Cải thiện chuỗi nông sản Tiểu vùng Mekong
Muốn nông sản của Việt Nam hay các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong tham gia và trụ vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu, 'mệnh lệnh' đặt ra là cải thiện hơn nữa chuỗi giá trị ở ngành hàng này.
Đánh giá Việt Nam là một minh chứng tăng trưởng mạnh mẽ ở lĩnh vực nông nghiệp trong các quốc gia Tiểu vùng Mekong, ông Apirat Sugondhabhirom, Tổng lãnh sự Thái Lan tại Tp.HCM, cho rằng Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chính sách hỗ trợ tốt với ngành nông nghiệp, từ chính sách thuế đến thu hút đầu tư.
Tận dụng nguồn lực
Điều đó có thể nhận thấy từ sự đóng góp của nông sản thực phẩm trong tăng trưởng GDP của Việt Nam, cũng như đóng góp vào tổng giá trị chung của ngành này ở Tiểu vùng Mekong (như ước tính đến năm 2020 có thể đạt 165 tỷ USD – một con số đáng khích lệ so với 5 năm trước là 108 tỷ USD).
Chia sẻ với giới doanh nghiệp (DN) tại Diễn đàn thương mại quốc tế về nông nghiệp của Tiểu vùng Mekong tổ chức ở Tp.HCM ngày 7/11, Tổng lãnh sự Apirat Sugondhabhirom khẳng định nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm là một trong những ngành then chốt, được ưu tiên phát triển tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia Tiểu vùng Mekong nói chung.
Trong khi đó, theo ông Madhurjya Kumar Dutta, Giám đốc Phòng phát triển đầu tư và thương mại thuộc Viện Mekong, ngành nông sản thực phẩm ở Việt Nam và các quốc gia Tiểu vùng Mekong còn phải cải thiện nhiều. Đặc biệt là cần tận dụng thế mạnh về nguồn lực của từng quốc gia nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thực tế, thu nhập của nông dân trong Tiểu vùng Mekong hay ở Việt Nam vẫn còn thấp, đặc biệt như ngành hàng lúa gạo. Đánh giá từ các tổ chức quốc tế còn cho thấy mỗi 1 USD được họ đầu tư thì chỉ thu lại 0,5 USD lợi ích.
Dẫn lại số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), các chuyên gia quốc tế cho biết có đến 110 tỷ USD đã bị mất đi liên quan đến năng suất lao động tại Tiểu vùng Mekong trong ngành hàng nông nghiệp. Trong đó, 90% sự mất mát này đến từ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Chi phí giá thành cao cho việc đầu tư sản xuất nông nghiệp là một thách thức lớn cho các nông dân ở Tiểu vùng. Điển hình như các nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Theo Ts. Lê Viết Kha (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ), tỷ lệ hao hụt rất lớn sau thu hoạch nông sản ở Tiểu vùng Mekong là điều cần lưu tâm, như tại Việt Nam, tỷ lệ này 10 – 20%.
Tổn thất sau thu hoạch còn lớn được lý giải là do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu (rau, quả, sắn đáp ứng được 20 – 30%; cà phê, tiêu, điều, chè: 10 – 15%; thủy sản đánh bắt: 15 – 20%; lúa gạo: 5 – 7%).
Tuy vậy, hoạt động chế biến nông sản ở Việt Nam đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Ông Kha dẫn số liệu từ một tổ chức nghiên cứu cho biết ở Việt Nam có 1,6 triệu lao động và 7.500 nhà xưởng, kho bãi để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu nông sản. Điều này đã giúp cho Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản hơn 40 tỷ USD hồi năm ngoái.
Tăng kết nối kinh doanh
Theo khuyến nghị từ Diễn đàn, Việt Nam và các quốc gia Tiểu vùng Mekong cần có những bước tiến hơn nữa trong chuỗi giá trị nông sản để đáp ứng xu hướng mới của người tiêu dùng toàn cầu.
Ts. Watcharas Leelawath, Giám đốc điều hành Viện Mekong, nhấn mạnh việc cải thiện mức độ cạnh tranh về nông sản cũng như tăng sự kết nối kinh doanh với vai trò của DN cho Tiểu vùng nhằm tăng thu nhập cho nông dân là điều cần thiết.
Chuyên gia này đưa ra dẫn chứng trường hợp tiêu biểu như CTCP Lavifood của Việt Nam đang có nhiều hoạt động tích cực cho việc cải thiện giá trị của ngành hàng rau quả để đưa sản phẩm ra toàn cầu.
Không riêng gì Việt Nam, có những DN điển hình của các quốc gia trong Tiểu vùng đã và đang gặt hái được những thành quả bước đầu khi phát triển thương hiệu nông sản chất lượng cao, phát triển sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp bền vững ra thị trường thế giới.
Để ngành hàng nông sản thực phẩm của các quốc gia Tiểu vùng Mekong có chỗ đứng vững chắc trên thị trường toàn cầu, giới chuyên gia nhấn mạnh phải có hành động để cải thiện Thực hành sản xuất tốt (GMP), Thực hành tốt bảo quản (GSP), HACCP (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu)…
Trong bối cảnh cơ cấu, xu hướng mới về tiêu thụ lương thực thực phẩm trên thế giới đang đòi hỏi ngành hàng nông sản phải tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, điều đó càng trở nên quan trọng không chỉ để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn nhằm mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành kinh doanh nông nghiệp ở Tiểu vùng.
Riêng với Việt Nam, trong tương lai cần phát triển các cụm liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực.
Hơn nữa, nên có những DN “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.
Điều quan trọng không kém là cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, thiết bị trong ngành hàng nông sản thực phẩm, nhất là có cơ chế, chính sách phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp chế biến nông sản.