Cái nắng gây thương nhớ - đặc sản đặc biệt của Lý Sơn
Đi trên những cánh đồng trồng tỏi, hành Lý Sơn với nắng vàng nhưng nhức, sẽ không còn hồ nghi gì về lý do tại sao tỏi, hành ở đây thơm nồng đến vậy!
Nếu hỏi đặc sản Lý Sơn là gì, chắc phải đến 99% người được hỏi sẽ trả lời ngay là tỏi và hành. Thì có ai đi du lịch Lý Sơn mà không mua tỏi và hành, nhất là đặc sản tỏi một tép (còn gọi là tỏi cô đơn) – một thứ đặc sản rất hiếm, rất quý, đã thành một thương hiệu nổi tiếng?
Nhưng, ở đây, tôi muốn nói đến một thứ đặc sản làm nên đặc sản hành, tỏi: Đó là cái nắng Lý Sơn.
Huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, gồm hai đảo: Đảo Lớn và Đảo Bé. Khí hậu Đảo Bé khắc nghiệt hơn, vì vậy mỗi năm chỉ trồng một vụ tỏi, hoàn toàn ăn nước trời. Đảo Lớn mỗi năm trồng xen một vụ tỏi và một vụ hành tím. Do đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu, ruộng tỏi Lý Sơn có thể có số lượng tỏi cô đơn nhiều hơn các nơi khác. Tỏi cô đơn có giá bán rất cao, có khi tính bằng tiền triệu. Vì vậy, Lý Sơn được mệnh danh là thủ phủ của “vàng trắng” (tỏi) và “ngọc tím” (hành) là vậy!
Tỏi, hành Lý Sơn thơm hơn hẳn tỏi, hành trồng ở nơi khác. Điều đó do đâu? Có lẽ, do độ nắng, nóng cao ở Lý Sơn đã làm nên hương vị khó lẫn của củ tỏi, củ hành nơi đây. Độ thơm nồng của tỏi, hành Lý Sơn đã là thương hiệu nức danh.
Muốn làm một vụ tỏi, hành thành công, ngoài giống và kỹ thuật chăm sóc, nông dân Lý Sơn rất coi trọng khâu làm đất.
Muốn cây tỏi, hành phát triển tốt, người dân phải đầm mặt ruộng thật phẳng phiu. Sau đó trải lên một lớp đất bazan, rồi một lớp phân mùn mỏng. Đất bazan lấy từ trên đỉnh núi Thới Lới – một miệng núi lửa phun trào – rất nhiều khoáng chất. Lớp đất và phân này là nguồn dinh dưỡng cho rễ phát triển, nuôi củ. Trên cùng là lớp cát dày khoảng 2 – 3cm, là cát san hô khai thác từ chính lòng biển Lý Sơn. Chính lớp cát trên bề mặt ruộng đã làm nên độ xốp cho củ tỏi, củ hành phát triển. Và quan trọng hơn, chính lớp cát trắng đã phản quang ánh mặt trời,góp phần giữ nước, giữ ẩm cho lớp đất bên dưới. Nếu không có lớp cát mặt này, lớp đất sẽ mau bốc hơi nước, cây tỏi, hành mất nước, không phát triển được, và chết.
Dọc theo những con đường làng bê tông trên đảo Lý Sơn còn có thể dễ dàng bắt gặp những những thùng xốp hoặc nhựa trồng hẹ xanh um dưới nắng. Và cách trồng hẹ trên đảo cũng tương tự như trồng tỏi, hành ngoài cánh đồng làng. Cái mặt cát trắng thoạt nhìn thì tưởng khô, nhưng áp òng bàn tay lên mặt cát quanh những gốc hẹ lại thấy âm ẩm, ươn ướt… Quả là thú vị!
Người đi du lịch Lý Sơn muốn có được những bộ ảnh đẹp, ấn tượng độc đáo thì nên chọn mùa hè hoặc ngày nắng giòn. Chính cái nắng rực rỡ làm cho ảnh về Lý Sơn đẹp lung linh. Nắng vàng ruộm làm cho mặt nước biển xanh thắm, những vỉa đá đen do nham thạch núi lửa phun trào đen bóng, thậm chí óng ánh vì phản chiếu ánh nắng mặt trời. Những tấm ảnh với màu sắc vừa tương phản vừa hài hòa: biển xanh dương, đá đen, nắng vàng, cây xanh lục, tất cả đều ở cấp độ tuyệt đỉnh.
Người sành điệu nói: Đến Lý Sơn mà không gặp nắng thì vất! Cũng phải. Cái nắng ở đây muốn chuốc say con người. Nó trải ra mênh mang. Nó buông xuống đặc quánh. Nó cuồn cuộn trong gió lồng lộng. Thậm chí, nó cũng quyết không thua mưa để làm thành thứ mưa nắng âm ấm, man mát, mằn mặn, ran rát mà ai chưa từng trải qua thì như chưa nếm trải ấn tượng đậm, sắc trong cuộc đời.
Đầu tháng 8-2018, lần đầu tiên tôi đặt chân lên hòn đảo tiền tiêu này. Ngay buổi chiều đó, trên đường lên Cổng Tò Vò tạm biệt ánh hoàng hôn, tôi đã hưởng trọn một trận mưa nắng Lý Sơn kéo dài khoảng nửa tiếng. Chạy vội về khách sạn trú mưa nhưng không kịp. Mưa ào ạt tràn đến nhưng nắng quyết không chịu nhường mưa. Nắng và mưa quyện vào nhau thành một màn mưa nắng hươm hươm đẹp hư hư thực thực.
Muốn thụ hưởng hết cái đẹp của nắng Lý Sơn, nhất thiết phải sang Đảo Bé hoang sơ. Cái bảng màu tự nhiên mà tạo hóa dành cho Đảo Bé quả là ưu ái và là tận cùng của cái Đẹp. Nắng vàng ươm mật ong bật nổi màu xanh trong thăm thẳm của mặt biển, lòng biển và núi đá đen nhưng nhức.
Lý Sơn rất nhiều cây xanh. Đảo trồng nhiều dương liễu, giấy, phượng,…, nhất là bàng vuông. Thế mà cái nắng vẫn tràn trề, tung tẩy, hơn hớn… Đến đây, bỗng thấy cái nắng ở quê mình, tuy cũng là miền thùy dương cát trắng nhưng sao mà dịu dàng quá, hiền hòa quá!
Cái nắng Lý Sơn quả là cái nắng gây thương, gây nhớ, làm cho người ta say, say cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Bởi thế, lần thứ hai, tôi đã nôn nao trở lại Lý Sơn cuối tháng 5 của năm 2020 này – một chuyến đi và đến, để khi trở về càng thêm nhớ thương…
Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/cai-nang-gay-thuong-nho-dac-san-dac-biet-cua-ly-son-955526.html