Cải thiện 'bức tranh' kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng cho doanh nghiệp bán lẻ
Theo dự báo của KPMG Việt Nam, từ 2020 đến 2030, Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 5,5%, nằm trong nhóm quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, tỷ lệ tiêu dùng so với tổng ngân sách quốc nội (GDP) của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực khi đạt trên 70%.
Yếu tố định hình thị trường bán lẻ qua góc nhìn doanh nghiệp
Sau vô vàn khó khăn liên tiếp trong những năm qua, thị trường đã thanh lọc bớt một số doanh nghiệp bán lẻ không đủ sức cạnh tranh, để lại dư địa cho những doanh nghiệp thực sự vững vàng vươn lên giành thị phần và cơ hội.
Về góc nhìn trung và dài hạn, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, mức thu nhập ngày càng tăng, số người trong độ tuổi lao động lên tới 67 triệu người cũng như tầng lớp trung lưu đang gia tăng và ngày càng đa dạng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của thị trường tiêu dùng, mở đường cho ngành bán lẻ phát triển.
Tuy nhiên, để thành công trong ngành bán lẻ, các doanh nghiệp cần nắm bắt được những xu hướng mới, thích ứng với sự thay đổi của thị trường và tạo dựng những lợi thế cạnh tranh bền vững. Kết quả khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra top 5 yếu tố chủ đạo định hình nên diện mạo thị trường bán lẻ.
Thứ nhất, sự biến động của các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tăng trưởng GDP và tỷ giá hối đoái… chi phối mọi hoạt động của ngành bán lẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng, và khả năng hoạt động của các doanh nghiệp.
Thứ hai, các quy định pháp luật và chính sách từ Chính phủ như thuế, quản lý thương mại, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng thị trường tiêu dùng của Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report đã ghi nhận một số kiến nghị của doanh nghiệp đối với Chính phủ nhằm hỗ trợ thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Dẫn đầu là nhu cầu hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, minh bạch hóa thông tin và tạo môi trường cạnh tranh công bằng với tỷ lệ 83,3% số doanh nghiệp bình chọn.
Thứ ba, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và định hình lại thị trường. Áp lực cạnh tranh, cuộc đua về chi phí, công nghệ và dịch vụ khách hàng buộc các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm những giải pháp mới để giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động và nâng cao tính cạnh tranh về giá và chất lượng nhằm thu hút và giữ chân khách hàng. Điều này tạo ra một môi trường bán lẻ ngày càng đa dạng, nơi người tiêu dùng được tận hưởng những trải nghiệm tốt hơn, có cơ hội tiếp cận những sản phẩm tốt hơn với mức giá hợp lý.
Thứ tư, sự dịch chuyển trong khuynh hướng tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sự đa dạng về hàng hóa, minh bạch về nguồn gốc, giá cả hợp lý và những giá trị gia tăng từ các chương trình ưu đãi, trong khi chất lượng, uy tín của doanh nghiệp bán lẻ và yếu tố địa lý vẫn giữ vai trò quan trọng. Các doanh nghiệp bán lẻ cần nhanh chóng thích ứng và đổi mới chiến lược để đáp ứng những kỳ vọng này, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Thứ năm, công nghệ bùng nổ đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong ngành bán lẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển hay tụt hậu của các doanh nghiệp. Theo đánh giá của doanh nghiệp trong ngành, công nghệ đóng vai trò then chốt trong hoạt động bán lẻ với mức điểm 4,2 trên thang 5, thúc đẩy cả quy trình hoạt động, đổi mới mô hình kinh doanh, và cách thức tiếp cận khách hàng. Trong khi đó, về phía người tiêu dùng, 86% số người tham gia khảo sát bảy tỏ sự yêu thích với các cửa hàng áp dụng công nghệ hiện đại (như thanh toán không tiếp xúc, trải nghiệm thực tế ảo...) để cải thiện trải nghiệm mua sắm và tương tác với sản phẩm.
Đẩy mạnh bán hàng đa kênh là chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp bán lẻ
Bắt nhịp với điều kiện thị trường, sự chuyển dịch trong khuynh hướng tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ cũng đưa ra các chiến lược ưu tiên nhằm tái định vị hoạt động, xây nền móng cho thành công bền vững. Trong đó, chiến lược Đẩy mạnh bán hàng đa kênh (omni-channel) ghi nhận năm thứ hai liên tiếp đứng đầu về tỷ lệ doanh nghiệp bình chọn với 79,2% số doanh nghiệp.
Đáng chú ý, đa dạng hóa sản phẩm và kiểm soát chất lượng đầu vào chứng kiến sự gia tăng mạnh nhất về số doanh nghiệp bình chọn là chiến lược đặt trọng tâm trong năm nay (tăng 22,6% so với kết quả khảo sát năm ngoái).
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt buộc các doanh nghiệp phải không ngừng đa dạng hóa sản phẩm và tìm kiếm những nhà cung cấp uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp cũng cần tăng cường mối liên kết với các thành viên trong chuỗi cung ứng, nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ logistics, hướng tới sự bền vững và ổn định.
Điều này không chỉ giúp kiểm soát hiệu quả nguồn hàng về số lượng, chất lượng và cơ cấu, mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Đây không chỉ là một chiến lược cạnh tranh nhằm giữ chân người tiêu dùng mà còn là bước đi quan trọng trong việc xây dựng uy tín và khẳng định vị thế của thương hiệu trên thị trường.
Đóng vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, vị thế cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, ngành bán lẻ là một trong những trụ cột cốt lõi định hình cấu trúc kinh tế quốc gia. Dù tốc độ phục hồi chưa thực sự mạnh mẽ, song trong 8 tháng đầu năm 2024, thị trường bán lẻ đã cho thấy những tín hiệu khả quan và mở ra viễn cảnh hứa hẹn hơn trong những tháng tiếp theo, song hành với triển vọng tích cực của nền kinh tế.
Dù còn đối mặt nhiều thách thức mang tính hệ thống cũng như những ẩn số rủi ro, các doanh nghiệp bán lẻ đã và đang đưa ra các quyết định chiến lược để cải thiện bức tranh kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng và đầu tư cho nền móng thành công bền vững.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, kiến nghị được đưa ra là Chính phủ cần ưu tiên tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo sự kiểm soát ở mức độ thích hợp của nhà nước, lợi ích của nhà bán lẻ cũng như các lợi ích công cộng liên quan.
Đặc biệt, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng được kiến nghị cần sớm sửa đổi để phù hợp với tình hình thị trường, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Khi hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện, các doanh nghiệp sẽ giảm thiểu rủi ro và tăng cường niềm tin trong đầu tư và phát triển.
Ngoài ra, đơn giản hóa thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số cũng được 2/3 doanh nghiệp bình chọn nằm trong số những giải pháp cần được ưu tiên.
Trong khi đó, hơn một nửa số doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục hỗ trợ kích cầu tiêu dùng với các chính sách miễn, giảm thuế, phí, đảm bảo thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng nhằm gia tăng sức mua. Đồng thời, cần đẩy mạnh chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, cơ sở hạ tầng quy hoạch và phát triển lĩnh vực logistics với trọng tâm về hạ tầng giao thông vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.
Hơn nữa, việc kiểm soát chặt chẽ thị trường hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường để chống hàng giả, hàng nhái không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn góp phần tạo ra sự công bằng trong cạnh tranh cần tăng cường triển khai, trong khi các gói hỗ trợ tín dụng và ưu đãi đầu tư là đòn bẩy quan trọng giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn tài chính, thúc đẩy mở rộng quy mô và phát triển dài hạn cũng được kiến nghị./.