Trả lời 3 câu hỏi để phát triển kinh tế xanh - Kỳ 3: Kỳ vọng gì?

Cuộc đua Net Zero là một trách nhiệm lớn mà cả thế giới và Việt Nam đang hướng tới, không chỉ vì lợi ích môi trường mà còn cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, hướng tới kinh tế xanh.

Ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Thế Tân – Phó Giám đốc công ty TNHH MTV trà Tâm Lan bày tỏ mong muốn được chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, tạo ra một môi trường xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho mọi người là những mong muốn chính đáng và rất đáng tuyên dương đối với các DN.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ, cơ quan nhà nước hãy chia sẻ, quan tâm hơn đến các DN bằng cách đẩy mạnh truyền thông để DN hiểu rõ quy trình, cách tiếp cận các nguồn vốn chính thống. Đồng thời hi vọng rằng các đơn vị hỗ trợ tài chính cho DN xanh hãy chủ động liên hệ, sẻ chia cùng DN để cùng nhau tạo dựng một môi trường sản xuất xanh hơn” – ông Tân bày tỏ.

Cùng quan điểm, đại diện công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Bao bì Tăng Phú – Tafuco, ông Nguyễn Hoàng Xuân Độ, Tổng Giám đốc công ty bày tỏ mong muốn có thêm gói hỗ trợ tài chính xanh cho DN để đơn vị có thêm kinh phí đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân lực và phát huy hơn nữa vai trò tiên phong chuyển đổi xanh trong lĩnh vực bao bì của mình.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, kinh tế xanh đòi hỏi nguồn lực, sự phối hợp, tư duy mới vì đây là xu hướng mới. Do vậy, chúng ta có một thể chế đóng vai mở đường nhằm giúp DN có đầy đủ mọi điều kiện để tham gia vào quá trình mới mẻ này. Chúng ta không chỉ cần tư duy mới mà còn đòi hỏi đầu tư mới, kết nối mới, chia sẻ mới.

Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì có lẽ chúng ta đi chưa nhanh, vậy vấn đề đặt ra là vì sao chúng ta lại chậm hơn trong khi phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu. Rõ ràng phải rà soát lại những hạn chế, từ tư duy, thể chế, chính sách.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có các chính sách đột phá, chính sách thử nghiệm cho phép một số lĩnh vực mới của kinh tế xanh, và khi thử nghiệm thành công thì sẽ nhân rộng. Điều cần làm bây giờ là cổ vũ, khích lệ và cho phép những ai muốn đi nhanh” - PGS.TS Bùi Quang Tuấn bày tỏ.

Chúng ta cần nhận diện rằng nếu không đi theo xu hướng phát triển kinh tế xanh thì chúng ta sẽ bị tụt hậu, cho nên chắc chắn cần phải bắt kịp và quyết liệt để tham gia vào xu hướng tất yếu này. Tất cả các tầng lớp, từ nhà quản lý, DN, người dân, các hiệp hội và cả cộng đồng cần chung tay vì sự phát triển chung của xã hội.

Trước những thách thức để phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kỳ vọng, các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, cần phải thúc đẩy được những cải cách trong lĩnh vực kinh tế xanh để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tốt nhất cho các DN, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Các cơ quan chính quyền cần có các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực thi, hỗ trợ DN trong lĩnh vực kinh tế xanh để giúp các DN nắm bắt được cơ hội, vượt qua những thách thức, khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh của mình.

Với các quy định ngày càng khắt khe về bảo vệ môi trường, việc phát triển và tham gia vào thị trường carbon không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn là yêu cầu cần thiết để duy trì sự cạnh tranh và tiếp cận thị trường quốc tế cho các DN.

Hiện nay, trên thế giới có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Các quốc gia này xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon và đã có nhiều giao dịch, nguồn thu về rất lớn, tạo xu hướng cho các nước chưa tham gia thị trường carbon.

Tại châu Âu có sàn giao dịch EU Emissions Trading System (EU ETS): Giúp các nước thành viên EU hạn chế hoặc giảm thiểu lượng khí thải nhà kính bằng việc cho phép người tham gia mua hoặc bán hạn ngạch khí thải. Hạn ngạch khí thải được xem như là một dạng tiền tệ - một hạn ngạch được cấp cho cho người có quyền thải ra một tấn CO2 hoặc khí thải nhà kính khác.

Sàn giao dịch California Cap-and-Trade Program: Đây là một sàn giao dịch tại tiểu bang California, Hoa Kỳ, và là một phần của Western Climate Initiative, bao gồm cả các tỉnh của Canada.

Tại nhiều nước Đông Nam Á cũng có sàn giao dịch carbon như sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) thành lập tháng 5/2021, quỹ đầu tư Temasek thuộc Chính phủ Singapore, ngân hàng DBS và Standard Chartered đã công bố thành lập thị trường carbon tự nguyện CIX bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán tín chỉ carbon chất lượng cao (từ các khu rừng lâu năm, có tác động tích cực đến chất lượng không khí) thông qua các hợp đồng tiêu chuẩn hóa.

Trên thị trường quốc tế, giá tín chỉ carbon đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, tại châu Âu, giá tín chỉ carbon đã tăng gấp 3 lần từ tháng 1/2020 đến nay, có lúc lên tới gần 100 euro/tín chỉ. Sự tăng giá mạnh mẽ này cho thấy tiềm năng lớn của thị trường carbon cũng như sự quan tâm ngày càng tăng của các DN và quốc gia đối với việc giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

Ngày 8/3/2024, giá 1 tín chỉ carbon ở Liên minh châu Âu là 59,50 euro, Vương quốc Anh là 35,39 bảng, California (Hoa Kỳ) là 28,66 USD, Australia là 36 AUD, New Zealand 69,50 NZD, Hàn Quốc 6,90 USD và Trung Quốc là 11,62 USD.

Việt Nam được coi là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ. Việc mua bán tín chỉ giảm phát thải trên thị trường là phương pháp tiên tiến được ngày càng nhiều quốc gia triển khai, đã tạo ra thị trường carbon trên thế giới và ở Việt Nam.

Theo đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” từ nay đến hết năm 2027, nước ta tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon... dự kiến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Việt Nam đã có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon... trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường carbon thế giới. Việt Nam là 1 trong 4 nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ.

Đến năm 2028, Việt Nam sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện. Đến lúc đó, DN có thể mua bổ sung tín chỉ bù đắp carbon để đạt mục tiêu Net Zero. Giai đoạn hiện tại là lúc DN cần thực hiện báo cáo kiểm kê phát thải theo quy định của Việt Nam và thế giới để hạn chế rủi ro pháp lý và nắm lấy thời cơ đến từ dòng chảy chuyển dịch “nhà cung cấp xanh” đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một trong những trung tâm của hoạt động carbon toàn cầu, nhờ vào cam kết mạnh mẽ với mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tương lai của thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam hứa hẹn sẽ mở ra nhiều triển vọng mới, đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tóm lại, cuộc đua Net Zero là một trách nhiệm lớn mà cả thế giới và Việt Nam đang hướng tới, không chỉ vì lợi ích môi trường mà còn cho sự phát triển bền vững kinh tế và xã hội.

Ở Úc, cả chính quyền liên bang lẫn các tiểu bang đều xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy quá trình điện khí hóa phương tiện giao thông. Đây không chỉ là chuyện phát triển công nghệ xe hay pin điện mà là phát triển một hệ thống theo hướng hỗ trợ người dân luôn ưu tiên mua và dùng xe điện, một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế xanh.

Để làm được điều này, chúng tôi đã đưa ra rất nhiều chính sách, từ việc giảm giá niêm yết đến ưu đãi về thuế khi mua xe điện, thậm chí là những chính sách ưu đãi về chi phí vận hành xe điện… Đó là những cách để thuyết phục người dân rằng họ nên sử dụng xe điện vì chi phí sẽ rẻ hơn.

Để làm gương và đi đầu trong hành trình chuyển đổi xanh, bên cạnh thuyết phục những cá nhân sử dụng xe điện, đất nước này còn thuyết phục các cơ quan nhà nước, DN tư nhân nên chuyển sang dùng những phương tiện vận tải bằng điện.

Trong chiến lược xe điện của mình, bang New South Wales còn có chính sách hỗ trợ về mặt tài chính cho các tổ chức, DN khi chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông bằng điện. Cụ thể, những tổ chức, bao gồm cơ quan nhà nước và DN nào chuyển đổi các phương tiện đi lại của mình sang xe điện thì có thể làm đơn yêu cầu gửi lên chính quyền để lấy tiền thưởng. Đặc biệt, việc điện khí hóa các đội xe tải, xe cứu thương, xe cảnh sát cũng sẽ được hưởng chế độ này và đây cũng là phương thức để thực hiện chiến lược chuyển đổi phương tiện giao thông xanh của bang.

Tôi nghĩ rằng Úc và Việt Nam có thể học hỏi lẫn nhau trong việc điện khí hóa phương tiện giao thông. Có một điều đáng chú ý ở TP.HCM là thành phố này có rất nhiều xe mô tô, đó là thách thức nhưng cũng là tiềm năng lớn để chuyển đổi sang xe điện, hoặc xe đạp điện. Làm được điều đó, Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu để các quốc gia khác học tập.

TS. Emily Moylan, giảng viên trường Kỹ thuật xây dựng dân dụng, ĐH Sydney (Úc).

ĐÀO HÀ - NGUYỄN TIẾN. Đồ họa: THANH QUANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tra-loi-3-cau-hoi-de-phat-trien-kinh-te-xanh-ky-3-ky-vong-gi-post808243.html