Cải thiện cuộc sống của người dân bằng công nghệ số

Mục tiêu của phát triển kinh tế số, xã hội số, đưa nền tảng số vào từng gia đình là làm cho người dân giàu có hơn, hạnh phúc hơn nhờ công nghệ số.

Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I.

Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I diễn ra ngày 14/9 tại Nam Định.

Kinh tế số là động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh kinh tế số phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Trong đó, kinh tế số của từng ngành, từng lĩnh vực năm 2025 đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc.

Để đạt mục tiêu năm 2025 như Chiến lược đã đề ra, Bộ trưởng cho biết kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần so với tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Theo Bộ trưởng, để kinh tế số Việt Nam phát triển thì cần xây dựng thể chế số, hạ tầng số, và niềm tin số. Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, phát triển nhân lực số và đặc biệt là thu hút nhân tài số.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Phát triển kinh tế số nhằm mục đích làm cho người dân giàu có hơn; phát triển xã hội số là làm cho người dân hạnh phúc hơn nhờ công nghệ số. Mỗi gia đình, mỗi người dân được tiếp cận với công nghệ số và được tham gia và thụ hưởng lợi ích từ chuyển đổi số. Công nghệ số, các nền tảng số hiện diện trong từng hộ gia đình, hiện diện trong mọi hoạt động của từng người dân".

Đây cũng là mục tiêu quan trọng, bất biến trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam. Các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo, phải được sử dụng một cách đúng đắn, có đạo đức để hướng tới thực hiện những mục tiêu vì con người, Bộ trưởng nói.

Phấn đấu mỗi người dân một điện thoại thông minh, một danh tính điện tử

Đánh giá tình hình phát triển của kinh tế số, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định: "Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng. Theo ước tính và báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên đạt 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%".

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.

Báo cáo thường niên kinh tế số eConnomy SEA do Google và Temasek nghiên cứu công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 là 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á.

Năm 2022 có hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021.

Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển. 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng hàng tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, điểm sáng mới trong phát triển xã hội số ở các địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023 là một số tỉnh đã có số lượng tài khoản thanh toán được mở tại các ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đã vượt mức dân số bình quân của tỉnh như: Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Long An, Kiên Giang.

Để sớm đạt được các mục tiêu tại Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, đưa người dân tiếp cận gần hơn với công nghệ số, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị ngành TT&TT và các bộ, ngành, cơ quan quản lý thực hiện các nội dung:

Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.

Thứ hai, xác định nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đi trước một bước. Có lộ trình tăng tỷ lệ chi từ ngân sách Nhà nước tính trên GDP cho nghiên cứu và phát triển và ứng dụng công nghệ, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN, tiệm cận tỷ lệ bình quân chung của các nước thuộc khối OECD.

Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.

Thứ ba, các bộ ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng "Make in Việt Nam".

Các doanh nghiệp phải biến công nghệ số thành động lực quan trọng cho sáng tạo, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp Việt Nam bắt kịp với xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực.

Thứ tư, thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần tìm ra không gian phát triển mới cho cơ sở dữ liệu quốc gia, trí tuệ nhân tạo (AI).

Triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; thúc đẩy sự liên kết, liên thông dữ liệu, chia sẻ cao giữa các Bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư.

Thứ năm là đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Nhanh chóng triển khai mô hình giáo dục đại học số; đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

Cuối cùng, xây dựng phát triển hệ sinh thái công dân số, phấn đấu mỗi người dân một điện thoại thông minh, một danh tính điện tử, một chữ ký số cá nhân, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản và có kỹ năng số ở mức cơ bản.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cai-thien-cuoc-song-cua-nguoi-dan-bang-cong-nghe-so-post26855.html