Cải tạo vườn tạp đi vào thực chất

Sau hơn nửa năm triển khai Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, mặc dù còn nhiều khó khăn; tuy nhiên, có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, mở ra hướng đi mới cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo trên toàn tỉnh. Đối với huyện Đồng Văn, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân đang nỗ lực thực hiện nghị quyết đi vào thực chất, hiệu quả.

Bí thư Huyện ủy Đồng Văn, Hoàng Văn Thịnh thăm vườn trồng rau Bắp cải của gia đình chị Mua Thị Dính, thôn Séo Lủng B, xã Sảng Tủng.

Bí thư Huyện ủy Đồng Văn, Hoàng Văn Thịnh thăm vườn trồng rau Bắp cải của gia đình chị Mua Thị Dính, thôn Séo Lủng B, xã Sảng Tủng.

Sảng Tủng là xã nội địa, đá nhiều hơn đất của huyện Đồng Văn. Toàn xã có 15 thôn, nhưng chỉ có 4 thôn có đất sản xuất. Trước thời điểm thực hiện Nghị quyết 05, xã chỉ có 32 hộ có vườn, với diện tích từ 100-200 m2, chủ yếu trồng ngô, các loại rau màu phục vụ gia đình, không mang lại hiệu quả kinh tế. Trong quá trình chuyển đổi vườn tạp, bên cạnh hướng dẫn người dân sắp xếp, bố trí lại vườn, lựa chọn giống cây ăn quả lâu để trồng mới; nhận thấy tại một số thôn có điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc trồng rau Bắp cải, xã đã vận động bà con chuyển từ trồng ngô sang trồng Bắp cải. Đến nay, toàn xã có khoảng 15 ha Bắp cải, bắt đầu cho thu hoạch.

Gia đình chị Mua Thị Dính, thôn Séo Lủng B, xã Sảng Tủng có gần 0,2 ha trồng Bắp cải. Chị Dính cho biết: Sau khi được hỗ trợ để thực hiện cải tạo lại vườn, cán bộ xã hướng dẫn, gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng ngô sang trồng Bắp cải, đến nay đã được thu hoạch một vụ. Chỉ với diện tích trồng Bắp cải, gia đình tôi thu về trên 40 triệu đồng, gấp rất nhiều lần so với trồng ngô và các loại rau màu trước đây. Mỗi năm, cùng diện tích có thể trồng được 3 vụ bắp cải. Việc chăm sóc cũng không vất vả, do Bắp cải trồng tại đây không cần tưới nước. Đầu ra cho sản phẩm cũng thuận lợi, vì là sản phẩm sạch nên các trường học trên địa bàn, người dân các huyện lân cận đều tới đặt mua tại vườn, chúng tôi có thể yên tâm, tiếp tục sản xuất.

Vườn tạp của gia đình ông Thào Pháy Quả, xã Phố Cáo được cải tạo trồng cây Dưa chuột bắt đầu cho thu hoạch.

Vườn tạp của gia đình ông Thào Pháy Quả, xã Phố Cáo được cải tạo trồng cây Dưa chuột bắt đầu cho thu hoạch.

Tính đến tháng 6.2021, toàn huyện Đồng Văn đã cải tạo được 179 vườn với diện tích trên 266 nghìn m2. Trong đó, 143 vườn cây ăn quả lâu năm, cây đã sinh trưởng, phát triển tốt; 25 vườn trồng rau màu các loại, chủ vườn đã có thu nhập. Nhiều hộ đã có thu nhập bước đầu hàng trăm triệu đồng.

Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đồng Văn cho biết: Đối với huyện Đồng Văn, diện tích đất vô cùng khan hiếm, vì vậy, Đảng bộ huyện luôn xác định triển khai thực hiện nghị quyết một cách thận trọng, thực chất, bền vững, không chạy theo số lượng, để các vườn được cải tạo thực sự mang lại hiệu quả, có giá trị kinh tế; các hộ được lựa chọn là hộ nghèo, cận nghèo, có ý chí vươn lên vì vậy khi triển khai, có thể tạo ra thu nhập đồng đều cho người dân. Người dân sau khi được định hướng những cây, con phù hợp; bố trí, sắp xếp lại sản xuất đã có thể tự tin áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bước đầu tạo ra thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đến nay, những thành quả bước đầu cho thấy nghị quyết đã đi vào cuộc sống; đây không phải là một phong trào thi đua mà là việc làm thiết thực để người dân vươn lên thoát nghèo.

Những mảnh vườn cằn cỗi, không có giá trị sau khi được bố trí, sắp xếp lại và lựa chọn cây trồng phù hợp đã mang lại no ấm cho nhiều gia đình trên mảnh đất Đồng Văn. Có thể nói, với tính thiết thực, nhân văn của Nghị quyết 05 đã tiếp thêm động lực cho người dân tự tin, mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Bài, ảnh: My Ly

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202107/cai-tao-vuon-tap-di-vao-thuc-chat-779144/