Tân Lập xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết

Xác định tiềm năng, lợi thế; ban hành quyết sách; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân đã tạo thế “kiềng ba chân” để xã Tân Lập (Bắc Quang) bứt phá, phát triển bền vững vùng chè Shan tuyết.

Nhận diện “điểm nghẽn”

Tân Lập là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Quang. Nhưng bù lại, xã có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu lý tưởng để chè Shan tuyết sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên. Đây không chỉ là cây trồng có giá trị kinh tế cao, chi phí đầu tư ít, trồng một lần có thể cho thu hoạch lên đến hàng trăm năm mà sản phẩm còn hội tụ đầy đủ các yếu tố thơm, ngon, sạch, bổ dưỡng được ví như “vàng xanh”, “báu vật” của đất trời. Sản phẩm chè Tân Lập đã có uy tín trên thị trường, hàng năm được tiêu thụ với số lượng lớn, cung không đủ cầu.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập Triệu Chàn Khuân kiểm tra tình hình sản xuất chè Shan tuyết tại cơ sở.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập Triệu Chàn Khuân kiểm tra tình hình sản xuất chè Shan tuyết tại cơ sở.

Tuy nhiên, theo nhận định của chính quyền địa phương: Việc phát triển cây chè Shan tuyết còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Toàn xã có tổng diện tích chè lên đến hơn 470 ha nhưng diện tích trồng tập trung (mật độ từ 10.000 cây/ha trở lên) chỉ đạt 26%, trong khi đó diện tích chè không đảm bảo mật độ chiếm đến 74%. Đa phần diện tích chè chưa đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc nên chất lượng vườn chè không đồng đều, năng suất thấp, chỉ đạt 3,3 tấn chè búp tươi/ha/năm. Mặt khác, thu hái là kỹ thuật quan trọng liên quan trực tiếp đến năng suất, chất lượng chè nhưng vì để tăng năng suất, tiết kiệm công lao động, một bộ phận người dân sử dụng liềm để thu hoạch. Như vậy, sản phẩm búp tươi là những đoạn cành dài từ 15 – 20 cm, vừa ảnh hưởng đến chất lượng chè, vừa không thể chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Riêng với những diện tích chè Shan tuyết trên núi cao, người dân thực hiện phương pháp đốn nhằm khống chế độ cao của cây chỉ dưới 3,5 m. Tùy theo sức sinh trưởng của cây mà tán có thể rộng từ 2 - 10 m, buộc người dân phải bắc thang để thu hái. Tuy nhiên, không có quy trình đốn bài bản, khoa học mà kết hợp vụ 1 vừa đốn, vừa hái (dùng dao đốn sâu cành, sau đó thu hái búp trên cành đã đốn). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và sự phát triển của cây chè.

Ngoài ra, đa phần các hộ dân chỉ bán sản phẩm chè búp tươi nên chưa tạo được giá trị gia tăng từ chế biến chè. Việc tổ chức sản xuất chè chủ yếu là các hộ nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, thiếu hệ thống dịch vụ kỹ thuật, thương mại; chưa tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè khiến hiệu quả sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng.

Tạo đà bứt phá

Ngày 18.10.2021, Đảng ủy xã Tân Lập ban hành Nghị quyết 33 về phát triển cây chè Shan tuyết gắn với sản phẩm chủ lực, giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết ra đời, đi vào cuộc sống là bước ngoặt quan trọng để từng bước gỡ “nút thắt”, đưa chè Shan tuyết trở thành cây trồng chủ lực, cây làm giàu của người dân.

Sản xuất, chế biến chè giúp người dân xã Tân Lập nâng cao thu nhập.

Sản xuất, chế biến chè giúp người dân xã Tân Lập nâng cao thu nhập.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập Triệu Chàn Khuân cho biết: Cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn tập trung lãnh, chỉ đạo, tổ chức đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Trong đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển bền vững cây chè; áp dụng quy trình canh tác, đầu tư chăm sóc theo chiều sâu, hình thành vùng nguyên liệu tập trung chất lượng, an toàn phục vụ chế biến. Đặc biệt, xã vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cây chè, nhất là đầu tư cơ sở chế biến hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm đa dạng, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2025, tăng năng suất sản phẩm chè búp tươi lên 5 tấn/ha/năm; 100% chè búp tươi được chế biến thành sản phẩm chè khô để nâng cao giá trị sản phẩm…

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 33, hiện nay, xã Tân Lập có 120 ha chè của 70 hộ dân tại 3 thôn: Khá Thượng, Chu Thượng và Khá Trung được cấp chứng nhận VietGAP. Toàn xã có 2 công ty, 2 hợp tác xã (HTX), 23 cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình tham gia thu mua, chế biến và phát triển thương hiệu chè. Nhiều doanh nghiệp, HTX chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, thiết bị hiện đại, công suất lớn tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao gắn với đăng ký nhãn mác, thương hiệu nhằm quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm như: Trà Shan tuyết Cổng trời I của HTX Đèo Cổng trời I; Trà Shan tuyết Tân Lập của Tổ hợp tác Chế biến chè thôn Khá Trung; Ngọc shan, Lục trà của Công ty TNHH một thành viên Long Trà, Công ty Cổ phần sản xuất và Chế biến nông, lâm sản HTV; hay Lục trà, Hồng trà, Bạch trà của hộ ông Nguyễn Trọng Quảng (thôn Chu Thượng)… Qua đó, góp phần nâng sản lượng chè khô năm 2024 của xã Tân Lập lên gần 520 tấn với giá bán bình quân từ 50 - 80 triệu đồng/tấn.

Chủ tịch UBND xã Tân Lập Tống Xuân Ngự cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 1.772 cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Với lợi thế này, xã đang thực hiện chủ trương phát triển chè gắn với du lịch sinh thái cảnh quan, trải nghiệm, du lịch văn hóa cộng đồng. Đồng thời, tập trung khai thác hiệu quả các nguồn lực; phát huy lợi thế về tài nguyên đất đai, khí hậu để sản xuất chè đặc sản, có sản lượng hàng hóa tập trung nhằm phát triển bền vững chè Shan tuyết; đưa cây trồng này thực sự trở thành cây hàng hóa chủ lực của xã, tạo ra sản phẩm có thương hiệu mạnh trên thị trường.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202411/tan-lap-xay-dung-thuong-hieu-che-shan-tuyet-e4b60db/