Cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số

Là cán bộ người dân tộc thiểu số, khi đọc Dự thảo Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII tôi thấy phấn khởi vì Ðảng ta rất quan tâm đến đời sống của người dân vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Là cán bộ người dân tộc thiểu số, khi đọc Dự thảo Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII tôi thấy phấn khởi vì Ðảng ta rất quan tâm đến đời sống của người dân vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Dự thảo Văn kiện nêu rõ, triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020 - 2030.

Buôn Ðôn là huyện biên giới, là nơi cư trú của 18 dân tộc anh em, hầu hết là người dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, kinh tế - xã hội huyện có nhiều thay đổi lớn nhờ các chương trình 134, 135, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình xây dựng nông thôn mới. Ðời sống của người dân đỡ vất vả hơn trước đây. Ðến nay, huyện đã đạt 87 trong số 133 tiêu chí nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 12,43 tiêu chí. Tuy nhiên, Buôn Ðôn vẫn là huyện nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 28,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn 26,78%, chưa có xã nào đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 về thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cán bộ và nhân dân các dân tộc kỳ vọng rất lớn vào sự quan tâm của Nhà nước. Ðối với địa phương chúng tôi, việc đầu tiên và quan trọng nhất là tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Các mô hình kinh tế như trồng cây nguyên liệu rất phù hợp với điều kiện đất đai của Buôn Ðôn. Các cấp, các ngành cần hướng dẫn, đào tạo nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, qua đó hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Một vấn đề quan trọng khác là đầu tư hạ tầng thiết yếu cho vùng dân tộc, miền núi để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ðặc điểm của khu vực Tây Nguyên nói chung, huyện Buôn Ðôn nói riêng là đất rộng người thưa, các tuyến đường đến thôn, buôn, đường lên rẫy, đến trang trại rất xa, cần được đầu tư để làm đường bê-tông hoặc đường nhựa phục vụ vận chuyển nguyên, vật liệu, thu hoạch sản phẩm. Nhà nước cần quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, bố trí định canh, định cư cho các hộ dân di cư. Vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em rất cấp bách, nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em. Nếu được đầu tư đồng bộ, khả năng tiếp cận các dịch vụ của người dân sẽ tốt hơn, hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế.

NGÔ LAN ANH

Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Wer, huyện Buôn Ðôn, Ðắk Lắk

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/cai-thien-doi-song-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-623016/