'Cai' khí đốt Nga sẽ thay đổi châu Âu như thế nào?
Từ ngày 1/1/2025, Ukraine 'khóa van' nguồn cung khí đốt từ Nga sang các nước châu Âu. Hậu quả đã được cảm nhận rõ ràng khi những vấn đề lớn về điện và hệ thống sưởi đã phát sinh ở Moldova, và các nước châu Âu đang khẩn trương tìm kiếm giải pháp thay thế.
Đằng sau quyết định của Chính quyền Kiev
Ukraine đã ngừng vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu. Tuyên bố chính thức từ Bộ Năng lượng Ukraine gọi quyết định này là sự kiện “lịch sử”. Trong khi đó, nói về quyết định của Kiev, Reuters nhấn mạnh, từ ngày 1/1/2025 “kỷ nguyên thống trị về nhiên liệu của Moscow tại thị trường châu Âu” đã kết thúc.
Quyết định của Kiev nhận được nhiều đánh giá khác nhau ở Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết, EU sẽ sớm phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” từ việc ngừng vận chuyển khí của Nga. Ngược lại, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski gọi sự kiện này là “một chiến thắng mới cho phương Tây sau sự mở rộng gần đây của NATO”.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu lưu ý rằng, bất chấp hoàn cảnh đã thay đổi, cơ sở hạ tầng khí đốt của liên minh sẽ bảo đảm “tính linh hoạt” để tiếp tục cung cấp nhiên liệu cho các quốc gia Trung và Đông Âu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc, nguyên nhân khiến việc dừng quá cảnh nằm ở Kiev và Washington. Trong một tuyên bố chính thức, Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh: “Việc Nga ngừng cung cấp năng lượng cạnh tranh và thân thiện với môi trường không chỉ làm suy yếu tiềm năng kinh tế của châu Âu, mà còn tác động sâu sắc đến cuộc sống của người dân châu Âu”. Phía Nga cáo buộc rằng, quyết dịnh này có động cơ địa chính trị.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, có 2 nguyên nhân giải thích cho quyết định của Chính quyền Kiev. Thứ nhất, bằng quyết định “khóa van”, Ukraine muốn gây ra nhiều khó khăn cho ngành năng lượng của Nga. Theo các số liệu thống kê, sản lượng dầu thô trung bình hằng ngày của Nga trong năm 2024 đã sụt giảm xuống 1.254 tấn mỗi ngày, mức thấp nhất trong gần 2 thập kỷ. Nguyên nhân là do tác động từ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, cũng như các gói cấm vận khắc nghiệt của phương Tây nhằm vào ngành năng lượng của Nga. Dầu mỏ là nguồn thu nhập quan trọng của Nga, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới, đóng góp hơn 12% sản lượng dầu thô toàn cầu. Chính vì vậy, dầu mỏ đã trở thành mục tiêu của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine do Tổng thống Vladimir Putin phát động vào năm 2022, qua đó cắt giảm nguồn tài chính cho các hoạt động quân sự của Nga.
Thứ hai, Chính quyền Kiev muốn “ghi điểm” trong mắt Mỹ. Việc Tổng thống Donald Trump thắng cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2024 và đưa ra những tuyên bố gây sốc khiến cho các đồng minh của Mỹ, trong đó có Ukraine đặc biệt lo ngại về nguy cơ “bị bỏ rơi” trong cuộc đối đầu với Nga. Những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump cho thấy rằng, chỉ bằng cách mang lại lợi ích thực sự cho nước Mỹ, các đồng minh mới tiếp tục nhận được “chiếc ô” an ninh của nước này. Do đó, quyết định “khóa van” của Ukraine sẽ buộc các nước châu Âu phải mua nhiều hơn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ; điều này đồng nghĩa với việc đem lại một nguồn lợi nhuận khá lớn cho Mỹ từ việc bán LNG cho châu Âu. Thực tế, mới đây ông Trump cũng đã “nắn gân” khi yêu cầu các đồng minh châu Âu phải mua nhiều hơn dầu khí từ Mỹ, coi đây là giải pháp nhằm thu hẹp cán cân thương mại giữa các bên.
Châu Âu phản ứng như thế nào?
Theo tổ chức tư vấn Bruegel, tổng khối lượng bị ngừng cung cấp chiếm khoảng 5% lượng khí đốt nhập khẩu vào châu Âu; trong đó, Áo, Hungary và Slovakia là những nước tiêu thụ chính. Theo Reuters, Ukraine sẽ mất khoảng 800 triệu USD/năm phí vận chuyển từ Nga; trong khi đó, tập đoàn Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ USD tiền bán khí đốt cho châu Âu. Giờ đây, phương tiện duy nhất cung cấp nhiên liệu từ Nga sang EU là Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Lãnh đạo EU chưa đưa ra bình luận chính thức nào về quyết định trên của Ukraine. Theo chuyên gia chính trị người Đức Alexander Rahr, có vẻ như trong tình hình hiện tại, Brussels nên đứng ra bảo vệ Slovakia và Hungary, nhưng có vẻ như các nước Đông Âu lại đang phó mặc cho số phận của mình. Điều này cho thấy, các nước châu Âu chủ trương gây ra thiệt hại cho Moscow là những ưu tiên hàng đầu.
“Tuy nhiên, EU sẽ phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn. Lượng khí đốt từ Nga giảm đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ phải tăng cường mua LNG từ Mỹ, điều này sẽ khiến họ phải chi một khoản tiền khá lớn. Nhưng có vẻ châu Âu đã sẵn sàng chi tiền ngay cả khi họ đứng trước nguy cơ mất thêm cơ sở công nghiệp năng lượng. Tại Đức, nơi lập trường của Đảng Xanh vẫn tương đối kiên định, một số chính trị gia công khai tuyên bố rằng người châu Âu cảm thấy “nhẹ nhõm về mặt tinh thần” nhờ thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu khí Nga. Tuy nhiên, có lẽ họ đã quên rằng giờ đây EU sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn nữa từ Mỹ”, chuyên gia Alexander Rahr nhấn mạnh.
Trong bối cảnh sự quyết đoán của Chính quyền Kiev, cho dù không muốn song lập trường của Chính phủ Hungary hay Slovakia nhiều khả năng sẽ thuận theo số đông khi buộc phải mua LNG từ Mỹ. Theo chuyên gia người Đức, điều thú vị là Tổng thống Volodymyr Zelensky đang tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho Kiev. Không chỉ mất đi khoảng 800 triệu USD/năm phí vận chuyển, bản thân Kiev cũng sẽ rất cần lượng khí đốt mới. Do đó, không loại trừ khả năng chính quyền Ukraine muốn Đức hay các nước châu Âu khác bơm nhiên liệu nhận được từ Mỹ vào các cơ sở lưu trữ của Ukraine như một phần viện trợ nhân đạo.
Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là quốc gia “ngư ông đắc lợi” trong hoàn cảnh hiện nay. Hiện nay Dòng chảy Thổ Nhĩ Ký vẫn đang hoạt động và chắc chắn Ankara sẽ “không nói lời tạm biệt” đối với cơ sở hạ tầng năng lượng đặc biệt quan trọng này. Thời gian tới, Chính quyền Tổng thống Recep Erdogan sẽ cố găng tăng cường mua nhiên liệu của Nga và “kiếm tiền” bằng cách bán lại cho EU.
Ngược lại, quyết định của Kiev tạo ra những vấn đề rất lớn cho Moldova. Lường trước được sự việc, Quốc hội nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 16/12/2024, cho phép chính phủ phản ứng nhanh chóng trong việc tìm nguồn cung thay thế và hạn chế xuất khẩu năng lượng. Theo dự báo của Chính phủ Moldova, khi nguồn cung khí đốt từ Nga không còn nữa, một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể sẽ xảy ra, kéo theo tình trạng thiếu điện trong mùa đông. Một ủy ban đặc biệt đã được Chính phủ Moldova khẩn trương thành lập nhằm tìm biện pháp để quản lý “những rủi ro sắp xảy ra” nếu nhà máy điện Kuciurgan-nhà máy điện lớn nhất nước này ở khu vực Transnistria-không còn nhận được khí đốt từ Nga, theo Euronews.
Giới phân tích cho rằng, rất có khả năng EU sẽ tăng cường cung cấp khí đốt cho Moldova nhằm hạ nhiệt tình hình. Nguồn cung cấp qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ có thể tăng lên. Tuy nhiên, việc chính phủ Moldova có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng năng lượng trước mắt sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc bầu cử quốc hội sắp tới ở Moldova. Nếu Nga quyết định tăng nguồn cung cấp khí đốt thông qua cơ sở hạ tầng phía nam, tiếng nói của lực lượng chính trị vốn có quan điểm thúc đẩy hợp tác với Moscow có thể tăng lên. Ngược lại, nếu châu Âu giải quyết được cuộc khủng hoảng, ảnh hưởng của các chính trị gia thân phương Tây sẽ gia tăng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cai-khi-dot-nga-se-thay-doi-chau-au-nhu-the-nao-235942.htm