Cải tạo tầm vóc đàn trâu, bò bằng kỹ thuật sinh sản nhân tạo
Xác định chăn nuôi đại gia súc là một trong những giải pháp tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, đồng thời với mở rộng chuỗi liên kết chăn nuôi trâu bò, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp cải tạo tầm vóc đàn đại gia súc bằng kỹ thuật sinh sản nhân tạo.
Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong những năm qua, việc bình tuyển, chọn lọc hàng năm đối với đàn trâu đực giống không được thực hiện thường xuyên. Việc phục tráng, xử lý các bệnh về sinh sản đối với đàn trâu, bò chưa được quan tâm, tỷ lệ sinh sản thấp; hiện tượng giao phối đồng huyết, cận huyết khá phổ biến… dẫn đến hiệu quả thấp trong chăn nuôi.
Con bê được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo của gia đình anh Phạm Văn Định,thôn Đồng Chùa 2, xã Bình Xa (Hàm Yên).
Năm 2018, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) là địa phương đầu tiên của tỉnh được lựa chọn thí điểm mô hình “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đàn trâu” cho 50 hộ dân tham gia. Bà Nguyễn Thị Lịch, thôn Khuôn Khoai cho biết, gia đình bà có 1 trâu cái được thụ tinh nhân tạo và hiện đã sinh sản. Nghé được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo có trọng lượng lớn hơn, trung bình từ 30 - 40 kg/con (to hơn nghé được phối giống tự nhiên từ 10 - 15 kg); nghé khỏe hơn, sức đề kháng tốt hơn, lớn nhanh hơn.
Sau hơn 1 năm thực hiện, ở Yên Nguyên đã có gần 100 con trâu được thụ tinh nhân tạo. Từ thành công này, mô hình đã nhân rộng tại Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương. Gia đình anh Đoàn Văn Thái, thôn 1 Tân Yên, xã Tân Thành (Hàm Yên) chăn nuôi trâu sinh sản từ 5 - 6 năm nay. Năm 2018, khi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật sinh sản nhân tạo cho đàn trâu, bò, anh thực hiện phương pháp mới này. Đến nay, gia đình đã có 3 cặp trâu mẹ con phát triển khỏe mạnh và hiện tại đang tiếp tục thụ tinh nhân tạo cho 2 con trâu.
Anh Phạm Văn Định, thôn Đồng Chùa 2, xã Bình Xa (Hàm Yên) cũng vừa đón 1 con bê sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo từ nguồn giống bò đực 3B. Theo anh Định, nếu so với sinh sản tự nhiên thì bê con sử dụng giống 3B có trọng lượng lớn hơn 1,5 lần, sinh khối thịt lớn hơn, vì thế chắc chắn giá bán sẽ cao hơn.
Theo Chi cục Thú y tỉnh, việc thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò không chỉ giúp cải thiện chất lượng trâu, bò giống; bê, nghé sinh ra có trọng lượng lớn hơn mà còn rút ngắn được thời gian sinh sản con tiếp theo của đàn. Như gia đình ông Chu Văn Tài, thôn 1 Việt Thành, xã Tân Thành (Hàm Yên), ngay sau khi sinh sản con nghé đầu tiên từ con đực thuộc giống Murrah Ấn Độ, gia đình ông tiếp tục lấy giống cho trâu mẹ. Ông Tài so sánh, nếu như là sinh sản tự nhiên thì khoảng 3 năm trâu mẹ mới sinh sản được 2 lứa nhưng thực hiện phương pháp sinh sản nhân tạo thì chỉ 1 năm sẽ sinh được 1 nghé. Hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 400 con nghé, bê sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, một số giống chủ yếu được sử dụng là bò 3B, Brahman và giống trâu nội có chọn lọc, trâu Murrah Ấn Độ.
Cải tạo đàn trâu, bò bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo sẽ khắc phục tình trạng thiếu trâu, bò đực giống và suy thoái đàn trâu, bò đang diễn ra do cận huyết. Qua đó, góp phần quan trọng trong cải tạo tầm vóc thể trạng của đàn trâu, bò, nâng cao năng suất, mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là lời giải cho nhu cầu sử dụng trâu, bò giống trong chăn nuôi đại gia súc theo chuỗi mà nhiều trang trại, hợp tác xã chăn nuôi đang gặp phải hiện nay.