Cải tạo các khu đất trống phục vụ cộng đồng
Trong bài viết Chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về chống lãng phí, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội. Soi rọi các hoạt động tại TPHCM thời gian qua, nhiều phần việc cho thấy các địa phương đã chủ động chống lãng phí, điển hình như cải tạo các khu đất trống trong khu dân cư làm công viên, mảng xanh, điểm vui chơi cho người dân.
Tăng thiết chế giải trí
Ghé công viên Bình Trưng (phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức) vào một buổi chiều muộn, chúng tôi thấy không khí khá nhộn nhịp khi đám trẻ nô đùa, người lớn tập thể dục. “Hai chị em chơi ở khu vực này thôi nha, mẹ tập thể dục bên kia. Nấm nhớ trông em, không cho em chạy sang khu các anh đá banh nha”, dặn dò hai cô con gái xong, chị Nguyễn Thúy Anh (ngụ phường Bình Trưng Đông) tranh thủ vận động trên dụng cụ tập thể dục công cộng.
Nhà chị Thúy Anh cách Công viên Bình Trưng khoảng 50m. Mỗi chiều đón con tan học, chị đều đưa các con ra công viên chơi khoảng 30 phút rồi mới về tắm rửa, ăn cơm chiều. Chị Thúy Anh cho biết, trước đây, Công viên Bình Trưng là khu đất trống, bên trong cỏ dại mọc um tùm, xung quanh là rác và xà bần nên nhìn khu dân cư kém sáng sủa.
“Khu đất rộng hơn 4.300m2 bị bỏ không gây lãng phí trong khi thiết chế vui chơi của người dân khu vực đang thiếu. Vừa qua, địa phương xây dựng công viên, bà con ai cũng mừng vì có không gian để sinh hoạt”, chị Thúy Anh chia sẻ.
Công viên Bình Trưng được đầu tư gần 4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đây là một trong gần 80 công viên công cộng được xây dựng trên các khu đất quy hoạch công viên, xây trên đất công để trống xen cài trong khu dân cư và trong các khu nhà ở trên địa bàn TP Thủ Đức.
Cùng với đó, có thể kể đến công viên Thanh niên (phường Tăng Nhơn Phú A) rộng hơn 2.000m2, Công viên Lê Hữu Kiều (phường Bình Trưng Tây) gần 2.000m2, Công viên Phú Hữu (phường Phú Hữu) rộng gần 3.500m2, Công viên đường Võ Nguyên Giáp (phường Thảo Điền) rộng 5.000m2…
Trên địa bàn quận 7 hiện có hơn 60 công viên nhỏ, mảng xanh được hình thành từ các khu vực đất trống. Quận còn cải tạo khu đất hành lang ven kênh để trồng cây ăn quả, cây xanh nhằm tạo mỹ quan, đồng thời ngăn chặn tình trạng xả rác xuống kênh, rạch.
Chỉ về phía mảng xanh gần Xí nghiệp Đại Thắng (phường Tân Hưng), ông Phạm Ngọc Khanh (ngụ quận 7), cho biết, nơi này trước là khu đất công rộng khoảng 2.000m2 bỏ trống nhiều năm rồi biến thành nơi nhếch nhác, cỏ dại mọc và đầy rác thải. Mới đây, chính quyền địa phương và người dân đã tham gia cải tạo thành mảng xanh, có lối đi bộ, cây xanh cùng nhiều dụng cụ tập thể thao ngoài trời để phục vụ người dân.
Tương tự, người dân khu phố 1, phường 4, quận Phú Nhuận cũng phấn khởi khi khu đất bỏ hoang tại khuôn viên số 750 Nguyễn Kiệm đã được cải tạo thành khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao...
Người dân chung tay
Tại nhiều hội nghị hay các cuộc tiếp xúc cử tri ở các địa phương, người dân không ít lần lên tiếng phản ánh tình trạng đất công bỏ hoang gây lãng phí. Lãnh đạo một số quận, huyện cho biết đã nhìn thấy sự lãng phí đó trên địa bàn, trong khi các thiết chế giải trí cho người dân vốn đã ít thì việc chậm xây công viên đã quy hoạch càng có lỗi với người dân. Vì vậy, nhiều địa phương đã vận động xã hội hóa để xây dựng công viên, giảm thiểu lãng phí tài nguyên đất.
Mấy tháng qua, mỗi sáng sớm, bà Nguyễn Thị Hằng (khu phố 27, phường An Phú Đông, quận 12) thường ra khu công viên rộng khoảng 500m2 trước nhà để tập thể dục. Khu đất này là đất công để trống nhiều năm bị biến thành điểm bỏ rác của người dân, mới được UBND phường An Phú Đông vận động nguồn xã hội hóa gần 250 triệu đồng để cải tạo thành công viên, gắn dụng cụ tập thể dục phục vụ người dân trong khu vực.
Chánh Văn phòng UBND quận 12 Hồ Minh Hoàng cho biết, hiện quận có 36 công viên cây xanh, 107 mảng xanh công cộng và 7 mảng xanh trong các khuôn viên trụ sở, nhà truyền thống với tổng diện tích gần 32ha. Quận tiếp tục rà soát quỹ đất do nhà nước trực tiếp quản lý, ưu tiên đầu tư phát triển công viên, cây xanh tại các vị trí có quy hoạch phù hợp.
Quận Bình Tân cũng có 110 công viên, mảng xanh với diện tích hơn 58ha. Để tăng công viên, mảng xanh trên địa bàn, UBND quận chỉ đạo các đơn vị rà soát, tập trung thu hồi những khu đất có nguồn gốc là đất công được quy hoạch công viên cây xanh, đất công để trống trong khu dân cư để tạo mảng xanh, tránh lãng phí đất đai.
Tại TP Thủ Đức, ngoài gần 100 công viên lớn, nhỏ trên địa bàn, TP Thủ Đức còn tận dụng, biến 60 khu đất ven đường giao thông, tiểu đảo để trồng cây, thành các mảng xanh. Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, địa phương nhận thức rõ việc đất bỏ trống không chỉ lãng phí tài nguyên đất mà còn phát sinh thành nơi ô nhiễm môi trường, trong khi người dân thiếu không gian công cộng để thư giãn.
Vì vậy, một trong những nội dung Thành ủy TP Thủ Đức chỉ đạo ưu tiên triển khai sớm, đồng bộ là rà soát lại quỹ đất công đang để trống trong khu dân cư để cải tạo, xây dựng thành công viên, mảng xanh. Có những công viên được triển khai nhanh, với sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, đã tạo nên những điểm đến ấn tượng, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục thể thao lành mạnh cho người dân TPHCM nói chung, TP Thủ Đức nói riêng như Công viên bờ sông Sài Gòn.
Đến nay có thể nói, phần lớn các công viên công cộng trên địa bàn TP Thủ Đức đều có sự chung tay góp công, góp của của người dân để xây dựng, chăm sóc và giữ gìn công viên, mảng xanh. “Đây có thể là suy nghĩ, hành động không lớn nhưng là chiến lược lâu dài và quan trọng trong phát triển đô thị. Đặc biệt, việc này đã đáp ứng được mong mỏi của người dân, phục vụ thiết thực cho người dân”, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp chia sẻ.
Theo thống kê, toàn TPHCM hiện có hơn 400 công viên, gồm công viên công cộng và công viên trong khuôn viên khu dân cư. Phó trưởng Phòng Hạ tầng, Sở Xây dựng TPHCM Nguyễn Thị Nhi cho biết, thành phố đang tập trung rà soát, đầu tư công viên, mảng xanh, trồng cây xanh tại các khu đất quy hoạch công viên, các khu đất ô nhiễm, khu đất chưa đầu tư xây dựng. Đây cũng là giải pháp vừa phát triển mảng xanh, vừa chống lãng phí tài nguyên đất.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cai-tao-cac-khu-dat-trong-phuc-vu-cong-dong-post775202.html