Cải thiện chất lượng nước sinh hoạt

Nâng cao tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nước sạch là một trong những mục tiêu quan trọng trong cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là vùng nông thôn. Thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng tỉ lệ người dân tiếp cận với nguồn nước sạch, góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thông qua ưu tiên nguồn lực và các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn. Các dự án cấp nước sạch nông thôn đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật tại Công ty cổ phần Cấp nước Phú Thọ, góp phần nâng cao chất lượng nước, mở rộng địa bàn, nâng tỉ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch.

Tính đến nay, tỉ lệ dân cư đô thị dùng nước sạch đạt 93,5%, tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,3%, trong đó tỉ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung đạt trên 36%. Chính quyền các địa phương đã tích cực vào cuộc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch.Ngoài việc nâng cao hiệu quả sử dụng của các trạm cấp nước, đầu tư thêm hệ thống đường ống dẫn nước để đưa nguồn nước đến từng hộ gia đình vùng nông thôn, việc xây mới, cải tạo các công trình cấp nước, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn được đẩy mạnh. Không chỉ đáp ứng cung cấp nước cho các hộ gia đình, các công trình cấp nước còn đảm bảo cung cấp nước hợp vệ sinh cho các trường học, trạm y tế, các cơ sở công cộng, nâng cao điều kiện sinh hoạt, cải thiện điều kiện, môi trường sống.

Công ty cổ phần Cấp nước Phú Thọ đã tập trung mở rộng mạng lưới cấp nước tới 13/13 huyện, thành, thị trong tỉnh, trong đó nhiều hộ gia đình khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch. Tổng công suất các nhà máy xử lý nước của Công ty đạt trên 200.000m3/ngày đêm. Ông Nguyễn Văn Hà - Trưởng phòng Thị trường và dịch vụ quản lý khách hàng Công ty cho biết: “Công ty thường xuyên rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng nước, trên cơ sở đó đề xuất mở rộng nguồn, vùng phục vụ. Đồng thời tiếp tục quan tâm mở rộng mạng lưới, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tiếp tục cải tiến đầu tư công nghệ với chất lượng tiên tiến để đảm bảo chất lượng nước phục vụ khách hàng”.

Để tiếp tục nâng cao tỉ lệ sử dụng nước sạch cho người dân, cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, ngày 3/3/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 660-KH/UBND triển khai thực hiện Chiến lược với những giải pháp cụ thể. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 về nước sạch, phấn đấu 50% dân số nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày.

Về giải pháp thực hiện, chú trọng các yếu tố về chính sách, công nghệ, quản lý cũng như truyền thông, nâng cao nhận thức. Với công trình cấp nước sạch tập trung, tích cực thu hút, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng gắn với khai thác, quản lý, vận hành theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu. Đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt. Với cấp nước quy mô hộ gia đình, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các giải pháp cấp nước quy mô hộ gia đình đối với những vùng gặp khó khăn trong đầu tư công trình cấp nước tập trung hoặc đầu tư công trình cấp nước tập trung không hiệu quả, vùng chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung.

Những giải pháp đồng bộ được triển khai sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, đảm bảo an ninh nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/cai-thien-chat-luong-nuoc-sinh-hoat/189280.htm