Cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số
Những năm qua, nhờ nguồn lực trong và ngoài nước, tỉnh Sơn La đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Dự án 'Cải thiện sinh kế của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La thông qua nông nghiệp và cải thiện dinh dưỡng' đang được tỉnh Sơn La tích cực triển khai tại 2 huyện Bắc Yên và Sốp Cộp là một ví dụ.
Dự án “Cải thiện sinh kế của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La thông qua nông nghiệp và cải thiện dinh dưỡng” được triển khai từ tháng 8/2023 tại các xã Xím Vàng, Chim Vàn, Làng Chếu của huyện Bắc Yên; Sam Kha, Púng Bánh, Mường Và của huyện Sốp Cộp. Đây là những xã có trên 99% là đồng bào dân tộc thiểu số, như: Thái, Mông, Khơ Mú...; tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn cao, nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Tại huyện Bắc Yên, các hộ dân tại 17 bản thuộc 3 xã Xím Vàng, Chim Vàn, Làng Chếu, đã được nhân viên y tế bản và cán bộ hội phụ nữ hướng dẫn cách chế biến bữa ăn dinh dưỡng từ các sản phẩm sẵn có của địa phương; cấp giống gà và rau để phát triển sản xuất. Đến nay, đã có 122 hộ dân có vườn rau dinh dưỡng, 35 hộ dân được cấp 875 con gà giống và bước đầu đã có hiệu quả tốt. Chị Đinh Thị Kháng, bản Vàn, xã Chim Vàn, phấn khởi: “Từ khi được cung cấp giống gà, giống rau, gia đình tôi có đầy đủ thực phẩm hơn, đảm bảo an toàn, đủ dinh dưỡng, không phải mua ở chợ. Con tôi được ăn uống đủ chất, phát triển khỏe mạnh hơn”.
Tại huyện biên giới Sốp Cộp, có nhiều hộ dân tại 43 bản thuộc 3 xã Mường Và, Púng Bánh và Sam Kha tham gia Dự án. Những hộ này được y tế bản, phụ nữ bản trực tiếp hướng dẫn thực hành bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Chị Quàng Thị Xiến, bản Púng, xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp, cho biết: Qua những buổi hướng dẫn, tôi học hỏi được nhiều hơn cách chế biến thực phẩm đủ chất, dinh dưỡng để con cái ăn ngon và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Dự án “Cải thiện sinh kế của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La thông qua nông nghiệp và cải thiện dinh dưỡng” gồm hợp phần nông nghiệp và dinh dưỡng. Trong đó, hợp phần nông nghiệp cấp 10.500 con gà, đã tiêm đủ 2 lần vắc xin và 4 loại rau giống cho 420 hộ tại 6 xã dự án. Dự án đã tổ chức 29 lớp tập huấn cho thành viên dự án cấp huyện, xã và hộ nông dân với 450 lượt người tham gia...
Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, cho biết: Đối với việc lựa chọn và cung ứng vật tư, chúng tôi triển khai theo các cơ chế tài chính do Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (SCI) phát hành, lựa chọn nhà cung ứng có đủ năng lực, lựa chọn giống gà phù hợp. Qua đánh giá, số gà đang sinh trưởng và phát triển tốt, lượng trứng cao hơn so với giống gà địa phương và một số hộ cũng đã tái đàn, phát triển nhân rộng tại gia đình.
Đối với hợp phần dinh dưỡng, Ban Quản lý dự án tỉnh đã tổ chức 12 lớp tập huấn kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em, tập trung vào 1.000 ngày đầu đời cho y tế bản, phụ nữ bản; tập huấn về quản lý dự án và theo dõi đánh giá cho ban quản lý dự án các cấp; cung cấp dụng cụ cân đo trẻ; bộ dụng cụ thực hành dinh dưỡng; tài liệu truyền thông; biểu đồ tăng trưởng; sổ sách ghi chép… cho các xã thực hiện dự án. Tổ chức 70 lượt khám thai tại hộ gia đình; 140 buổi theo dõi tăng trưởng tại 60 bản; thiết lập và vận hành 34 trung tâm giáo dục phục hồi dinh dưỡng tại 47 bản; tổ chức 150 cuộc giám sát việc áp dụng mô hình chăm sóc nhạy cảm về dinh dưỡng tại nhà; thành lập 51 câu lạc bộ cha mẹ tại các bản để trao đổi những thực hành tốt về chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em.
Bác sĩ Nguyễn Thị Giáng Hương, Trưởng trạm Y tế xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, cho biết: Ở các bản vùng cao, nhất là bản đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú, nhân dân chưa tiếp cận được những kiến thức về chăm sóc trẻ. Do đó, chúng tôi phải phối hợp với trưởng bản, y tế bản, phụ nữ bản trong tuyên truyền đến tận các hộ gia đình và tư vấn cho các bà mẹ.
Sau gần 1 năm triển khai, đã có 1.354 hộ thuộc 6 xã của huyện Bắc Yên và Sốp Cộp được hưởng lợi từ dự án; 100% số phụ nữ có thai được khám, tư vấn và chăm sóc thai nghén tại trạm y tế xã và tại gia đình; 100% bà mẹ được tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ; 100% trẻ dưới 2 tuổi được theo dõi biểu đồ tăng trưởng hằng tháng.
Bà Đoàn Thanh Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, thông tin: Chúng tôi tiếp tục hướng dẫn các xã triển khai dự án với các hoạt động, như: Chăn nuôi trồng trọt, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở các xã. Trực tiếp giám sát, hỗ trợ các hoạt động đã triển khai đạt hiệu quả hơn, như: Đến các trạm y tế xã, các thôn, bản hướng dẫn các mô hình dinh dưỡng, chăn nuôi, hỗ trợ bà con tại cộng đồng theo phương pháp cầm tay chỉ việc.
Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai thực hiện Dự án tại hai huyện Sốp Cộp và Bắc Yên, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, tạo sinh kế bền vững, thúc đẩy vùng dân tộc thiểu số phát triển. Đây là cơ sở quan trọng trong việc nhân rộng các mô hình về cải thiện nông nghiệp và dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh.