Cảnh báo 'sóng thần' pháp lý đe dọa dòng vốn FDI
Tại tọa đàm 'Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và bất động sản' sáng 19/11, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp KCN Deep C, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đề cập đến các bất cập liên quan đến xây dựng và thực thi pháp luật tại Việt Nam.
Ông Bruno Jaspaert cảnh báo những vướng mắc, điểm nghẽn pháp lý giống như một "cơn sóng thần lớn" đang từ từ tiến vào Việt Nam, có thể cuốn đi những nỗ lực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp KCN Deep C. (Ảnh: Nhà đầu tư).
Theo ông, việc phân cấp thẩm quyền giữa trung ương và địa phương tại Luật Bảo vệ môi trường hiện nay chưa rõ ràng, gây cản trở, khó khăn với các doanh nghiệp nước ngoài.
Cụ thể, theo quy định, doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp phải lượng trước đăng ký các mã ngành nghề sẽ thu hút đầu tư. Nếu có nhà đầu tư muốn vào khu công nghiệp nhưng không nằm trong danh mục mã ngành đã đăng ký thì không hoạt động được và không được cấp giấy phép môi trường. Họ sẽ phải đợi từ 6 - 9 tháng để chủ đầu đầu tư làm thủ tục điều chỉnh giấy phép môi trường.
“Tôi có thể kể ra rất nhiều những câu chuyện tương tự như thế. Ví dụ như việc chúng tôi phát triển điện mặt trời áp mái, điện tái tạo trong khu công nghiệp hay việc chúng tôi dựng cây cột điện gió đầu tiên trong khu công nghiệp nan giải, khó khăn như thế nào”, ông Bruno Jaspaert cho rằng dù đã có những nghị định mới về điện tái tạo nhưng từ nghị định đến áp dụng trong thực tế còn cả một quá trình khó khăn.
Ông cho rằng các quy định pháp luật của Việt Nam còn nhiều bất cập phải giải quyết, chưa đủ minh bạch và chất lượng chưa tốt. Đặc biệt, một số nội dung có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau; cơ quan có thẩm quyền đôi khi không có đủ kiến thức, trình độ để hiểu.
Với tư cách là Chủ tịch EuroCham, ông cho biết, cứ 3 tháng các doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội sẽ có văn bản gửi Chủ tịch về các khó khăn vướng mắc gặp phải trong quá trình đầu tư tại Việt Nam. Trải qua 8 năm với 24 bảng khảo sát, 2 nội dung Hiệp hội nhận được nhiều nhất là than phiền các quy định pháp luật thiếu minh bạch, không nhất quán và vấn đề thông quan ở hải quan. Các vấn đề này đã được nhắc lại nhiều lần tuy nhiên việc giải quyết còn rất nhiều khó khăn.
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển nhưng để phát triển được chúng ta cần thay đổi quy định pháp luật sao cho phù hợp với tốc độ phát triển của đất nước. Hy vọng Việt Nam sẽ ngày càng phát triển hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đang hoạt động”, ông Bruno Jaspaert kết luận.
Lời cảnh báo của Chủ tịch EuroCham là một lời nhắc nhở quan trọng về những thách thức pháp lý mà Việt Nam đang đối mặt. Việc khắc phục những bất cập này là điều kiện tiên quyết để Việt Nam duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Vấn đề này cũng được bà Bùi Thị Việt Lâm, Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam (USABC) đề cập trong một tọa đàm góp ý dự thảo Luật diễn ra tuần qua.
Bà Lâm cho biết trong 2 năm qua, quan sát thấy có rất nhiều sắc thuế được xây dựng và chuẩn bị ban hành, khi có hiệu lực đồng thời sẽ mang lại áp lực lớn cho doanh nghiệp.
“Việt Nam đã chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu. Thuế Thu nhập doanh nghiệp cũng đang xây dựng, bàn thảo tại Quốc hội. Đồng thời Thuế Giá trị gia tăng cũng thay đổi, không còn những ưu đãi hay mức giảm để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục. Trong khi đó các trách nhiệm khác của doanh nghiệp gia tăng, ví dụ như sắp tới đây là những yêu cầu về tuân thủ môi trường, về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Điều này dẫn đến tình trạng 'khó chồng khó', 'thuế chồng thuế'", Bà Lâm cho biết.
Thực trạng này khiến những nhà đầu tư nước ngoài đã hoạt động ở Việt Nam và những nhà đầu tư mới đang cân nhắc mở rộng thị trường phải suy nghĩ rất nhiều. Trong khi các nước trong khu vực đang cạnh tranh rất khốc liệt, cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc đưa ra rất nhiều ưu đãi không chỉ về thuế, đất đai mà là còn những đột phá về chính sách.
“Tất cả những luật này cùng có hiệu lực trong năm nay hoặc năm sau thì sẽ có tác động như thế nào đến bức tranh kinh tế vĩ mô, đến nỗ lực của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài? Đó là điều rất băn khoăn của chúng tôi trong vai trò một hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang rất tích cực hỗ trợ Việt Nam trong thu hút các nhà đầu tư Hoa kỳ đến Việt Nam”, đại diện USABC đặt vấn đề.