Cải tạo, nâng cấp các công viên, vườn hoa: Nâng tầm cảnh quan, đáp ứng nhu cầu của nhân dân

LTS: Hà Nội có 63 công viên, vườn hoa, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận nội đô lịch sử. Các công viên, vườn hoa hình thành đã lâu, hầu hết đã xuống cấp. Thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp các công viên, vườn hoa nhằm duy trì, nâng tầm cảnh quan đô thị, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Những ụ củi chất đống trong công viên Thống Nhất.

Những ụ củi chất đống trong công viên Thống Nhất.

Bài đầu: Còn chắp vá, chưa đồng bộ

(HNMO) - Sau thời gian dài đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân, tại nhiều công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường dạo, cảnh quan, ghế ngồi, chiếu sáng, nhà vệ sinh... đã xuống cấp, hư hỏng. Việc duy tu, sửa chữa đã được thành phố cấp kinh phí, song chủ yếu vẫn mang tính khắc phục cục bộ, chắp vá...

Nhiều công viên, vườn hoa xuống cấp

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngoại trừ công viên nước Hồ Tây, các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố chủ yếu phục vụ công ích. Về chất lượng, hệ thống cây bóng mát tại các công viên, vườn hoa đã phát triển ổn định, chất lượng tương đối tốt. Tuy nhiên, do hình thành từ lâu nên tại nhiều công viên, vườn hoa, diện mạo kiến trúc, cảnh quan, thảm cỏ, cây hoa, đường dạo, chiếu sáng, vật kiến trúc... đã bị xuống cấp, lạc hậu, đơn điệu, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, các dịch vụ tiện ích trong công viên còn manh mún, tự phát, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ghi nhận thực tế tại công viên Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai), hầu hết các hạng mục, vật dụng đều trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Cổng bị gỉ sét, hư hỏng nặng; ghế đá đều bị gãy chân hoặc nứt, vỡ. Nền gạch ở nhiều đoạn đường trong công viên bị bong tróc, tạo thành rất nhiều "ổ gà", nước đọng. Hệ thống chiếu sáng tại công viên hầu như không còn tác dụng do đèn đã cháy hoặc vỡ. Chị Vũ Thị Hạnh (ở tòa nhà HH3B Linh Đàm) chia sẻ: "Công viên xuống cấp đã lâu, hầu như không được duy tu nên như bị bỏ hoang vậy. Chiều tối là người dân không dám ra công viên chơi".

Tại công viên Thống Nhất - một trong những công viên lớn của thành phố, cũng xuất hiện tình trạng đường dạo xuống cấp. Đặc biệt, khu vực gần cổng đường Trần Nhân Tông đang tồn tại hàng loạt các ụ củi khô chất đống, xâm chiếm không gian, ảnh hưởng đến cảnh quan công viên.

Vườn hoa Diên Hồng xuống cấp, nước chảy lênh láng ở khu vực đài phun nước.

Vườn hoa Diên Hồng xuống cấp, nước chảy lênh láng ở khu vực đài phun nước.

Tương tự, quận Hoàn Kiếm có 14 vườn hoa hình thành từ sự phát triển của các khu phố Pháp trước đây. Hầu hết là các ô đất nhỏ, đóng vai trò vừa là sân chơi, vườn hoa công cộng, vừa là đảo giao thông hình tam giác rất đặc trưng của lối quy hoạch và kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, hầu hết cũng đều đã xuống cấp. Điển hình như vườn hoa Diên Hồng (còn gọi là vườn hoa Con cóc), dễ dàng nhận thấy sự xuống cấp của các công trình tại đây: Chân đài phun nước bị rò rỉ, ngấm chảy nước lênh láng ra khu vực xung quanh; thân tượng đài được chằng buộc bởi các thanh sắt; gạch lát tại các đường dạo nhiều nơi bị vỡ, bong tróc...

Chủ yếu sửa chữa cục bộ

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, thời gian qua, thành phố đã cấp kinh phí để cải tạo, sửa chữa, chống xuống cấp cho một số công viên, vườn hoa, như: Bách Thảo, Thành Công, Thống Nhất, Thủ Lệ, Trúc Bạch... Tuy nhiên, việc duy tu, sửa chữa chủ yếu mang tính khắc phục cục bộ, chứ chưa mang lại diện mạo mới khang trang, tương xứng với sự phát triển của thành phố.

Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất Ma Kiên Hán thông tin, trong các dịp kỷ niệm 990 năm, 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, công viên được thành phố đầu tư cải tạo, nâng cấp một số hạng mục: Hàng rào, đài phun nước, đường dạo... nhằm khắc phục hư hỏng là chủ yếu. Tương tự, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội) Bùi Quang Khánh cho hay, trước tình trạng nhiều hạng mục bị xuống cấp, lún nứt, trong năm 2020-2021, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) cũng đã tiến hành cải tạo nhằm duy trì hoạt động của công viên.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, bên cạnh việc khắc phục cục bộ tình trạng xuống cấp tại một số công viên, giai đoạn 2018-2020, UBND thành phố Hà Nội đã giao UBND quận Ba Đình, UBND quận Hoàn Kiếm đầu tư cải tạo, nâng cấp kiến trúc cảnh quan một số công viên, vườn hoa bằng nguồn kinh phí của quận. Hiện, các công trình trên đã hoàn thành, có diện mạo cảnh quan đẹp, hiện đại, khang trang... tạo điểm nhấn cho đô thị.

Thông tin về công tác cải tạo, nâng cấp các vườn hoa trên địa bàn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết, giai đoạn 2019-2020, UBND quận đã cải tạo 3 vườn hoa: Vườn hoa xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Tây Sơn, Mê Linh. Các vườn hoa sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã nhận được sự hưởng ứng của người dân trên địa bàn; góp phần nâng tầm cảnh quan khu vực, cũng như phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí của nhân dân, du khách ngày một tốt hơn.

Hồ Hoàn Kiếm sau khi được cải tạo, chỉnh trang đồng bộ: Kè hồ, thay mới gạch lát đường dạo, cải tạo hệ thống cây xanh, cây cảnh... đã mang diện mạo hoàn toàn đổi khác, được người dân, giới chuyên môn đánh giá cao. TS. KTS Nguyễn Quốc Thông, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận xét: Sau khi chỉnh trang, không gian dành cho sinh hoạt của người dân được khẳng định hơn, nhiều hơn. Thảm xanh, thảm hoa mạch lạc, không mất đi không gian xanh quen thuộc ở hồ Hoàn Kiếm mà còn ngăn nắp hơn. Điều này thể hiện một sự đầu tư bền vững, đồng bộ và chắc chắn, chứ không phải làm nhất thời.

(Còn nữa)

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1027373/cai-tao-nang-cap-cac-cong-vien-vuon-hoa-nang-tam-canh-quan-dap-ung-nhu-cau-cua-nhan-dan