Cải tạo cảnh quan môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch sinh thái
Thành quả sau 9 năm thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh không chỉ dừng lại ở việc cải thiện nhanh chóng cảnh quan, chất lượng môi trường sống mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế du lịch sinh thái, đem lại thu nhập cho người dân và góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, xây dựng lối sống thân thiện, hài hòa... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường là chương trình được các địa phương trên toàn tỉnh tập trung thực hiện trong chương trình xây dựng nông thôn mới và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao. Thành quả sau 9 năm thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh không chỉ dừng lại ở việc cải thiện nhanh chóng cảnh quan, chất lượng môi trường sống mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế du lịch sinh thái, đem lại thu nhập cho người dân và góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, xây dựng lối sống thân thiện, hài hòa, bền vững với thiên nhiên từ khai thác các giá trị chức năng về môi trường, cảnh quan nông nghiệp, nông thôn.
Thôn Vỵ Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các tours du lịch sinh thái sau khi chính quyền và nhân dân nơi đây nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm thôn Vỵ Khê đã thu hút hàng vạn du khách về tham quan; trong đó một số Công ty lữ hành đã duy trì thường xuyên các tours du lịch đường sông và du khách phần lớn là người nước ngoài. Nằm ven đê sông Hồng, cách thành phố Nam Định khoảng 5km nên đến Vỵ Khê, các du khách ngoại tỉnh có thể lựa chọn 2 phương án lưu thông gồm một tuyến đường thủy ven sông Hồng và đường bộ đi theo hai hướng ven đê hoặc Quốc lộ 21. Dọc hành trình của cả 3 tuyến này, du khách có cơ hội được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên sông nước thơ mộng và hoa cỏ dọc triền đê, ven quốc lộ; đây cũng chính là những thành quả do các địa phương trong tỉnh cùng chung sức kiến tạo, thiết lập cảnh quan trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặt chân vào Vỵ Khê, du khách sẽ ngay lập tức trở nên thư thái khám phá khung cảnh các nhà vườn hoa, cây cảnh đẹp. Mọi tuyến đường, ngã rẽ trong thôn Vỵ Khê đều được tu sửa mới và chỉnh trang ngăn nắp, đồng bộ, được trồng hoa dây leo hoặc bố trí các chậu cây cảnh, cây thế sinh động, rực rỡ ven đường. Những khu nhà vườn trong thôn đều ngập đầy hoa lá. Thôn Vỵ Khê đã lựa chọn ra 10 khu nhà vườn nổi trội về kiến tạo cảnh quan của những nghệ nhân sinh vật cảnh, có nhiều đóng góp trong gìn giữ, lưu truyền, phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, kiến tạo cảnh quan và nhiều năm liền đạt thu nhập cao từ nghề. Hướng dẫn viên của chuyến tham quan trong thôn là những nghệ nhân hoặc người làm nghề trồng hoa cây cảnh, kiến tạo cảnh quan kỳ cựu, nhiều tâm huyết, vì vậy du khách còn có cơ hội thẩm thấu các giá trị văn hóa, kinh tế của chính khung cảnh nên thơ đang được thưởng ngoạn. Theo đồng chí Nguyễn Thế Lực, Phó trưởng thôn Vỵ Khê, đây là vùng đất thuộc trấn Sơn Nam hạ xưa, có cụ tổ Tô Trung Từ xây dựng làng nghề trồng hoa, cây cảnh của toàn quốc có nhiều tác phẩm hoa, cây cảnh tiến phủ Thiên Trường phục vụ cung đình và các điền trang của quan lại thời xưa. Do hình thành từ lâu đời nên làng nghề Vỵ Khê trở thành cái nôi, gốc rễ sản sinh nhiều giống hoa đẹp, quý như: đào, lan, hải đường, đỗ quyên, trà, quất. Cây cảnh và hoa của thôn Vị Khê đa dạng về chủng loại, phong phú về kiểu dáng, thế cây được truyền từ đời này qua đời khác; trong đó có đôi cây thế cổ nhất trong làng từng đoạt giải 3 trong cuộc thi tuyển chọn cây thế đẹp do triều đình Huế tổ chức năm 1924; có đôi cây nguyệt quế và hàng vạn tuế được lựa chọn trồng tại khuôn viên Lăng Bác; nhiều tác phẩm cây cảnh nghệ thuật được tạo hình thành các công trình kiến trúc nổi tiếng như Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Phổ Minh... Trong nhiều năm gần đây, người làm nghề ở Vỵ Khê còn tiên phong định hướng thẩm mỹ, nhu cầu thưởng ngoạn cây cảnh, kiến tạo cảnh quan, khuôn viên sinh thái cho cơ quan công sở, các công trình nhà ở, biệt thự... Xây dựng, tạo lập cảnh quan nông thôn mới kiểu mẫu gia tăng sức hấp dẫn kinh tế du lịch của thôn Vỵ Khê. Do nhu cầu tham quan, du lịch của du khách ngày một tăng cao, nhiều doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh đã tiếp cận để ký kết hợp đồng đưa du khách về tham quan theo tour nên hiện nay xã Điền Xá đã quy hoạch tập trung đầu tư khu vực làng nghề truyền thống thôn Vỵ Khê thành Trung tâm văn hóa - du lịch - thương mại với các công trình liên hoàn gồm: Đình tổ làng nghề, khu trưng bày sản phẩm làng nghề với đầy đủ các tư liệu lịch sử, công cụ lao động sản xuất; triển lãm ảnh các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của làng nghề qua các thời kỳ.
Ngoài thôn Vỵ Khê, trên địa bàn tỉnh đã có một số địa phương như xã Nghĩa An (Nam Trực), xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc)... ngày một gia tăng nhanh số lượng du khách tìm về nhờ đã tạo lập được hệ thống cảnh quan sinh thái “xanh - sạch - đẹp” theo chiều hướng phục vụ du khách tham quan, thưởng ngoạn có trả phí. Để đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái đang ngày một phát triển, từ đầu năm 2019, nhiều xã, thôn, xóm đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu về cảnh quan môi trường giai đoạn 2019-2020. Theo định hướng của UBND tỉnh, các địa phương, tiêu biểu là huyện Hải Hậu, đã có 12 làng nghề tập trung thiết lập cảnh quan môi trường theo các tiêu chí “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; quy hoạch lại sân, vườn, ao, xây dựng mô hình khu vườn kiểu mẫu, tạo khuôn viên gọn gàng, sạch sẽ; cải tạo vườn tạp khai thác kinh tế sinh vật cảnh, vừa đạt hiệu quả về cảnh quan thẩm mỹ vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng các trang trại sinh vật cảnh làm điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Về lâu dài, các mô hình cảnh quan sinh thái này chính là địa điểm để tỉnh thiết lập, phát triển các tour du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa làng nghề thúc đẩy phát triển bền vững ngành công nghiệp “không khói”, đem lại thu nhập ổn định cho người dân và góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, xây dựng lối sống thân thiện hài hòa bền vững với thiên nhiên./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy