Cái khó của người làm chính sách

Thời gian gần đây, một số ý kiến trên phương tiện truyền thông cho rằng cần điều chỉnh quy định thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và mức giảm trừ gia cảnh (GTGC).

Ảnh minh họa (Ảnh: Báo Vietnamnet).

Ảnh minh họa (Ảnh: Báo Vietnamnet).

Mới đây nhất, đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Tài chính, một ý kiến cho rằng mức GTGC, nhất là mức GTGC với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng) là “quá lạc hậu” và cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm, mà không nên chờ đến hai năm (đến năm 2026) mới được thông qua như đề xuất.

Theo ý kiến này, mức GTGC với người phụ thuộc “không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là ở những TP lớn đang gây thiệt thòi cho người nộp thuế”. Mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng duy trì từ 2020, trong khi 5 năm qua, giá nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng.

“Nhiều cử tri chia sẻ nếu như gia đình có con nhỏ phải thuê người trông, riêng tiền lương trả cho người trông trẻ cũng đã không dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản chi phí cho trẻ”, ý kiến nêu.

Ý kiến này cho rằng, nếu phải chờ 2 năm nữa mới được thông qua Luật mới, sẽ có nhiều người dân phải “thắt lưng buộc bụng”, song vẫn phải thuộc diện phải nộp thuế TNCN; nên kiến nghị Chính phủ sớm trình Luật Thuế TNCN vào tháng 10 năm nay và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025.

Quan điểm trên được một số người ủng hộ. Tuy nhiên khi trả lời, thì lập luận của lãnh đạo Bộ Tài chính cũng hết sức thuyết phục. Theo đó, thuế TNCN bắt đầu được triển khai từ 2009. Tại thời điểm đó, mức GTGC là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm) áp dụng với bản thân người nộp thuế và mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Khi Luật Thuế TNCN sửa đổi năm 2013, mức GTGC là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mỗi người phụ thuộc có mức giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, Luật bổ sung thêm quy định khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh mức GTGC.

Đến 2020, Quốc hội có Nghị quyết 954 quy định mức GTGC với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng. Hiện nay, người nộp thuế có 1 người phụ thuộc, có thu nhập khoảng 17 triệu trở lên thì mới phải chịu thuế TNCN. Nếu có 2 người phụ thuộc thì phải có thu nhập trên 22 triệu mới phải nộp thuế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hiện nay là 4,96 triệu đồng. Như vậy, để nộp thuế là 11 triệu đồng thì cao hơn mức thu nhập bình quân là 2,2 lần.

Như lập luận của lãnh đạo Bộ Tài chính, thì rõ ràng mức thu nhập chịu thuế và mức GTGC như hiện nay là phù hợp pháp luật, phù hợp số đông trong xã hội. Cũng rất ít gia đình trong xã hội hiện nay có thuê người trông trẻ, trả lương 5 triệu đồng/tháng, nên ý kiến của những người này không đại diện cho số đông trong xã hội.

Có thể liên hệ đến một sự việc khác, là theo công bố mới đây của TCty Điện lực Việt Nam, số liệu thực tế năm 2023 cho thấy trên cả nước, số hộ sử dụng điện dưới 50kWh/tháng là 3,2 triệu hộ (chiếm 11,51% tổng số hộ sử dụng điện); số hộ sử dụng điện dưới 100kWh/tháng là 7,6 triệu hộ (chiếm 27% tổng số hộ sử dụng điện). Nói cách khác, còn gần 40% số hộ gia đình sử dụng rất ít điện, có thể vì không có nhu cầu, có thể vì chưa đủ điều kiện mua sắm thiết bị điện hoặc chi trả cho thiết bị điện. Những hộ này, có lẽ thu nhập cũng chưa cao tới mức để chịu thuế TNCN.

Những câu chuyện trên cho chúng ta thấy và thông cảm với cái khó của người làm chính sách, là phải vừa có cái nhìn vĩ mô, vừa phải lập luận, phản biện thuyết phục với một số ý kiến không đại diện cho số đông, để tìm ra chính sách phù hợp phục vụ vì đông đảo Nhân dân.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cai-kho-cua-nguoi-lam-chinh-sach-post514329.html