Cái kết của bà Phương Hằng
Việc bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Cty CP Đại Nam, bị bắt tối 24/3 là kết quả tất yếu của hành vi xúc phạm, miệt thị người khác suốt thời gian dài. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi, tại sao cơ quan chức năng vẫn để cho bà ấy 'lộng hành' lâu đến thế, đó là điều đáng tiếc.
Vì tính chất công việc, thi thoảng tôi có theo dõi thông tin liên quan đến việc bà Nguyễn Phương Hằng livestream đấu tố qua lại, vu khống, xúc phạm với một số người. Và đúng như nhận xét, ngôn từ, kể cả hành động mà bà ấy dùng để xúc phạm một ai đó là vượt quá giới hạn văn hóa giao tiếp thông thường. Chưa kể, những thứ phản văn hóa ấy, lại được bà Hằng phát tán trên nhiều kênh mạng như facebook, youtube, tiktok… với nhiều tài khoản khác nhau.
“Tôi gần như không dám nghe trực tiếp, tôi bị ám ảnh bởi thứ âm thanh hỗn tạp, phi văn hóa ấy nhưng tôi lại muốn biết đến cuối cùng bà ấy là ai mà được phép xúc phạm, vu khống, dọa nạt một cách lộng hành người khác. Vì thế, tôi phải nghe qua tóm tắt sự việc của một số trang facebook cá nhân có uy tín”, một người bạn của tôi kể.
Có người kể lại, giọng nói và ngôn từ rất ám ảnh, chỉ sợ trẻ con nghe được, tạo tiền lệ xấu, kích động những người kém hiểu biết, các nhóm lêu lổng làm liều… Cũng có người ví bà ấy như “chí phèo mạng” cứ mở mắt ra là chửi hết người này đến người khác và tự cào mặt ăn vạ. Nếu một ai đó thấy sai trái, lên tiếng, phản biện hoặc góp ý, sẽ bị kéo vào câu chuyện của bà ấy bằng cách bịa đặt, gán ghép những thông tin đời tư bẩn thỉu trên các trang mạng xã hội. Thậm chí công khai đến nhà quấy rối, dọa nạt, tuyên bố “gặp đâu đánh đó”.
Lúc đấy, tôi chỉ nghĩ, những việc bà ấy làm, những chuyện bà ấy và ê kíp tuyên truyền, thái độ và hành động coi thường pháp luật…không sớm thì muộn, kiểu gì cũng bị cơ quan chức năng xử lý. Nhưng, cũng như mọi người, tôi cũng không hiểu vì sao cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý lại để “hiện tượng” này diễn ra hơn một năm trời?
Trong các cuộc bàn luận và trao đổi, các luật sư khẳng định, pháp luật không cấm một công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm của cá nhân, tổ chức nào đó. Tuy nhiên, quyền đó phải được thực hiện đúng pháp luật. Nếu người tố cáo đúng sự thật, thậm chí họ còn được cơ quan chức năng bảo vệ.
Ngược lại, pháp luật không cho phép bất cứ ai nhân danh “chính nghĩa”, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm đời tư, lợi ích hợp pháp của những cá nhân, tổ chức khác.
Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, không có một ai ngoại lệ.
Hôm qua, khi nghe tin Nguyễn Phương Hằng bị bắt, dì Tư bán bún đầu ngõ nhà tôi chép miệng, đúng là “bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Trường hợp của bà Hằng là điển hình cho câu nói để đời đó. Chỉ đáng tiếc, một người lao động tự do cũng hiểu được điều đó, thì một CEO của doanh nghiệp lớn lại cố tình không hiểu, cố tình vi phạm pháp luật. Buồn thay!
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cai-ket-cua-ba-phuong-hang-post1425991.tpo