Cải tạo trí tuệ cho trẻ tự kỷ: Cần thêm những khởi tâm
Ông Phan Diễn, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai sau khi thăm Trung tâm huấn luyện trẻ tự kỷ ở Từ Sơn (Bắc Ninh) của TS. Phan Quốc Việt, đã vô cùng khâm phục trước sự tiến bộ của các cháu với kỹ năng làm xiếc điệu nghệ, không những thế, trí tuệ và thể lực các cháu tự kỷ được cải thiện nhiều qua phương pháp đặc biệt tại đây.
TS Phan Quốc Việt là người đầu tiên tại Việt Nam mở trường dạy kỹ năng sống cho người trẻ Việt Nam từ hai thập niên trước. Trong 6 năm nay, TS Phan Quốc Việt chuyển sang một con đường mới, đầy thách thức: huấn luyện và cải tạo trí tuệ cho trẻ tự kỷ.
Trung tâm Tâm Việt do Tiến sĩ sáng lập đã có hàng chục ngàn khóa đào tạo người trẻ các kỹ năng hữu ích cho cuộc sống như: kỹ năng sống, giao tiếp, kỹ năng làm chủ đời sống của mình để tự tin và an lạc hơn.
TS. Phan Quốc Việt được coi là Robin Hood thời hiện đại chuyên đi dạy "cho nhà giàu" với công thức: lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Mỗi lần lên lớp từ các doanh nghiệp, ông nhận 2.000 USD gọi là phí truyền cảm hứng cho cộng đồng. Số tiền ấy quay lại phục vụ Tâm Việt, hướng đạo của hàng chục ngàn học sinh, sinh viên...
6 năm nay, TS Việt chăm chút vào công việc đào tạo, giáo dục trẻ tự kỷ, "một cái nghiệp của em bác ạ", ông nói bộc bạch với nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn khi ông thăm Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ của Phan Quốc Việt tại Đại học TDTT Bắc Ninh ngày hôm qua.
Phan Quốc Việt cho rằng mỗi đứa trẻ tự kỷ đều có một số phận và đều bị "dính mắc" một điều gì đó. Việc của ông là tạo lập cho chúng một môi trường. Dạy cho chúng những kỹ năng chúng có mà nhiều đứa trẻ không có. Tạo lập cho chúng xả các năng lượng và đưa vào một tập thể mà ở đó, bọn trẻ có cộng đồng, có tình yêu thương và quan trọng là tự học và dạy bảo lẫn nhau.
"Trung tâm hiện có 50 cháu. "Cháu" lớn nhất 36 tuổi, cháu bé nhất 4 tuổi. Các cháu có xuất thân khác nhau: từ vô gia cư, bố mẹ li dị đến con cái của đại gia", TS Việt nói.
“Có bạn lúc vào còn chưa cả biết tắm, giặt đồ thì giờ đã tự tắm cho mình và tắm cho cả những em bị bệnh nặng hơn. Tôi còn nhớ hình ảnh lần đầu tiên, sau 7 năm không ăn cơm, cháu Hưng đã tự bốc 2 nắm cơm nhỏ để ăn hoặc khi bố Nguyên gặp tôi khoe toáng lên: “Anh ơi con em biết ngồi thiền, biết ăn uống lịch sự, dọn dẹp nhà cửa, biết mua quà về cho em và... nó biết cả nói dối nữa!”. Có thể các bạn sẽ cười vì nói dối thì có gì để khoe thậm chí còn đáng chê với các bạn bình thường nhưng với Nguyên và các học sinh nơi đây là cả một sự thành công. Tôi và các đồng nghiệp cũng sung sướng đến trào nước mắt! Hạnh phúc của người thầy chỉ đơn giản vậy thôi…”, ông Việt chia sẻ thêm.
Điển hình là cháu Khôi Nguyên, bé tự kỷ mà ông Việt dạy dỗ được Hội Kỷ lục gia Việt Nam cấp bằng Kỷ lục gia vì kỹ năng đội chai lên đầu, tung 8 bóng trên xe đạp một bánh.
Ngày nhận bằng Kỷ lục gia cho cháu, Tiến sĩ Phan Quốc Việt bộc bạch: “Đến nay, với trẻ tự kỷ, thế giới mới chỉ dừng ở mức can thiệp sớm (trước 3 tuổi). Chúng tôi rất tự hào vì đã thành công với cả các cháu tự kỷ ở tuổi dậy thì. Tâm Việt là một tổ chức tư nhân với kinh phí ít ỏi từ sự đóng góp của cha mẹ học sinh, nếu được các cơ quan hữu quan quan tâm và Nhà nước đầu tư đúng mực thì đây là hướng đi mới trong giáo dục trẻ tự kỷ không chỉ ở Việt Nam mà còn có thể áp dụng trên toàn thế giới”.
Câu chuyện cuộc đời Khôi Nguyên, đã được chuyển hóa mềm mại và đầy tính nhân văn vào vở diễn “Những ước mơ trong ngôi trường cổ tích”, một chương trình Xiếc - Tạp kỹ của Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập đơn vị. Vở diễn đã ra mắt phục vụ công chúng thủ đô Hà Nội vào ngày 13/10/2017. Trong đó, Khôi Nguyên vào vai chính mình trong vở diễn, một bé trai khiếm khuyết thiệt thòi, đã dám ước mơ, và nhờ tình yêu thương của mọi người, nỗ lực của chính em, điều kỳ diệu đã đến, em đã thực hiện được ước mơ cuộc đời, trở thành một nghệ sỹ.
Quan sát các cháu tự kỷ luyện tập tại Trung tâm Tâm Việt ngày 17/6/2019, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai nhận xét, Trung tâm đã làm được một việc có ý nghĩa lớn lao trong việc giáo dục, đào tạo và huấn luyện cho các cháu những kỹ năng để đưa các cháu tự kỷ tiếp cận dần với đời sống bình thường, tự chủ được trong cuộc sống, làm việc có ích cho cộng đồng.
TS Việt nói, tuy "do nghiệp dẫn dắt làm việc dạy trẻ tự kỷ, vô cùng khó khăn, gian lao" nhưng "tâm khởi trùng trùng duyên khởi", làm việc thiện duyên thì duyên thiện lành sẽ tiếp tục khởi đến như ngọn sóng trước ngọn sóng sau. Tâm khởi trùng trùng duyên khởi có ý nghĩa nhân sinh thật lớn lao như vậy.