Cái nhìn sai lệch về tội quay lén trong vụ Nancy bị tung ảnh nhạy cảm

Thay vì lên án hành vi chụp lén trong phòng thay đồ, nhiều người chỉ tập trung soi mói cơ thể, trang phục của nữ ca sĩ.

Những hình ảnh nhạy cảm của Nancy (Momoland) đang bị phát tán trên mạng xã hội. Loạt ảnh được cho là do một nhân viên của MLD Entertainment, công ty quản lý của Momoland, chụp lén trong khi Nancy đang thay đồ tại hậu trường lễ trao giải Asia Artist Awards tại Việt Nam vào cuối năm 2019.

“Nancy là nạn nhân của camera ẩn... Nancy đang suy sụp tinh thần. Chúng tôi hy vọng mọi người không bình luận ác ý”, MLD Entertainment thông báo.

Tuy nhiên, trong khi cộng đồng người hâm mộ kêu gọi việc bảo vệ thần tượng, một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội vẫn đang không ngừng chia sẻ những hình ảnh xâm phạm đời tư nữ ca sĩ.

Một số thậm chí buông lời giễu cợt, miệt thị nạn nhân, coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Đây cũng là tình trạng nhiều phụ nữ gặp phải khi đối mặt với vấn nạn, tội phạm quay lén.

 Nữ thần tượng Nancy bị phát tán ảnh nhạy cảm. Ảnh: Pann.

Nữ thần tượng Nancy bị phát tán ảnh nhạy cảm. Ảnh: Pann.

“Tôi bị quay lén ở nơi riêng tư nhất”

Dưới những bài đăng thông tin vụ phát tán ảnh chụp lén của Nancy, không khó để bắt gặp nhận xét phản cảm về cơ thể nạn nhân hay những comment “xin ảnh”, “xin link” khiêm nhã.

Hầu hết đều vô tư đùa giỡn nhưng hoàn toàn không hiểu tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Họ đánh giá sự vụ là “chẳng có gì” nếu nạn nhân vẫn mặc trang phục và “không lộ gì nhiều trước camera”. Không ai ý thức được rằng điều đáng bàn hơn cả là hành vi quay phim, chụp ảnh mà không có sự đồng thuận của đối tượng ở một nơi hoàn toàn riêng tư như phòng thay đồ.

Quay lén và phát tán hình ảnh của một cá nhân với mục đích thỏa mãn tình dục hay trả thù khiêu dâm là hành vi đáng bị lên án vì nó có thể gây ra những tổn thương, đau khổ không thể bù đắp cho nạn nhân.

Khi kể lại cho CNN, Choi vẫn nhớ như in cái đêm cảnh sát gõ cửa nhà và cho cô xem một đoạn video khiến cuộc sống của cô mãi mãi bị đảo lộn.

Trong đoạn phim mờ ảo là người phụ nữ khỏa thân mà cô tự nhận là mình, bước đi trong căn hộ trên tầng 22 của một tòa nhà ở trung tâm thành phố Seoul.

Nó đã được quay qua cửa sổ bằng ống kính tele từ mái của một tòa nhà lân cận. Choi đã vô cùng bàng hoàng. Cô hoàn toàn không biết mình bị theo dõi và thậm chí bị chụp trộm suốt thời gian qua.

 Phụ nữ Hàn Quốc biểu tình phản đối tội phạm quay lén. Ảnh: CNN.

Phụ nữ Hàn Quốc biểu tình phản đối tội phạm quay lén. Ảnh: CNN.

Đêm đó, Choi không thể ngủ được bởi luôn tưởng tượng có người đang nhìn chằm chằm mình từ bóng tối.

"Tôi sợ phải ở nhà vì đó là nơi mọi chuyện đã xảy ra. Tôi bị quay lén ở nơi riêng tư nhất của mình”, Choi nói với CNN.

Lee Ji-soo, người chuyên truy quét các nội dung khiêu dâm được đăng tải bất hợp pháp, cho biết có một “thời hạn vàng” để xóa các video quay lén khỏi Internet, đó là trong vòng 10 ngày sau khi clip bị phát tán lần đầu tiên.

Quá thời hạn này, việc xóa hoàn toàn là rất khó khăn vì đoạn video đã lan truyền đến các trang web và máy chủ khác ở nước ngoài.

Tuy nhiên, hầu hết nạn nhân đều không biết việc mình bị quay lén. Họ chỉ phát giác mọi chuyện sau vài tháng như trường hợp Nancy hay thậm chí vài năm giống vụ việc của Choi.

Và khi những hình ảnh về cơ thể của một người bị ghi lại một cách lén lút, tồn tại mãi mãi trên Internet thì nỗi ám ảnh và tổn thương cũng sẽ đeo bám họ đến hết cuộc đời.

Khi tội phạm quay lén được dung thứ

Choi nói người đàn ông quay lén cô chỉ bị thẩm vấn một thời gian ngắn và sau đó được thả tự do mà không bị buộc tội. Nhà của anh ta không bị khám xét trong suốt một tuần sau khi vụ việc xảy ra, trong thời gian đó Choi nghi ngờ anh ta có thể đã tiêu hủy mọi bằng chứng về việc quay phim trái phép.

Trong khi đó, cảnh sát nói rằng họ không bắt giữ thủ phạm vì anh ta “tỏ ra hợp tác” và đã tự động giao nộp máy ảnh cùng thẻ nhớ. Đoạn phim quay lén Choi cũng bị cho là quá mờ để có thể trở thành bằng chứng luận tội kẻ quay lén.

Trong khi luật hiện hành quy định rằng những người bị bắt quả tang đang quay hoặc phát tán video bất hợp pháp có thể bị phạt tù lên đến 5 năm, chỉ có khoảng 5% trường hợp bị kết án dẫn đến án tù và hầu hết thủ phạm đều chỉ bị phạt tiền hoặc hưởng án treo, theo một nghiên cứu của Hiệp hội nữ luật sư Hàn Quốc.

 Áp phích chống nạn quay lén ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Áp phích chống nạn quay lén ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Nhà lập pháp Kim Young-ho cho rằng quay lén là một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng vì khi một video bất hợp pháp lan truyền, nó có thể cướp đi sinh mạng của một người và hủy hoại cuộc sống của nạn nhân. Thế nhưng luật pháp vẫn còn quá khoan dung với loại tội phạm này.

"Nếu nạn nhân mặc quần áo, không có cơ sở pháp lý để trừng phạt. Vì vậy, để bảo vệ sự riêng tư, chúng tôi đề xuất dự luật cần trừng phạt cả hành vi quay phim mà không được phép ngay cả khi đối tượng đã mặc quần áo", ông Kim nói.

Khi pháp luật còn dung túng cho tội phạm, việc nạn nhân bị soi mói cơ thể, đổ lỗi ngược sẽ vẫn tiếp diễn và mọi người thậm chí có xu hướng bình thường hóa hành vi quay lén.

“Bạn không bao giờ có thể cảm thấy thoải mái trong cơ thể của mình nếu bạn là phụ nữ. Đó là điều tôi bắt đầu cảm thấy sau khi bị quay lén. Chỉ vì tôi sinh ra là phụ nữ, mọi người xem tôi như đồ vật. Họ soi mói cơ thể tôi, ngay cả khi tôi ở nơi riêng tư nhất”, Choi, người vẫn còn ám ảnh nhiều năm sau khi bị quay lén, nói.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-nhin-sai-lech-ve-toi-quay-len-trong-vu-nancy-bi-tung-anh-nhay-cam-post1172441.html