Cải thiện khởi sự kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư thiểu số

Đây là chủ đề của buổi hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức ngày 28-2, tại Hà Nội.

Trong thời gian qua, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), môi trường thể chế tốt sẽ giúp giảm các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp và giảm thiểu các rủi ro trong quá trình hoạt động. Ngược lại nếu thể chế kinh doanh không tốt sẽ đội thêm 5 loại chi phí cho doanh nghiệp, đánh mất nhiều cơ hội kinh doanh do thời gian làm thủ tục kéo dài hoặc không đúng hẹn.

Ông Hiếu nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta cần bỏ thói quen kinh doanh bằng niềm tin không có cơ sở, cần tiếp tục trao quyền tự quyết về con dấu cho doanh nghiệp, bãi bỏ các thủ tục thông báo mẫu dấu không cần thiết, bởi trên thực tế thủ tục trên có thể gây hiểu nhầm và tranh chấp pháp lý không đáng có cho doanh nghiệp”.

 Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Các đại biểu cũng thống nhất ý kiến cho rằng, để thực hiện mục tiêu cắt giảm thủ tục, tiết kiệm chi phí hành chính, giảm thời gian cho doanh nghiệp thì biện pháp hữu hiệu nhất chính là liên thông các thủ tục hành chính trên cơ sở chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý.

Tại hội thảo, đại diện CIEM cũng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư thiểu số. Theo đó, cần phải mở rộng quyền và phạm vi của cổ đông và nhóm cổ đông trong việc tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của công ty. Cụ thể, giảm bớt các yêu cầu, điều kiện để cổ đông thực hiện các quyền quan trọng trong công ty; xem xét việc giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần từ 10% xuống 5%; bỏ bớt các yêu cầu sở hữu cổ phần liên tục từ trên 6 tháng; bổ sung thêm các quyền cho Đại hội đồng cổ đông như quyết định thù lao và chi phí hoạt động của hội đồng quản trị (HĐQT) cũng như quyết định kiểm toán độc lập bên ngoài.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng giao dịch vì tư lợi cá nhân cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người quản lý trong doanh nghiệp. Theo đó, tất cả thành viên HĐQT đều phải chịu trách nhiệm liên đới nếu vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng khi thực hiện giao dịch gây thiệt hại cho công ty và cổ đông. Trường hợp thành viên HĐQT vi phạm sẽ không được nắm giữ các chức vụ quản lý doanh nghiệp có thời hạn hoặc vô thời hạn theo quyết định của Tòa án...

Tin, ảnh: LƯU PHƯƠNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/cai-thien-khoi-su-kinh-doanh-va-bao-ve-nha-dau-tu-thieu-so-611047