Cái Tết xa quê của hàng trăm triệu công nhân Trung Quốc
Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, hơn 100 triệu lao động nhập cư ở Trung Quốc không thể về quê. Họ bị mắc kẹt tại các thành phố và trung tâm sản xuất lớn.
Theo South China Morning Post, hơn 100 triệu lao động nhập cư Trung Quốc sẽ bỏ truyền thống về quê nghỉ Tết Nguyên đán trong năm nay. Thay vào đó, họ ở lại các thành phố và trung tâm sản xuất lớn.
Các lao động từ quê lên thành phố đóng vai trò quan trọng đối với sự bùng nổ sản xuất của Trung Quốc sau khi mở cửa. Trong gần bốn thập kỷ, không gì có thể ngăn họ về quê vào dịp Tết hàng năm.
Nhưng điều đó đã thay đổi sau đại dịch. Năm nay, trong bối cảnh lo ngại về đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, chính quyền địa phương đã tăng cường nỗ lực ngăn người lao động di chuyển trong kỳ nghỉ lễ, áp dụng xét nghiệm virus nghiêm ngặt và cách ly bắt buộc.
Không thể về quê
Tại Quảng Đông, trung tâm sản xuất của Trung Quốc, các thành phố như Thâm Quyến và Đông Quan thường có đến 70% cư dân rời thành phố vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trong năm nay, đường phố nhộn nhịp lạ thường.
"Thật khó để quen với việc các công viên và trung tâm thương mại sôi động như vậy trước Tết Nguyên đán", bà Jade Zheng, một giám đốc sản xuất tại Thâm Quyến, chia sẻ. "Những năm trước, bạn chỉ có thể nhìn thấy những con đường vắng vẻ và các ngôi nhà trống", bà nói thêm.
"Nhiều người bạn của tôi đã giảm chi tiêu cho Tết Nguyên đán. Thu nhập của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề vào năm ngoái", bà Zheng tiết lộ. Các lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 khiến hàng loạt doanh nghiệp tại Trung Quốc phải đóng cửa.
Một số nhà máy sẽ cho nhân viên ở lại làm việc. Tuy nhiên, nhiều công ty vừa và nhỏ vẫn phải đóng cửa. Bởi họ không muốn, hoặc không thể trả mức lương đắt đỏ trong những ngày lễ.
"Khoảng 70% nhân viên của chúng tôi sẽ ở lại Thâm Quyến vào dịp Tết Nguyên đán. Trong những năm trước, hơn 90% đã trở về quê", ông Stephen Zhang, Tổng giám đốc của nhà sản xuất thiết bị in kỹ thuật số CNTOP, tiết lộ.
Nếu các nhà chức trách nới lỏng lệnh hạn chế và không yêu cầu cách ly bắt buộc, tôi cá rằng một lượng lớn người lao động sẽ leo lên những chuyến tàu để về quê
- Anh Ma De, một người lao động ở Thâm Quyến
Người lao động sẽ được phép sống trong ký túc xá của công ty miễn phí trong kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, nhà máy không khởi động lại sản xuất cho đến ngày 21/2. "Hầu hết nhà cung cấp của chúng tôi đã nghỉ và tạm ngừng sản xuất. Không có lý do gì để công nhân làm thêm giờ", ông Zhang giải thích.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà tuyển dụng, với lực lượng lao động tăng lên trong dịp Tết Nguyên đán, việc tuyển dụng sau Tết sẽ dễ dàng hơn và doanh nghiệp cũng có thể sớm hoạt động trở lại.
Trong những năm trước đây, việc người lao động trở về quê đã tạo ra tình trạng thiếu công nhân ở Quảng Đông sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Tình trạng chưa từng có
“Tôi định trả một bữa ăn ngon cho mọi người vào ngày đầu năm mới, nhưng một số chi phí khác sẽ tăng lên”, ông Zheng Bo, nhà sáng lập hãng sản xuất mũ bảo hiểm xe đạp thông minh (có trụ sở tại Thâm Quyến), chia sẻ. Ông cho biết hầu hết nhân viên của công ty ở lại thành phố.
Khi nhiều nhân viên ở lại Thâm Quyến, công ty có thể tiết kiệm chi phí tuyển dụng và hoạt động sau kỳ nghỉ lễ. Điều này cũng giúp công ty nhanh chóng hoàn thành các đơn đặt hàng tồn đọng trong tháng 1. Tổng khối lượng hàng đã vượt quá quý đầu năm ngoái.
Theo cuộc khảo sát trên 53.107 lao động nhập cư tại khoảng 500 công ty do Hiệp hội Khoa học Lao động Trung Quốc, Văn phòng Cố vấn của Quốc vụ viện và Tân Hoa Xã thực hiện, Trung Quốc sẽ chứng kiến 77,61% trong số 280 triệu lao động nhập cư ở lại thành phố trong dịp Tết Nguyên đán.
Tình trạng này là chưa từng có tại đất nước tỷ dân. Theo anh Ma De, công nhân lâu năm tại một công ty sản xuất được Đài Loan rót vốn, dịp Tết Nguyên đán là dịp để mọi người đoàn tụ với gia đình.
“Đối với hầu hết chúng tôi, sau một năm làm việc vất vả, chúng tôi sẽ dành phần lớn số tiền tiết kiệm được để về quê trong hai tuần Tết”, anh Ma De chia sẻ.
"Mọi người sẽ tặng quà cho trẻ em và cha mẹ ở quê, sửa chữa nhà cửa, gặp gỡ bạn bè", anh nói thêm.
Trong thời gian bị mắc kẹt ở Thâm Quyến, anh De cho biết sẽ dành thời gian ở công viên hoặc xem phim với bạn bè. Tuy nhiên, nếu các yêu cầu hạn chế được nới lỏng, anh sẵn sàng để trở về quê.
"Nếu các nhà chức trách nới lỏng lệnh hạn chế và không yêu cầu cách ly bắt buộc, tôi cá rằng một lượng lớn người lao động sẽ leo lên những chuyến tàu để về quê", anh Ma De nói thêm.