm 2019, trước khi lãi suất thế chấp và giá nhà tăng vọt.
Vài năm sống ở ngoại ô khiến vợ chồng cô khốn khổ.
"Quán cà phê gần nhất cũng cách nhà 15-20 phút, không có nhiều thứ để làm và bạn bè chẳng có ai muốn lái xe đường dài để tới thăm chúng tôi. Chúng tôi thật sự bị cô lập", Sutton, một nhà văn kiêm sáng tạo nội dung 34 tuổi, nói với Business Insider.
Bây giờ, khuôn viên nhà mới nhỏ hơn, không có sân nhưng họ vui vẻ hơn nhiều. Xung quanh nhà cô là nhà hàng, bar nhạc sống, công viên và nhiều địa điểm để tụ tập bạn bè.
Hai vợ chồng giờ là khách quen của quán bar, quán rượu trong khu phố, nơi Sutton miêu tả là "Chúng tôi thuộc tên từng người và ngược lại".
Cặp đôi có khả năng để quay lại thành phố vì họ là "DINK" - viết tắt của Double Income, No Kids (thu nhập gấp đôi, không con cái). Họ không cần một căn nhà có thêm phòng cho con, không tốn tiền nhà trẻ hay không gian ngoài trời.
Nhưng nhiều người thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) khác mong muốn mua nhà để có con đang bị định giá bất động sản quá cao.
Thời gian đại dịch, nhiều người Mỹ đã mua nhà để chuyển ra vùng ngoại ô, tạo thành một làn sóng "di cư". Nhưng có những người đang hối hận. Khi chi phí nhà ở và lãi suất thế chấp tăng cao kỷ lục, họ bị mắc kẹt vì muốn cũng không thể trở lại thành phố.
Hối hận
Đại dịch Covid-19 bùng nổ đã khiến nhiều người cảm thấy ngột ngạt khi phải nhốt mình trong những căn hộ chật chội ở thành phố. Nhu cầu về những căn nhà rộng rãi hơn bắt đầu bùng nổ.
Số căn hộ dành cho gia đình ở đô thị không đủ để đáp ứng nhu cầu tăng vọt này, người ta tìm cách chuyển ra sống ở ngoại ô.
Dữ liệu điều tra dân số chỉ ra rằng vào năm 2022, những người trưởng thành trong độ tuổi 20-29 chủ yếu chuyển ra ngoại thành do vấn đề nhà ở nhiều hơn là vì thuận tiện công việc hay gia đình.
Hyojung Lee và các đồng nghiệp của ông tại Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở chung của Harvard đã phát hiện các thành phố có giá thuê đắt nhất, với ít căn hộ 3 phòng ngủ trở lên đã mất "khách", khi phần lớn Millennials chuyển đến vùng ngoại ô trong những năm gần đây.
"Hóa ra thế hệ Millennials đang chuyển đến những nơi nhàm chán nhất trên thế giới. Họ đang chuyển đến những khu vực thực sự dành cho một gia đình với rất ít tiện nghi đô thị", Lee, hiện là giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết.
Sau một vài năm sống ở ngoại ô, người ta bắt đầu cảm thấy hối hận. Họ thấy nhớ sự nhộn nhịp, tiện nghi của thành phố và tìm cách trở về đô thị.
Rafay Qamar, một đại lý bất động sản ở Chicago, cho biết nhiều khách thuộc thế hệ Millennials của ông từng bỏ phố để mua nhà ngoại ô, giờ đây họ tìm cách quay lại. Họ nhận ra ở ngoại ô không thể đi mua sắm, vui chơi và bắt đầu bán tháo để quay về thành phố.
Không dễ để quay lại
Nhiều người đang mắc kẹt.
Nhu cầu tăng vọt vào những năm 2021-2022 đẩy giá nhà ngoại ô tăng chóng mặt, giờ thì chúng đã mất giá. Bởi vậy, nhiều người rất khó để bán nhà ngoại ô, chưa kể đến lãi suất thế chấp tăng cao.
John Natale, một nhà môi giới bất động sản có trụ sở tại Wall Township, New Jersey, cho biết trước đây anh có thể tìm cho khách của mình một ngôi nhà trong tầm giá ở bất kỳ quận nào họ muốn. Bây giờ, giá cả ở vùng ngoại ô đã cao quá mức, khiến khách hàng Millennials của anh gặp khó khăn.
Trong gần hai thập kỷ, Millennials đã biến các khu đô thị giàu tiện nghi trên khắp nước Mỹ thành sân chơi riêng cho giới trẻ và không có con cái. So với Gen X (sinh trong khoảng năm 1965-1980) và thế hệ Baby Boomer (sinh trong khoảng 1946-1964), thế hệ Millennials chuyển đến các đô thị khi còn trẻ và sống ở đây lâu hơn.
Các thành phố ngày càng trẻ hóa và có nhịp sống nhanh. Nhưng chính Gen Z mới là thế hệ đang thúc đẩy điều đó, trong khi Millennials ngày càng lớn tuổi và bị đẩy ra các vùng ngoại ô.
Sống ở những khu mà thế hệ trẻ ưa thích cũng rất đắt đỏ. Một phân tích được công bố năm 2023 cho thấy người mua nhà ở 35 khu vực đô thị lớn nhất nước Mỹ trả nhiều hơn 34% để sống trong các khu dân cư có thể đi bộ tới các điểm dịch vụ, trong khi người thuê phải trả thêm 41%.
Trong khi thế hệ Millennials đang loay hoay tìm kiếm một căn hộ nhỏ trong một thành phố đông đúc hay một khu biệt thự vắng vẻ, thì những người theo chủ nghĩa đô thị khẳng định bất kỳ nơi nào cũng có thể đông đúc và lắm tiện ích nếu luật cho phép và mọi người muốn sống ở đó.
Tayana Panova, một nhà nghiên cứu đô thị viết một cuốn sách về tác động của vùng ngoại ô đối với sức khỏe tâm thần, cho biết thế hệ Millennials có thể giúp chuyển đổi vùng ngoại ô thành các cộng đồng giống như thị trấn hoặc các thành phố nhỏ, với ý thức cộng đồng mạnh mẽ hơn.
Thực tế, nhiều vùng ngoại ô xa xôi cũng bắt đầu có tác động của thế hệ này, nhiều nơi thu hút lượng dân cư Millennials đáng kể và các phòng gym, nhà hàng, cửa hiệu thời trang mọc lên.
Panova cho rằng đây có thể là "một bước ngoặt" dành cho các cộng đồng ngoại ô với dân số thế hệ trẻ đang phát triển "khiến nó giống đô thị hơn".
"Nếu chúng ta có thể gieo những 'hạt giống' đô thị đó và phát triển thành những cộng đồng nhỏ, đó sẽ là một cách tuyệt vời giúp giảm bớt áp lực cho một số thành phố đang quá tải".
Nguồn Znews: https://znews.vn/cai-gia-dat-cua-nhung-nguoi-bo-pho-post1453964.html