Cải tạo kênh không thể chỉ phần ngọn
UBND TPHCM vừa chỉ đạo ứng 500 triệu đồng để cải tạo khẩn cấp kênh 19-5. Dòng kênh chảy qua khu dân cư đông đúc thuộc 2 quận Bình Tân và Tân Phú bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối suốt nhiều năm qua.
Bởi vậy thông tin cải tạo dòng kênh được người dân hoan nghênh đón nhận. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để giữ được dòng kênh trong xanh sau khi cải tạo.
Ô nhiễm do rác
Ghi nhận trong nhiều ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6, lượng rác dưới lòng kênh không còn nhiều như trước do được vớt thường xuyên. Tuy nhiên vẫn có những đoạn kênh cây cỏ mọc um tùm, cành cây gãy đổ chắn ngang dòng chảy. Riêng dòng nước thì có hôm đen ngòm, có hôm đổi màu trắng đục với những khối rác lớn nhỏ.
Dọc đường, không khó bắt gặp hình ảnh những đống rác chất cao bên bờ kênh. Chỉ cần một cơn gió mạnh hay mưa lớn, rác sẽ trôi xuống dòng kênh phía dưới. Có những buổi trời chuyển mưa, dông gió lớn những thùng rác và cả tấm nệm bị thổi bay xuống kênh.
Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi (đơn vị được UBND TPHCM giao làm chủ đầu tư cải tạo kênh 19-5), nhận định, nguồn ô nhiễm chính từ nước sinh hoạt, thức ăn thừa, rác thải của người dân được đổ thẳng xuống kênh. “Việc vứt rác, xả thải ra kênh như vậy là tự hủy hoại môi trường sống của chính mình. Đó là cái gốc và nếu không xử lý triệt để thì dù TP có chi đầu tư cỡ nào cũng không thể giải quyết được ô nhiễm”, ông Đam nói.
Có mặt tại đường kênh 19-5, khu vực qua phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, phóng viên chứng kiến một người đàn ông đi từ cơ sở phế liệu gần đó đổ xuống bờ kênh nhiều mảnh kính vỡ.
Liên quan việc để đầy rác ven kênh, ông Phan Thanh Hòa, Chủ tịch UBND phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, cho biết vừa qua sau khi các khu phố lắp camera có phát hiện việc để rác ven kênh, còn chưa phát hiện trường hợp nào vứt rác thẳng xuống kênh.
Lắp camera giám sát
Là một trong những địa phương có kênh 19-5 chảy qua, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân được UBND TPHCM giao thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, vận động nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dọc tuyến kênh không xả rác thải, chất thải xuống kênh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm, không để tái diễn.
Ông Lê Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa, cho biết thời gian qua vẫn thường xuyên kiểm tra xử lý, tuy nhiên hành vi xả rác diễn ra rất nhanh nên việc xử lý cũng khó khăn. “Thời gian tới, UBND phường sẽ dùng camera để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Người dân trong khu vực gần tuyến kênh và trên địa bàn toàn phường đều đã có cam kết, nếu vi phạm sẽ bị xử lý”, ông Lê Minh Hiếu cho hay.
Lãnh đạo phường Bình Hưng Hòa chia sẻ thêm, phường vẫn duy trì vớt rác trên kênh, nhưng do lượng bùn lắng nhiều năm, khi mực nước thấp rác sẽ bị lưu lại. Khi nạo vét kênh xong thì dòng chảy sẽ thông thoáng, vớt rác thuận tiện hơn.
Ông Nguyễn Văn Đam thông tin, việc nạo vét cải tạo kênh 19-5 chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu vệ sinh kênh mương, nạo vét khơi thông lòng kênh, cố gắng triển khai trong tháng 6 này. Giai đoạn tiếp theo đến năm 2020 mới khởi công, trong đó có việc nạo vét toàn bộ bùn thải bồi lắng nhiều năm qua, phối hợp với các địa phương của quận Bình Tân và quận Tân Phú để làm lại 2 đường rào dọc bờ kênh này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đầu tư hệ thống chiếu sáng, đồng thời lắp đặt một số thiết bị tập thể dục.
Ngoài ra sẽ lắp các hệ thống thiết bị đo chất lượng nước cũng như hệ thống camera ở ven kênh, những nơi dân cư nhiều hoặc một số vị trí đầu đường và dự kiến có 2 trạm đo chất lượng nước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đam, việc xử lý ô nhiễm như trên chỉ là phần ngọn. Còn phần gốc, trước hết là chính người dân nơi dòng kênh chảy qua phải tuyệt đối không xả rác xuống kênh.
Kênh 19-5 từ những năm 2003-2004 đã được đầu tư lát đá nhưng sau một thời gian đã xuống cấp, hai bên đường ven kênh người dân sống đông đúc, rác vứt thẳng xuống kênh, khiến tình trạng ô nhiễm trở nên nghiêm trọng. “Với chính quyền địa phương, cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân không lấn chiếm bờ kênh, không đổ rác xuống kênh và chế tài nghiêm ngặt những hộ nào đổ rác xuống kênh”, ông Đam nêu ý kiến.
Chờ dự án kênh Tham Lương - Bến Cát để lưu thông dòng chảy
Theo ông Nguyễn Văn Đam, để việc xử lý ô nhiễm triệt để và giữ được dòng kênh sạch, một trong những giải pháp căn cơ cần tập trung là đẩy nhanh dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước sang giai đoạn 2. Khi hoàn thành dự án này thì dòng nước kênh 19-5 sẽ lưu thông tốt hơn, không bị tù đọng như hiện nay. Để kênh 19-5 trở thành dòng kênh xanh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn và dài hơi mới được như vậy, nhưng cũng phải có bước đi thì mới có bước đến.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cai-tao-kenh-khong-the-chi-phan-ngon-599778.html