Cái lý của kẻ gian
Tuy không hoạt ngôn như lúc mới bị bắt, nhưng trước tòa, lý lẽ thanh minh của bị cáo L.T.G (sinh năm 1987, trú TP. Hồ Chí Minh) vẫn thuộc hàng 'có một không hai'.
1. Tuy không hoạt ngôn như lúc mới bị bắt, nhưng trước tòa, lý lẽ thanh minh của bị cáo (BC) L.T.G (sinh năm 1987, trú TP. Hồ Chí Minh) vẫn thuộc hàng “có một không hai”.
Trong đội ngũ “hai ngón”, G. có “quan điểm hành nghề” riêng, không bạ đâu trộm đó như mấy tên đạo chích thông thường. G. giải thích việc chỉ vào chùa trộm cắp là vì nhà chùa từ bi. Khi vào chùa, G. luôn thắp nhang, vái lạy đàng hoàng rồi mới “thăm hỏi” hòm công đức. Và G. cũng chẳng vội vàng gì, cứ nhẩn nha thả lưỡi cưa được dán nhiều lớp băng keo 2 mặt qua khe hòm công đức rồi nhấc lên, nhặt nhạnh từ tờ vài trăm ngàn đến 500 đồng bị dính băng keo, rồi lại… “thả câu” tiếp! Bằng cách thó tiền khá mất thời gian đó, G. đã trộm hơn 10 triệu đồng từ 2 hòm tiền công đức trong một ngôi chùa. Ra tòa, G. than vãn thêm, do hoàn cảnh khó khăn, phải nuôi vợ và 5 con lít nhít! Vài người biết G. thì kể, G. từng vô tư thuyết lý rằng, những người đi công đức hay làm từ thiện chắc chắn giàu có. Vì vậy, G. trộm tiền công đức trong chùa chẳng qua lấy tiền của người giàu, không có tội với người nghèo!
Nhưng thực tế có hẳn như G. nói? BC cũng thừa nhận, trước đó đã lên mạng tìm kiếm thông tin kỹ càng, lên danh sách những ngôi chùa nào chưa lắp đặt camera. BC còn đúc rút: hầu hết chùa ở khu vực miền Tây, miền Nam đã lắp camera, nhưng ở miền Trung vẫn còn rất ít chùa lắp đặt. Đây chính là lý do khiến BC ra đây “kiếm ăn”. Và đây cũng chẳng phải lần đầu tiên G. bị bắt về tội trộm cắp. Mấy người thạo tin còn thêm, cả cô vợ hờ cùng vài “đồng nghiệp” của G. cũng theo G., chỉ đi trộm của chùa!
2. Kéo dài gần 2 ngày, phiên tòa xét xử BC T.C.D (sinh năm 1970, trú TP. Nha Trang) thực tế chỉ xoay quanh việc phân tích các chứng cứ, quy định pháp luật, do BC không chịu thừa nhận trọng lượng ma túy bị quy kết.
D. bị bắt cùng 2 đối tượng khác khi vừa sử dụng ma túy. Khám xét khẩn cấp nơi ở của D., công an thu giữ của D. tổng cộng 5,7443g Methamphetamine. Ra tòa, D. một hai đề nghị tòa xem lại, vì khối lượng ma túy của BC không thể nhiều vậy, tối đa cũng dưới 5g (dưới mức định khung khoản 2). D. lý luận: BC chỉ mua 700.000 đồng, khối lượng thu giữ lớn như vậy phải mua tiền triệu. BC không mua nhiều, thêm nữa trước đó đã sử dụng một phần, nên phần còn lại chắc chắn phải ít hơn.
Đại diện viện kiểm sát lập luận, BC không thể chứng minh khối lượng ma túy qua số tiền mua, bởi không có quy chuẩn nào về giá bán ma túy; hơn nữa, con số 700.000 đồng chỉ do BC nói; chưa kể cho dù dưới 5g thì BC vẫn bị truy tố khoản 2 do tái phạm nguy hiểm. Thấy vậy, BC lại tỏ ra “uất ức” vì biên bản niêm phong được lập tại cơ quan công an; BC không được chứng kiến khi mở niêm phong.
Đến hồi tranh luận, D. lại thanh minh, không phải BC không thành khẩn, mà BC làm tới đâu nhận tới đó! BC biết rõ mình bỏ ra bao nhiêu tiền mua ma túy. BC đã thành khẩn khai nhận sử dụng chừng một nửa, còn lại cho một người bạn. Nay người này đã bỏ trốn thì BC cũng nhận luôn trách nhiệm về mình đối với phần đã cho bạn. Dù vậy, vẫn không thể nào tới 5g được; liệu giám định có nhầm lẫn? Xin tòa xem lại sự thành khẩn của BC!
Hội đồng xét xử nêu quy định pháp luật cho thấy BC đã không sử dụng quyền khiếu nại khi nhận kết luận điều tra, hay khi phúc cung. Cơ quan giám định độc lập hoàn toàn với cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra có sơ suất đánh máy ghi biên bản niêm phong vật chứng tại đồn, nhưng điều đó không làm thay đổi bản chất vụ án, bởi có chữ ký xác nhận chứng kiến của tổ dân phố. Trước khi có biên bản niêm phong, cơ quan điều tra đã lập biên bản khám xét và tiến hành niêm phong vật chứng tại nơi ở của BC, có chữ ký xác nhận của BC và những người chứng kiến khác. Thành phần tham gia mở niêm phong có cả đại diện chính quyền, áp dụng trong trường hợp BC đang tạm giam theo đúng quy định pháp luật…
Đến lúc này, D. mới cúi đầu, thôi than vãn!
TAM THUẬT