Cái kết bi hài trái ngược của hai người đàn ông khi cùng mua 1 tấm vé trọn đời
Hai người cùng mua loại vé máy bay trọn đời nhưng cái kết của cả hai lại không giống nhau khiến nhiều người kinh ngạc.
Người đàn ông bay 'thả phanh', hưởng thụ dịch vụ sang trọng hơn 30 năm khi mua tấm vé trọn đời
Theo Insider, ông Tom Stuker (69 tuổi) - một nhà tư vấn cho đại lý ô tô đến từ bang New Jersey (Mỹ), đã bay được 23 triệu dặm (khoảng 37 triệu km) với chỉ duy nhất tấm vé máy bay mà ông mua từ cách đây hơn 30 năm. Câu chuyện tưởng vô lý mà có thật này đã gây xôn xao trên truyền thông những ngày gần đây.
Trong bài viết trên tờ Washington Post, phóng viên Rick Reilly thậm chí đã bình luận vui rằng tấm vé bán cho ông Tom Stuker là sai lầm lớn nhất hãng hàng không United Airlines từng mắc phải.
Chuyện bắt đầu vào năm 1990, khi ấy hãng United Airlines bất ngờ tung ra quảng cáo về một vé trọn đời với giá 290.000 USD (tương đương 6,8 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) và ông Stuker nhanh chóng chớp cơ hội.
Giờ đây, sau 33 năm, ông Stuker đã bay quãng đường khoảng 37 triệu km, mà đặc biệt ông thường xuyên có được chỗ ngồi ưa thích của mình ở khoang hạng nhất. Với quãng đường bay đó, ông được cho là bay nhiều hơn bất cứ hành khách nào trong lịch sử ngành hàng không.
Ông Stuker cho biết mình từng trải qua 12 ngày liền không ngủ trên giường, liên tục ngồi máy bay từ Newark sang San Francisco, đến Bangkok rồi Dubai và vòng ngược lại - tương đương với 4 chuyến đi vòng quanh thế giới - chỉ dừng lại ở phòng chờ sân bay.
"Đó là khoản đầu tư lớn nhất cuộc đời tôi", Stuker nói với tờ Washington Post. Ông Stuker đã đến hơn 100 quốc gia với tấm vé không giới hạn của mình. Ông cũng đưa vợ đi hơn 120 "tuần trăng mật" với quyền lợi từ tấm vé.
Năm 2019, ông Stuker đã bay tổng cộng 373 chuyến, di chuyển 1,46 triệu dặm bay. Nếu không có "tấm vé vàng" ấy, ông sẽ phải tự bỏ ra 2,44 triệu USD (khoảng 58 tỉ đồng) cho những chuyến bay này.
Stuker đã sống như một "vị vua" trên những chặng đường của hãng United Airlines kể từ khi quyết định chi tiền mua tấm vé. Đó không chỉ là chỗ ngồi sang trọng trên máy bay mà còn là những dãy phòng khách sạn xa hoa trên khắp thế giới, những chuyến du ngoạn Crystal kéo dài hàng tuần, những bữa ăn ngon từ Perth đến Paris.
Người đàn ông Mỹ cho biết ông từng đổi số dặm bay để được thẻ quà tặng trị giá 50.000 USD (khoảng 1,25 tỉ đồng) để tân trang ngôi nhà của người anh trai. Ông cũng đấu giá 451.000 dặm bay trong một cuộc đấu giá từ thiện và giành được vai khách mời trong bộ phim sitcom ăn khách “Seinfeld”.
Chia sẻ với tờ New York Post, ông Stuker nói rằng mình đi máy bay vì mục đích giải trí, du lịch - không phải vì công việc hay kỳ nghỉ. “Tôi thực sự yêu mọi thứ liên quan đến bay”, ông khẳng định.
Stuker thậm chí còn rất vui khi từng ngồi cùng với một số người nổi tiếng, như Janet Jackson, Steven Tyler và Bill Murray. Với hàng nghìn chuyến bay của United Airlines mà ông đã đi, Stuker tiết lộ rằng ông thậm chí đã chứng kiến 4 người chết khi đang ở trên không.
Với một vị khách như thế này, ai cũng nghĩ rằng hãng hàng không United Airlines sẽ tỏ ra khó chịu nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
Để bày tỏ sự yêu mến với vị khách đặc biệt, hãng hàng không đã dán tên ông Stuker lên 2 chiếc máy bay của hãng và nhờ ông đóng góp ý kiến để giúp thiết kế thực đơn trong câu lạc bộ Polaris mới mở.
Mọi nhân viên đều biết ông, họ tổ chức các bữa tiệc để đánh dấu các mốc đáng nhớ cho vị khách trọn đời này. Thậm chí, khi đặt chân đến những sân bay có nhân viên thân thiết và quen mặt ông Stuker, ông sẽ được một chiếc ô tô chờ sẵn ở đường băng để hộ tống tới cổng tiếp theo.
Phóng viên Rick Reilly của Washington Post đã trực tiếp bay cùng Stuker một chặng từ Newark đến Los Angeles để tận mắt chứng kiến sự ưu đãi đặc biệt mà ông nhận được.
Anh miêu tả: "Khi cánh cửa máy bay mở ra, những chai rượu sâm panh miễn phí được đặt vào túi ông ấy. Ông ấy được phục vụ vô cùng chu đáo ở ghế hạng nhất".
Được biết, Stuker lớn lên trong gia đình có 7 người con thuộc tầng lớp lao động ở New Jersey. Ông chưa bao giờ đi máy bay khi còn nhỏ. Stuker khẳng định rằng nếu chỉ có thể bay hạng phổ thông, ông sẽ không bao giờ bay nhiều như vậy.
Mua 1 tấm vé bay trọn đời, người đàn ông khiến hãng hàng không lao đao
Năm 1981, Steve Rothstein là người may mắn có được "kèo thơm" nhất lịch sử ngành hàng không. Ông mua vé bay trọn đời có tên AAirpass của hãng American Airlines với giá 250.000 USD (tương đương 5,8 tỷ đồng).
AAirpass cho phép hành khách bay trong khoang hạng nhất đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới, vào bất kỳ lúc nào cho đến cuối đời. Và chỉ với phụ phí 150.000 USD, hành khách sở hữu AAirpass sẽ có thể đưa thêm bất kỳ ai lên khoang hạng nhất với mình.
Steve Rothstein, một nhân viên ngân hàng đầu tư thời bấy giờ tại Chicago, đã là một trong những hành khách may mắn của American Airlines. Do nhìn thấy tiềm năng có nhiều giá trị từ thương vụ, ông đã vay 400.000 USD trả trong 5 năm với lãi suất 12%.
Thế nhưng điều mà hãng không hề nghĩ tới là trong nhiều năm cầm chiếc vé AAirpass trọn đời, Steve Rothstein và nhóm hành khách này góp phần gây ra tổn thất lớn cho hãng.
Trong khoảng thời gian 25 năm, Steve Rothstein đã đến hơn 100 quốc gia, thực hiện hơn 10.000 chuyến bay. Ước tính tất cả các chuyến bay có giá 21 triệu USD, gấp khoảng 84 lần số tiền ông trả ban đầu.
Ông được ngồi trên những chiếc ghế máy bay thoải mái nhất, tận hưởng những bữa ăn và giải trí tốt nhất, không phải xếp hàng dài ở sân bay và không bao giờ phải lo lắng về phí hủy chuyến. Ông đã bay hàng trăm chuyến đến New York, Los Angeles (Mỹ), hay tới Ontario (Canada) chỉ để mua một chiếc bánh sandwich mà mình yêu thích.
Có khi, ông bay sang London (Anh) cả chục lần mỗi tháng. Thi thoảng, vị khách này còn hào phóng dùng vé dành cho bạn đồng hành để mời một người xa lạ ở sân bay lên khoang hạng nhất ngồi cạnh mình.
Năm 2008, Rothstein và một số người khác bị tước tấm vé AAirpass trọn đời. Ông và một số hành khách đã đâm đơn kiện và tuyên bố rằng sẽ không bao giờ dùng dịch vụ của hãng bay này nữa, theo The Guardian.
Sau các vụ kiện, nhóm của Rothstein thua kiện, không lấy lại được AAirpass. Trong khi đó, 25 hành khách khác, gồm cả tỷ phú Mark Cuba, vẫn sở hữu tấm vé còn hiệu lực.
Tuy nhiên, cuối cùng, cái kết của hãng hàng không cũng chẳng tránh khỏi hai chữ "thảm hại". Năm 2011, họ tuyên bố phá sản để tái cơ cấu công ty.