Cải tạo xe khách thành phố, bàn nâng xe lăn cần đáp ứng yêu cầu nào?
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bổ sung yêu cầu kỹ thuật đối với bàn nâng xe lăn trên xe khách thành phố cải tạo.
Có ít nhất một bàn nâng xe lăn/cầu lên xuống
Theo đó, dự thảo quy định xe khách thành phố cải tạo phải trang bị ít nhất một bàn nâng xe lăn hoặc một cầu lên xuống xe tại cửa vào ưu tiên và cửa ra ưu tiên (trừ xe khách thành phố BRT hoặc loại hình vận tải tương tự).
Sức nâng của bàn nâng xe lăn hoặc khả năng chịu tải của cầu lên xuống xe không nhỏ hơn 300kg và phải ghi tại vị trí sao cho nhân viên vận hành bàn nâng xe lăn hoặc cầu lên xuống xe có thể nhìn thấy dễ dàng.
Trong mọi trường hợp, xe chỉ có thể chạy được khi bàn nâng xe lăn hoặc cầu lên xuống xe đã ở đúng vị trí quy định khi xe chạy.
Ngoài ra, bề mặt bàn nâng xe lăn và cầu lên xuống xe phải có khả năng chống trượt.
Dự thảo cũng quy định yêu cầu riêng đối với cầu lên xuống xe, cụ thể: Chiều rộng bề mặt cầu không nhỏ hơn 800mm; Bề mặt cầu phải phẳng sao cho xe lăn có thể đi lại dễ dàng trên cầu để ra vào xe. Khi xe đỗ trên một mặt phẳng, trong điều kiện người dùng xe lăn lên xuống xe bình thường, một đầu cầu lên xuống xe được đặt xuống lề đường song song và cao hơn mặt đỗ xe 125 mm, độ nghiêng của cầu phải đảm bảo không lớn hơn 7o so với mặt đỗ xe.
Cầu lên xuống xe không được có vấu hoặc cạnh sắc có thể gây thương tích cho hành khách, nhân viên phục vụ hoặc người lái.
Trên các phần bề mặt dọc theo mép mỗi cạnh của cầu phải có một dải màu rộng không nhỏ hơn 50mm và tương phản với phần còn lại của bề mặt cầu.
Theo các chuyên gia, việc quy định chi tiết, rõ ràng yêu cầu an toàn kỹ thuật của từng thiết bị cấu thành lên xe khách thành phố cải tạo là cơ sở để các đơn vị thiết kế, cải tạo xe ô tô thuận lợi triển khai áp dụng trong quá trình thi công cải tạo, giúp nâng cao chất lượng phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.
Trong khi đó, bàn nâng xe lăn phải đáp ứng yêu cầu: Mặt sàn có chiều rộng không nhỏ hơn 750mm và chiều dài không nhỏ hơn 1.200mm; Có cơ cấu tự động hoạt động khi bàn nâng xe lăn được nâng lên khỏi bề mặt tựa và không được cản trở việc tiếp cận sàn xe của xe lăn; Không có bất kỳ khe hở nào trong các phần kết cấu của xe có thể gây thương tích cho người khi bàn nâng xe lăn chuyển động.
Ngoài ra, vận tốc trung bình của bàn nâng xe lăn trong hành trình nâng, hạ không được lớn hơn 0,15 m/s.
Nếu hành trình nâng của sàn bàn nâng xe lăn lớn hơn 500mm thì phải lắp một tay vịn tại ít nhất một phía của sàn bàn nâng xe lăn.
Trường hợp tay vịn lắp với sàn bàn nâng xe lăn thì tay vịn phải cứng vững, nằm ngang ở độ cao từ 650 mm đến 1.100mm so với bề mặt sàn bàn nâng xe lăn.
Trường hợp tay vịn không chuyển động cùng với sàn bàn nâng xe lăn, tay vịn phải thẳng đứng, có chỗ nắm tay cao hơn sàn bàn nâng xe lăn với độ cao không đổi trong suốt hành trình lên xuống của bàn nâng xe lăn.
Trên các phần bề mặt dọc theo sát mỗi cạnh của sàn bàn nâng xe lăn phải có một dải màu rộng không nhỏ hơn 50mm và tương phản với phần còn lại của bề mặt sàn bàn nâng xe lăn.
Bàn nâng, cầu lên xuống điện cần đáp ứng yêu cầu nào?
Đối với bàn nâng xe lăn hoặc cầu lên xuống xe hoạt động bằng năng lượng điện (gọi tắt là bàn nâng điện hoặc cầu lên xuống điện) cần phải đáp ứng thêm các yêu cầu khác như, hoạt động được bởi: Bộ điều khiển hoạt động của bàn nâng xe lăn hoặc cầu lên xuống xe trong khoang lái, hoặc được lắp liền kề bàn nâng xe lăn hoặc cầu lên xuống xe (bộ điều khiển này chỉ làm việc được bởi bộ điều khiển chính nằm trong khoang lái).
Ngoài ra, phải phát ra tín hiệu âm thanh trong khi hoạt động; Có thể vận hành được bằng tay hoặc nếu xe có nhiều hơn một bàn nâng xe lăn hoặc cầu lên xuống xe lăn thì ít nhất phải có một bàn nâng xe lăn hoặc cầu lên xuống xe lăn vận hành được bằng tay mà người dùng xe lăn tiếp cận được;
Loại bàn nâng, cầu lên xuống xe này cũng phải thiết kế, lắp đặt sao cho không hoạt động được khi xe đang chạy và được lắp một thiết bị an toàn để dừng chuyển động của cầu lên xuống xe nếu chỉ cần tác động một lực không lớn hơn 150 N theo hướng ngược chiều chuyển động của cầu lên xuống xe và sự chuyển động đó có thể gây thương tích cho hành khách, nhân viên phục vụ hoặc người lái;
Dự thảo còn quy định: Tất cả các bàn nâng xe lăn hoặc cầu lên xuống xe phải được lắp các cảm biến có thể làm dừng chuyển động của sàn bàn nâng xe lăn nếu nó chạm vào bất kỳ vật thể hoặc người nào trong khi đang chuyển động. Sau khi đã dừng lại, sàn bàn nâng xe lăn phải có khả năng đổi được chiều chuyển động.