Cải lương Tết: Không vội được đâu!

Sự khắt khe của công chúng sẽ thúc đẩy các đơn vị nghệ thuật đầu tư chất lượng vở diễn

Từ sau Liên hoan Sân khấu Cải lương 2024 tại TP Cần Thơ, nhiều đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đã có những bước chuẩn bị theo kiểu liệu cơm gắp mắm, nhằm sáng đèn mùa Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Trong bức tranh có nhiều gam màu sáng ấy, đầu năm 2025 đã lóe lên những tín hiệu hy vọng khi nhiều đơn vị trong và ngoài công lập trình làng vở mới được đầu tư chỉn chu về nội dung, hứa hẹn được khán giả đón nhận.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho rằng chính sự khắt khe của công chúng sẽ thúc đẩy các đơn vị nghệ thuật đầu tư chất lượng vở diễn nhằm lôi kéo khán giả sẵn sàng chi tiền mua vé thưởng thức.

NSƯT Bạch Long và NSƯT Tú Sương trong vở “Nhị Hồ Điệp, Hiệp Nhất Hoa” sẽ diễn tại Nhà hát Nụ cười (số 6 Huyền Trân Công Chúa, quận 1, TP HCM) Ảnh: ĐỔNG TƯỜNG

NSƯT Bạch Long và NSƯT Tú Sương trong vở “Nhị Hồ Điệp, Hiệp Nhất Hoa” sẽ diễn tại Nhà hát Nụ cười (số 6 Huyền Trân Công Chúa, quận 1, TP HCM) Ảnh: ĐỔNG TƯỜNG

NSƯT Chí Linh cho rằng: "Làm cải lương Tết không vội được đâu, bởi phải đầu tư để diễn ra mùng, kéo dài tuổi thọ vở; còn làm ẩu, diễn một suất hết khán giả thì uổng công sức và tiền của".

Chính vì vậy, các đoàn cải lương công lập và tư nhân đã tạo cú hích để sẵn sàng cho năm 2025, trước tiên là diễn vào dịp Tết Nguyên đán. Nhà hát Trần Hữu Trang đã dàn dựng mới 2 vở cải lương kinh điển: "Đời cô Lựu" và "Tiếng hò sông Hậu" nhận được lời khen ngợi của số đông khán giả khi thế hệ diễn viên trẻ được giao hóa thân các nhân vật chính.

Đoàn cải lương Chí Linh - Vân Hà sẽ diễn vở "Văn võ kỳ duyên"; Sân khấu Thiên Long diễn vở "Tứ hỷ lâm môn" cũng tại Nhà hát Trần Hữu Trang.

Riêng Đoàn đồng ấu Bạch Long diễn vở "Nhị Hồ Điệp, Hiệp Nhất Hoa" về sự tích táo quân tại Nhà hát Nụ cười (Cung Văn hóa Lao động TP HCM); Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long diễn vở "Mai Trắng se duyên" tại Rạp Hồng Liên (Trung tâm Văn hóa Hậu Giang, quận 6). Năm nay, NSƯT Vũ Luân chơi trội, diễn vở "Thanh kiếm Đồ Long" tại Nhà hát Bến Thành.

Trong số các vở diễn Tết, cải lương hương xa Hồ Quảng, mà dân gian gọi là tuồng Tàu, vẫn còn ăn khách. Trước hết đây là thể loại được số đông khán giả ưa chuộng vì có phục trang lộng lẫy, vũ đạo và cách trang điểm rực rỡ. Nội dung các vở có phần hư cấu để sử dụng kỹ xảo, kép chánh và đào chánh diễn tình cảm làm khán giả mê đắm. Tết năm nay cặp đôi Võ Minh Lâm - Tú Sương (đương kim Giải Mai Vàng lần thứ 30 hạng mục Nam - Nữ diễn viên sân khấu được yêu thích nhất) vẫn là hai nghệ sĩ bảo chứng doanh thu phòng vé.

Các đoàn mạnh về thể loại tuồng cổ năm nay đã đầu tư hoành tráng, để đầu tháng 1 đã bán vé phục vụ người xem trong mùa Tết Nguyên đán.

Đồng Ấu Bạch Long với gốc gác Hồ Quảng nhưng năm qua đã có những thay đổi, sáng tạo theo dòng cải lương cổ tích lẫn sử Việt. "Điều này là khuynh hướng đổi mới để tôn tạo đất diễn cho thế hệ diễn viên trẻ của đồng ấu, nhất là trao truyền vai sử Việt cho các học trò" - NSƯT Bạch Long nói.

Chính nhờ ý thức tạo dựng kịch bản có nội dung và hình thức mới trong bố cục, dàn cảnh, cải lương năm 2025 mang thông điệp đổi mới so với nhiều năm trước. Niềm phấn khởi đối với các nghệ sĩ chính là vé của các vở đều đã bán gần kín rạp qua các mùng, chứng tỏ khán giả không bỏ sàn diễn cải lương. Cú hích của mùa Tết sẽ là cơ hội để bộ môn này khởi sắc trong năm 2025.

Hoàng Thuận

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cai-luong-tet-khong-voi-duoc-dau-196250121211129616.htm