Cái nhìn của người trong cuộc

Nếu như cách đây khoảng 7 - 10 năm, số lượng giám tuyển có chuyên môn hành nghề tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì hiện nay con số này đã tăng lên nhiều. Hoạt động giám tuyển dần chuyên nghiệp hóa, vai trò và dấu ấn của giám tuyển thể hiện đậm nét hơn trong các triển lãm. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với một số giám tuyển sẽ giúp phác họa phần nào bức tranh giám tuyển nghệ thuật Việt Nam hiện tại.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với một số giám tuyển sẽ giúp phác họa phần nào bức tranh giám tuyển nghệ thuật Việt Nam hiện tại.

Nghệ sĩ Nguyễn Như Huy: Những người trẻ đang có đóng góp rất lớn

Vào thời điểm hiện nay, nghệ thuật Việt Nam, bao gồm cả khu vực sáng tác, giám tuyển, nghệ sĩ, công chúng và các hoạt động trưng bày, triển lãm đã có sự phát triển rất mạnh. Nhiều giám tuyển trẻ xuất sắc xuất hiện, họ có lợi thế là được học hành ở nước ngoài, có được mối quan hệ tốt với các giám tuyển của các nước trong khu vực - điều những người hoạt động giám tuyển thời trước như anh Trần Lương hay là tôi không có được.

 Nghệ sĩ Nguyễn Như Huy.

Nghệ sĩ Nguyễn Như Huy.

Thời kỳ đầu, chúng tôi phải tự tạo ra các sự kiện nghệ thuật, tự tìm công chúng cho mình. Còn hiện nay, các không gian nghệ thuật mở ra nhiều hơn, có các quan hệ phổ cập hơn đối với công chúng… Đây là điều kiện thuận lợi cho công việc thực hành giám tuyển mà thời kỳ đầu không thể có. Ví dụ, vừa qua, các bạn trẻ đã tổ chức được một hội thảo về ngành giám tuyển, thu hút được cả những giám tuyển thời kỳ đầu và giám tuyển trẻ - điều mà chúng tôi không thể thực hiện ở thời điểm cách đây dăm bảy năm. Cùng với đó, các trung tâm nghệ thuật mở ra tuy chưa thể nói là nở rộ, nhưng rõ ràng là cơ hội việc làm nhiều hơn, giám tuyển ăn lương do các trung tâm nghệ thuật trả cũng nhiều hơn.

Đáng mừng là chúng ta đã có những giám tuyển trẻ, hiện có thể hoạt động ở tầm mức toàn cầu, có những người được mời giám tuyển những sự kiện nghệ thuật quốc tế lớn. Chỉ riêng trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, các nghệ sĩ đương đại Việt Nam đã có mặt ở những liên hoan nghệ thuật lớn và quan trọng như Documenta, Venice Biennale... Tôi đánh giá rất cao các giám tuyển tại Việt Nam hiện tại. Họ có sự kế thừa và đang đóng góp rất lớn, rất quan trọng cho cả khu vực nghệ thuật đương đại lẫn truyền thống.

Bà Lê Thuận Uyên (Giám đốc nghệ thuật Trung tâm Nghệ thuật The Outpost): Mỗi giám tuyển có một màu sắc riêng

 Bà Lê Thuận Uyên (Giám đốc nghệ thuật Trung tâm Nghệ thuật The Outpost).

Bà Lê Thuận Uyên (Giám đốc nghệ thuật Trung tâm Nghệ thuật The Outpost).

Đến năm 2024 này, số giám tuyển thuộc các thế hệ sau như Nguyễn Anh Tuấn, Bill Nguyễn, Vân Đỗ, Đỗ Tường Linh… đã có thời gian làm việc dày dặn hơn, có những kinh nghiệm và định hình rõ nét hơn về hướng đi của mình. Mặc dù vẫn chưa có những quy chuẩn, nhưng so với thời điểm cách đây 10 năm, thì rõ ràng đã có sự đa dạng hơn về quan niệm làm nghề và hướng tiếp cận thẩm mỹ riêng.

Bản thân các nhóm nghệ sĩ có nhiều lứa tuổi, nhiều mối quan tâm, nhiều hình thức xử lý tạo hình khác nhau… mỗi giám tuyển sẽ có một thiên hướng làm việc với các nhóm nghệ sĩ khác nhau, từ đó phát triển ra màu sắc cá nhân của họ. Có người thiên về nghiên cứu và viết lách, có người thiên về làm triển lãm, có người thiên về lưu trữ...

Ví dụ như anh Nguyễn Anh Tuấn luôn đau đáu về các dự án lưu trữ và lưu trú; hay như Linh Lê ở TP.HCM thì quan tâm vấn đề viết lách và nghiên cứu; Vân Đỗ quan tâm đến những khả thể của triển lãm trong các không gian còn tôi thì quan tâm đến các nhân vật nằm lệch khỏi diễn ngôn phổ biến và coi triển lãm như một cách mở rộng đối tượng khán giả của nghệ thuật. Hoặc như anh Trần Lương lại quan tâm đến việc cung cấp những nền tảng, kích thích các nghệ sĩ mở rộng đường biên sáng tạo…

Mỗi giám tuyển có một thực hành, do đó có thể thấy phong cách giám tuyển giai đoạn này có thể nói là rộng mở hơn. Như thời điểm 10 năm trước, khi tôi bước chân vào nghề thì các điểm tham chiếu rất ít, chỉ có khoảng vài ba người. Nhưng đến nay, nếu bạn trẻ nào ở vị trí của tôi 10 năm trước rõ ràng có nhiều thuận lợi hơn. Khi chưa có một hệ thống đào tạo, việc có nhiều người đi trước để nhìn vào, để học hỏi, để xem, để đúc kết thì việc có nhiều điểm tham chiếu hơn sẽ rất có ích đối với họ.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này những khó khăn đối với giám tuyển vẫn khá nhiều. Trong thực tế, công việc của giám tuyển phức tạp và có khá nhiều thứ vụn vặt, mà tôi tạm gọi là “mắm muối dưa cà”. Cho nên thường dẫn đến hai cách hiểu thiếu sót, thứ nhất cho rằng giám tuyển chỉ đơn thuần là người tổ chức và một cách hiểu khác rằng công việc giám tuyển rất bay bổng với những ý tưởng nghệ thuật. Thực tế, giám tuyển có một núi việc rất “chán”, nó thường liên quan đến hành chính, khảo sát xã hội hay công việc thuần túy kỹ thuật.

Cá nhân tôi cho rằng, để vượt qua những điều tẻ nhạt trong công việc đó, người giám tuyển cần ý thức được rằng, mình đang làm gì và tại sao mình lại làm điều đó. Nếu làm theo kiểu “trả bài”, chỉ cần lấp đầy một không gian, sẽ bị khán giả chê, nghệ sĩ phàn nàn hoặc triển lãm vắng khách, điều này rất dễ đem đến sự nản chí.

 Triển lãm “Alice ở đường hầm thời gian” (Becoming Alice: Through the metal tunnel) tại Trung tâm nghệ thuật The Outpost.

Triển lãm “Alice ở đường hầm thời gian” (Becoming Alice: Through the metal tunnel) tại Trung tâm nghệ thuật The Outpost.

Ví dụ, dù không gian The Outpost đã quen thuộc nhưng mỗi lần làm triển lãm, với tôi lại là một lần khó, lại gặp thách thức khi xử lý không gian, gần như phải học lại việc xử lý chất liệu tác phẩm. Cũng có tác giả mình từng làm việc 5 năm trước tưởng đã quen thuộc, nhưng nay lại phát hiện ra những khía cạnh mới mẻ… Do vậy, công việc giám tuyển cũng đem lại những hứng khởi, do mình luôn nhìn thế giới rộng mở chứ không hề khô cứng…

Bà Vân Đỗ - Giám đốc nghệ thuật Á Space: Giám tuyển tạo cơ hội để người trẻ sáng tạo

Tôi mới bước chân vào ngành giám tuyển được 5 năm, so với trong giới được coi là trẻ. Hiện nay, chúng tôi có vài thuận lợi, trong đó rõ nét nhất là sự ủng hộ của cộng đồng nghệ thuật đối với công tác giám tuyển ngày một nhiều hơn. Cùng với đó, công việc giám tuyển triển lãm nghệ thuật đương đại chưa “đóng gói” thành các công thức, nên vẫn tồn tại nhiều “kẽ hở” cho sự sáng tạo.

 Bà Vân Đỗ - Giám đốc nghệ thuật Á Space.

Bà Vân Đỗ - Giám đốc nghệ thuật Á Space.

Người giám tuyển có thể tự định nghĩa những công việc của mình, việc “mở rộng”, “cơi nới” hay “co hẹp” hoàn toàn do họ quyết định, bởi không có các mô hình kiểu “đinh đóng cột” để soi chiếu. Tôi nghĩ trong tương lai, giám tuyển sẽ là công việc hấp dẫn, nhất là đối với người trẻ, bởi nó luôn đòi hỏi nhiều kỹ năng, tri thức, luôn tạo cơ hội để họ sáng tạo, để họ vượt lên chính mình.

Tuy nhiên, khó khăn mà chúng tôi đang đối mặt cũng là khó khăn chung của nền nghệ thuật, đó là không có nhiều quỹ hỗ trợ về tài chính; về mặt pháp lý đôi khi cũng “vướng”; khái niệm “nghệ thuật đương đại” hay “giám tuyển” vẫn còn là phạm trù khá mới, ngay cả đối với cơ quan quản lý. Và điều khiến giám tuyển hiện chưa thể hấp dẫn giới trẻ hiện nay chính là ở chỗ nó khó có thể mang lại thu nhập tốt cho những người làm nghề.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc nghệ thuật Heritage Space: Các thực hành giám tuyển bắt đầu được coi trọng

Giám tuyển là một chức nghiệp nhiều “quyền lực” và một nghề nghiệp yêu cầu kiến thức và kỹ năng tổng hợp rất lớn, đồng thời đòi hỏi một khoảng thời gian không nhỏ để tự định vị bản thân và được cộng đồng ghi nhận như một giám tuyển đủ tư cách. Do đó, chúng ta thấy có rất nhiều thực hành giám tuyển trong nước hiện nay, nhưng những người theo đuổi giám tuyển bằng con đường chuyên nghiệp vẫn rất ít.

Tuy nhiên, dù sao thì số lượng giám tuyển đã có sự phát triển đáng kể. Tại hội thảo giám tuyển mới đây tổ chức tại Trung tâm nghệ thuật The Outpost, giám tuyển Vũ Đức Toàn chia sẻ, hồi năm 2005, khi anh xin làm luận văn về ngành giám tuyển Việt Nam thì các thầy “không cho”, vì lúc đó đối tượng nghiên cứu chỉ có một mình Trần Lương thôi.

Nhưng đến năm 2024, tại hội thảo này, dù tham gia chưa đầy đủ nhưng đã có tới hơn 20 người. Như vậy rõ ràng đã có sự phát triển, mặc dù đây là lĩnh vực nghề nghiệp còn mới và quan trọng hơn, đã có sự thay đổi về nhận thức và sự đa dạng trong thực hành giám tuyển.

 Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc nghệ thuật Heritage Space.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc nghệ thuật Heritage Space.

Một điểm sáng là trong 5 năm trở lại đây, nhiều người trẻ bắt đầu quan tâm và có những suy nghĩ làm việc nghiêm túc về công việc giám tuyển. Đã xuất hiện một thế hệ giám tuyển mới khá nổi bật, trong đó, một số đã làm việc trong những thể chế nghệ thuật lớn nhất trong khu vực và trên thế giới; một số khác trải qua đào tạo trong các chương trình tiêu chuẩn của quốc tế.

Đặc điểm chung của thế hệ này là họ còn trẻ, có nền tảng ngoại ngữ tốt, đã định hình quan điểm nghệ thuật riêng và đang là những người tích cực nhất. Tiếp nối sau đó lại có một thế hệ trẻ hơn, đâu đó khoảng trên dưới 25 tuổi. Những bạn này sinh ra ở các nước phát triển, họ được đào tạo ở nước ngoài, sau đó quay về Việt Nam làm việc. Ở họ có sự pha trộn, giao thoa đặc sắc giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây.

Còn đối với xã hội, các thực hành giám tuyển bắt đầu được coi trọng và tên tuổi những cá nhân theo đuổi công việc này bắt đầu xuất hiện một cách nghiêm túc, đều đặn trên truyền thông đại chúng, ghi dấu trong nhận thức cộng đồng. Giám tuyển là một chức nghiệp đang dần đi vào cấu trúc vận hành xã hội và không gian phát triển của nó vẫn vô cùng phong phú với Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Sơn - Giảng viên Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội): Thực hành nghệ thuật đồng hành với giáo dục, đào tạo

 Ông Nguyễn Thế Sơn - Giảng viên Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ông Nguyễn Thế Sơn - Giảng viên Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Bản thân tôi cũng không phải là một giám tuyển được đào tạo chuyên nghiệp, tuy nhiên tôi đã có thời gian học Thạc sĩ tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc. Ở đó, môi trường cũng như việc đào tạo, thực hành về nghệ thuật đương đại tương đối có bài bản. Riêng về giám tuyển, người Trung Quốc không dùng khái niệm “curator” mà họ gọi là “sách triển nhân” (người hoạch định sách lược cho triển lãm).

Trong 4 năm ở Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc, tôi đã chứng kiến những giáo sư, giảng viên trong trường đã dìu dắt, giám tuyển cho chính những nghiên cứu sinh hay sinh viên của mình. Khi về nước, trong quá trình giảng dạy, tôi nhìn nhận thấy một thực tế là khá nhiều sinh viên ra trường phải bỏ nghề, mà một trong những nguyên nhân là không có sự đồng hành của những giám tuyển chuyên nghiệp. Theo tôi, nếu sinh viên có sự đồng hành của giảng viên, được triển lãm, được thực hành tại những sự kiện nghệ thuật từ sớm thì có thể họ sẽ có một sự nghiệp cá nhân về sau.

 Một góc triển lãm "Người phá rào, kẻ nổi loạn và gã lập dị" tại Trung tâm nghệ thuật The Outpost.

Một góc triển lãm "Người phá rào, kẻ nổi loạn và gã lập dị" tại Trung tâm nghệ thuật The Outpost.

Chính vì thế, trong khoảng 4 - 5 năm gần đây, tôi bắt đầu tiến hành kết hợp giữa những bài tập trong trường với những dự án cụ thể của xã hội. Những dự án này đều có điểm chung là không nhặt những họa sĩ đã thành công, đã có tác phẩm để làm một cuộc triển lãm.

Cách làm của tôi là đồng hành cùng các bạn ấy từ con số 0, từ chỗ không có gì. Trải qua quá trình hướng dẫn, training hay những dự án workshop kéo dài từ 1 cho tới 5 - 6 tháng, kết quả là của dự án sẽ là một triển lãm. Hoặc là tôi đồng hành cùng các nhóm yếu thế trong các tổ chức NGO với vai trò mentor hướng dẫn cho các bạn ấy trong khoảng 2 tháng và sau đó lại làm giám tuyển cho chính những workshop đó. Công việc giám tuyển của tôi thường gắn với những công việc hướng dẫn, đào tạo như vậy, nó hơi khác với công việc của những giám tuyển khác.

Khánh Ngọc (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cai-nhin-cua-nguoi-trong-cuoc-post299940.html