Cái lý của chung cư và cá tính của mỗi người
Ở chung cư hay ở nhà mặt đất luôn là một lựa chọn phải nhiều lần tính toán của không ít cư dân đô thị, đặc biệt là của những cư dân đến từ các địa phương khác.
Mỗi mô hình nhà ở đều có những ưu nhược điểm của nó. Lần giở xa xôi hơn nữa, theo tìm hiểu của người viết bài này, các khu tập thể của Hà Nội bắt đầu được xây dựng từ khoảng những năm 1950 thế kỷ trước. Thời điểm đó, nó không chỉ là nơi an cư của nhiều gia đình cán bộ, công chức, mà còn là niềm mơ ước lớn lao của rất nhiều người Hà Nội.
Nhà ở luôn là vấn đề cấp thiết của các đô thị lớn trước nhu cầu ngày càng cao của người dân khi muốn có một nơi an cư lập nghiệp. Nhiều ý tưởng và mô hình nhà chung cư với nhiều phân khúc, tùy thuộc vào mức thu nhập của người dân. Chung cư ngày nay có nhiều tên gọi, thuần Việt cũng có, Tây Tây chút cũng có, nhưng người ta đôi khi phân loại chỉ bằng khái niệm: “Chung cư thương mại” và “Chung cư xã hội”.
Chung cư càng cao cấp thì chủ đầu tư bao giờ cũng cố gắng xây dựng xung quanh nó một hệ sinh thái tương đối hoàn chỉnh. Đó cũng tiêu chí để nhiều người quyết định khi chi tiền mua chung cư. Nhưng Hà Nội cũng không ít chung cư được gọi tên là “chung cư cô đơn”. Cô đơn là bởi chỉ có mỗi tòa nhà mọc lên thôi chứ xung quanh không có dịch vụ, tiện ích gì đi kèm. Cũng có những chung cư mà cư dân đã dí dỏm mô tả bằng những cách hài hước như: Vị trí cố định, hài hòa âm dương, cư dân lân cận ôn hòa… - Đó là cách chỉ những chung cư được xây dựng trên nền của nghĩa trang cũ nào đó hoặc khi nhìn ra ban công là thấy ngay phía dưới các ngôi mộ trải dài trước mặt.
Khi ở chung cư, chủ nhân dù là người sở hữu căn nhà nhưng vẫn bị chi phối bởi một cộng đồng với những nguyên tắc riêng của nó. Ví dụ như, muốn đặt một mũi khoan lên tường nhà mình cũng phải xin phép Ban quản lý tòa nhà, hay vận chuyển đồ to, nặng, cũng phải xin giấy để trình.
Ngoài ra còn dặc dài những mối quan hệ với cư dân lân cận. Có người bảo, chung cư càng cao cấp thì mối liên hệ giữa cư dân trong tòa nhà mình càng trở nên xa cách hơn. Ở những chung cư xã hội, nơi mà cư dân chủ yếu là những người có thu nhập thấp, đến từ nhiều địa phương khác nhau, thì mối quan hệ cấu kết cộng đồng càng trở nên chặt chẽ. Ở đó hay có những “bữa tiệc hành lang” thâu đêm suốt sáng, như thế cũng tăng thêm gắn kết giữa các căn hộ. Các cư dân nhỏ trong cùng hành lang đôi khi lại đóng vai trò như những “đại sứ thiện chí”, làm cầu nối để cho các ông bố, bà mẹ của các gia đình gắn kết với nhau.
“Chung cư như một xã hội thu nhỏ mà trong đó có rất nhiều tầng lớp xã hội với công việc, nghề nghiệp, tính cách khác nhau. Gần như cứ bước ra hành lang là người ta đã tham gia vào những mối quan hệ xã hội với những người cùng tầng, cùng tòa. Bởi thế, nếu dung hòa được thì trở nên gắn bó, nếu xung đột thì cũng khó mà cân đối được”.
Nhà báo Hồ Viết Thịnh
Nếu so sánh ở nhiều mối tương quan thì ở nhà đất cũng có những ưu điểm mà chung cư không thể có được. Trong nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ nhà có thể biến tầng thượng nhà mình thành nơi nuôi gà, trồng rau sạch để cải thiện bữa ăn. Họ cũng có thể quyết định được việc can thiệp vào kết cấu của căn nhà mình đang ở mà không phải xin phép ai.
Thế nên, chung cư đôi khi cũng khiến người ta nghĩ đó như là một căn nhà trọ mà mình được sở hữu nhưng không được quyền định đoạt ở nhiều khía cạnh. Có câu chuyện rằng, một đứa trẻ nông thôn ra thành phố, được bố mẹ chỉ cho nơi ở của ông chú ruột. Thằng bé nhìn căn chung cư to đẹp cứ nghĩ toàn bộ khu nhà là của chú mình, cho tới khi mải mê khám phá nó mới nhận ra nơi chú ở chỉ là góc nhỏ của một hình khối to. Một số người hài hước hơn gặp tình huống đó thì vui vẻ nói rằng: Tất cả tòa này là của chú, nhưng chú ở không hết nên còn lại cho thuê.
Chung cư như một xã hội thu nhỏ mà trong đó có rất nhiều tầng lớp xã hội với công việc, nghề nghiệp, tính cách khác nhau. Gần như cứ bước ra hành lang là người ta đã tham gia vào những mối quan hệ xã hội với những người cùng tầng, cùng tòa. Bởi thế, nếu dung hòa được thì trở nên gắn bó, nếu xung đột thì cũng khó mà cân đối được. Như chỗ tôi ở, có người luôn muốn nhân viên bảo vệ tòa nhà phải kiểm soát tuyệt đối các vị khách lạ.
Họ đưa ra đề xuất, nếu khách của nhà nào thì chủ nhà đó phải xuống tận sảnh để đón, làm thế vừa đảm bảo an ninh vừa thể hiện sự hiếu khách. Có người khác lại phản ứng, nếu áp dụng nguyên tắc này mà chủ nhà mời khoảng 5 vị khách đến chơi, mỗi vị lại đến vào một khung giờ khác nhau thì gia chủ sẽ vạn lần vất vả. Người khác lại dí dỏm bổ sung, tốt nhất khách nên đi theo từng tốp. Khi nào tập hợp đủ số lượng thì hãy gọi chủ nhà xuống đón một lần cho tiện. Mỗi người đều có cái lý của riêng mình, cá tính của riêng mình và cần được dung hòa.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cai-ly-cua-chung-cu-va-ca-tinh-cua-moi-nguoi-post462956.antd