Cái kết thảm khốc của CEO công ty tàu lặn Titan
CEO OceanGate Expeditions Stockton Rush luôn muốn được biết đến như một nhà đổi mới, không quan trọng ông đã làm điều đó như thế nào.
Stockton Rush thông minh, có động lực, sinh ra trong sự giàu sang, ước mơ của ông là trở thành người đầu tiên lên Sao Hỏa. Nhưng khi nhận ra điều đó khó có thể xảy ra, ông chuyển sự chú ý sang biển, theo BBC.
“Tôi muốn trở thành thuyền trưởng Kirk (chỉ huy tàu Enterprise trong phim Star Trek). Trong cuộc đời của chúng ta, biên giới cuối cùng là đại dương”, ông nói với một nhà báo năm 2017.
Đại dương hứa hẹn nhiều phiêu lưu, mạo hiểm và bí ẩn. Ông Rush tin rằng biển sẽ mang lại nhiều lợi nhuận nếu OceanGate chế tạo thành công loại tàu lặn ông tham gia thiết kế.
Sáng tạo tiên phong
Tinh thần phá cách của ông Rush thu hút mọi người và giúp ông nhận được sự ngưỡng mộ từ nhân viên, hành khách và nhà đầu tư.
“Niềm đam mê của ông ấy thật tuyệt vời”, Aaron Newman, người đã đi trên tàu ngầm Titan và trở thành nhà đầu tư của OceanGate, nói.
Nhưng tham vọng của ông Rush cũng thu hút sự quan tâm từ các chuyên gia trong ngành. Nhiều người cảnh báo ông đang đặt sự đổi mới lên trên sự an toàn và có nguy cơ dẫn đến hậu quả thảm khốc.
Ngày 18/6, ông Rush và 4 người khác đã bị “ép nát” trên con tàu Titan khi đang trên đường tới nơi tàu Titanic bị đắm.
“Bạn sẽ được nhớ đến vì những quy tắc bạn phá vỡ”, ông Rush từng nói, trích dẫn lời tướng Mỹ Douglas MacArthur.
“Tôi đã phá vỡ một số quy tắc. Tôi phá vỡ chúng bằng logic và kỹ thuật tuyệt hảo”, ông nói về tàu Titan.
Ông Stockton Rush III sinh năm 1962 ở California trong một gia đình làm giàu từ dầu mỏ và vận tải. Ông được gửi đến Học viện Phillips Exeter, trường nội trú danh tiếng, và tiếp tục lấy bằng cử nhân kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Princeton năm 1984.
Năm 19 tuổi, ông Rush trở thành phi công trẻ nhất đủ điều kiện lái máy bay phản lực, cấp cao nhất một phi công có thể đạt được. Ông lái máy bay F-15 và tham gia các chương trình tên lửa chống vệ tinh, với hy vọng sẽ tham gia chương trình không gian của Mỹ và trở thành một phi hành gia.
Nhưng tham vọng ấy dần nguội lạnh, bởi chuyến du hành tới hành tinh đỏ vẫn quá xa vời.
“Nếu ai đó nói cho tôi biết lý do thương mại hoặc quân sự để lên Sao Hỏa là gì, tôi tin rằng điều đó sẽ xảy ra. Nhưng đó chỉ là một giấc mơ”, ông Rush nói với tạp chí Fast Company.
Tham vọng khám phá biển sâu
Vì vậy, ông hướng tầm mắt xuống biển sâu và thành lập OceanGate năm 2009, một công ty tư nhân cung cấp cho khách hàng - ông Rush thích thuật ngữ “nhà thám hiểm”, cơ hội trải nghiệm du lịch biển sâu, bao gồm cả xác tàu Titanic.
Công ty có trụ sở tại Everett, bang Washington, tuy nhỏ nhưng gắn bó chặt chẽ. Ông Rush sẽ chủ trì cuộc họp toàn thể nhân viên tại trụ sở chính. Vợ ông Wendy - sinh viên Princeton cùng khóa 1984, là giám đốc truyền thông.
Một nhân viên làm việc tại OceanGate từ năm 2017 đến 2018 cho biết trụ sở công ty ấm cúng và sống động với hệ thống dây điện và thiết bị khắp nơi.
“Công ty rất tự do. Ông Rush thực sự đam mê những gì ông ấy đang làm và rất giỏi trong việc truyền niềm đam mê cho mọi người làm việc ở đó”, nhân viên này nói với BBC.
Trong một cuộc họp nhân viên, ông Rush đã mang kính thực tế ảo cho mọi người trải nghiệm cảm giác khám phá dưới nước. Ông khẳng định đây là những gì họ đang hướng tới.
“Đây là thế giới tôi muốn”, ông nói với nhân viên.
“Ông Rush không phải là một nhà lãnh đạo từ phía sau, nói mọi người phải làm gì. Ông ấy lãnh đạo từ phía trước”, ông Newman nhận xét.
Ông Newman đã lên tàu Titan cùng ông Rush để xem xác tàu Titanic vào mùa hè năm 2021. Lần đầu tiên họ gặp nhau, ông Rush đã “dành hàng giờ” để nói chuyện về tiềm năng khám phá đáy đại dương.
Sự đam mê của ông Rush cuốn hút nhà đầu tư đến nỗi ông Newman ngay lập tức quyết định đầu tư vào OceanGate.
Khách hàng của ông Rush là những người tìm kiếm cảm giác mạnh, sẵn sàng chi một số tiền lớn cho cuộc phiêu lưu chỉ một lần trong đời.
Doanh nhân Jay Bloom ở Las Vegas đã nhắn tin cho ông Rush về việc tham gia tàu lặn, sau đó từ chối vào phút chót vì lo ngại yếu tố an toàn.
Đánh đổi sự an toàn liệu có đáng?
Để tham gia một chuyến lặn biển, khách hàng phải chi đến 250.000 USD cho một chỗ trên tàu. Nhưng giá vé cao ngất ngưởng ấy không giúp thiết bị của OceanGate bớt đi cảm giác “tự chế”.
Một cựu nhân viên chia sẻ với BBC rằng ông rất ngạc nhiên khi thiết kế điện trên tàu Titan dựa trên bản thiết kế có sẵn, chứ không phải thiết kế nội bộ tùy chỉnh như các công ty kỹ thuật khác.
David Pogue, một nhà báo của CBS tham gia cùng ông Rush trong chuyến thăm xác tàu Titanic năm 2021, cho biết tàu được lái bằng một tay cầm chơi game và sử dụng “ống chì gỉ sét từ ngành xây dựng làm dằn tàu”.
Ông Rush đảm bảo rằng điều quan trọng nhất là thân tàu, được chế tạo từ sợi carbon và tấm bọc lót bằng titan. Nhưng vật liệu này chưa từng được thử nghiệm cho một con tàu lặn biển sâu.
CEO OceanGate khẳng định sợi carbon đã áp dụng thành công cho du thuyền và hàng không, tin rằng nó cho phép tàu lặn Titan có chi phí rẻ hơn so với thép tiêu chuẩn công nghiệp.
Hình dạng ống của tàu Titan cũng khác thường. Thân tàu ngầm lặn biển sâu thường có hình cầu, giúp nó nhận được áp suất bằng nhau tại mọi điểm, nhưng Titan có cabin hình trụ. OceanGate đã lắp đặt các cảm biến để phân tích áp suất khi tàu xuống nước.
Kính quan sát được lắp đặt trên tàu chỉ được chứng nhận xuống tới 1.300 m, nông hơn nhiều so với nơi xác tàu Titanic nằm.
Rob McCallum, một nhà thám hiểm và cố vấn cho OceanGate, lo ngại khi ông Rush quyết định phản đối chứng nhận cho tàu lặn.
Tàu ngầm có thể được chứng nhận hoặc phân loại bởi các tổ chức hàng hải. Phương tiện phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định như độ ổn định, sức mạnh, an toàn và hiệu suất. Nhưng quá trình này không bắt buộc.
“Anh đang sử dụng một nguyên mẫu công nghệ không được phân loại ở một nơi nguy hiểm. Tôi đánh giá cao tinh thần kinh doanh và đổi mới của anh, nhưng anh có khả năng đặt toàn bộ ngành công nghiệp vào rủi ro”, ông McCallum gửi email cho ông Rush vào tháng 3/2018.
Ông Rush phẫn nộ và trả lời rằng bản thân “mệt mỏi với những người trong ngành, cố gắng sử dụng lập luận về an toàn để ngăn chặn sự đổi mới”. Ông khẳng định hệ thống an toàn của Titan “vượt xa” bất kỳ thứ gì khác đang được sử dụng.
“Rush rất điềm tĩnh, ông ấy biết những gì cần phải làm. Ông ấy đã lái mọi chuyến lặn ngầm, bởi ông tin vào sự an toàn của tàu”, vị cựu nhân viên nói.
“Câu hỏi đặt ra là tại sao bất chấp những lần lặn thành công khác, chuyến đi cuối cùng của tàu ngầm lại kết thúc trong bi kịch?”, ông Newman đặt câu hỏi.
Sau khi con trai bày tỏ lo ngại về tàu ngầm, doanh nhân Jay Bloom đã từ chối lời mời của ông Rush.
“Tôi chắc chắn rằng ông Rush thực sự tin vào những gì ông ấy nói. Nhưng ông ấy đã rất sai”, ông Bloom cho biết.