Cải thiện logistics để mở rộng thị trường cho rau quả Việt Nam

Xuất khẩu ngành rau quả Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng cũng đang đối diện vô vàn khó khăn, trong đó, sự ổn định về chất lượng, sản lượng và chi phí logistics cao đang cản trở khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vào thị trường nước ngoài.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Chiều ngày 31/5, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ”.

Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, ngày càng có nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam hoặc sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện diện tại các chuỗi siêu thị, các hệ thống bán lẻ tại các thị trường lớn trên thế giới

“Chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, quy trình sản xuất được nâng cao, sự đa dạng về sản phẩm..., là những yếu tố quan trọng giúp nông sản Việt Nam chinh phục các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, giá trị nông sản toàn cầu, bất chấp những yếu tố khó khăn mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt”, ông Vũ Bá Phú nhận định.

Hiện nay, nhiều nhóm hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, một số loại quả đang vào mùa như vải, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bơ... cũng có khả năng thâm nhập thị trường nước ngoài.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành rau quả trong tháng 5/2024 tăng trưởng ấn tượng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 700 triệu USD.

Tuy nhiên, dù dư địa thị trường còn lớn nhưng cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước tham gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt.

Đối với tỉnh Bình Thuận – "thủ phủ" thanh long của Việt Nam, ông Biện Tấn Tài – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính nhưng quốc gia này cũng có diện tích trồng thanh long tương đương với Việt Nam và có mùa vụ không chênh lệch (từ tháng 5 đến tháng 11) so với thời điểm thu hoạch chính của tỉnh. Do đó, vào thời điểm này thanh long Bình Thuận phải cạnh tranh với cả thanh long và trái cây Trung Quốc nên việc tiêu thụ thường chậm.

Việc đẩy mạnh xuất khẩu thanh long của Bình Thuận vào thị trường châu Âu, khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á… cũng còn khó khăn. Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng chậm do các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu gia công hoặc bán thanh long cho các doanh nghiệp khác xuất khẩu nên không thể hiện kim ngạch.

Mặt hàng vải Thanh Hà của công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Rồng Đỏ phân phối ở hệ thống Market Place Australia đang có giá khoảng 600.000 đồng/kg. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp cho Mekong ASEAN

Mặt hàng vải Thanh Hà của công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Rồng Đỏ phân phối ở hệ thống Market Place Australia đang có giá khoảng 600.000 đồng/kg. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp cho Mekong ASEAN

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc CTCP Coconut Bến Tre – một doanh nghiệp xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu làm việc với môi giới chứ chưa có điều kiện tiếp cận với các nhà máy lớn, các đơn hàng mới chỉ ở tình trạng khách hàng có nhu cầu đặt hàng, chưa có chiến lược dài hạn nên giá xuất khẩu bị ép.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, Mỹ là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ với nhu cầu đa dạng. Năm 2023, Mỹ nhập khẩu rau quả tươi và đông lạnh giá trị khoảng 20 tỷ USD, trong đó chủ yếu là quả mọng berries (4,3 tỷ USD), bơ (2,98 tỷ USD), chuối (2,76 tỷ USD)…

Dù vậy, so với các nước xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là các nước khu vực châu Mỹ, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn gặp một số thách thức. Cụ thể, tính mùa vụ thời gian thu hoạch ngắn, sản phẩm tươi mau hỏng; khoảng cách địa lý xa làm phát sinh thời gian và chi phí phí vận chuyển; cạnh tranh từ các thị trường Nam Mỹ, châu Á có cùng sản phẩm.

Công nghệ bảo quản của doanh nghiệp còn hạn chế, sản phẩm qua quá trình chiếu xạ bị thay đổi nhiệt độ nên không giữ được chất lượng ban đầu, độ tươi ngon giảm nhiều sau khi hàng cập cảng. Quy mô sản xuất của doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, khó đáp ứng được số lượng và yêu cầu từ nhà nhập khẩu; chưa đầu tư đúng mức về khâu đóng gói, bao bì, mẫu mã và quảng bá tại thị trường Mỹ.

Bàn nhiều hơn về khó khăn của doanh nghiệp, ông Vũ Bá Phú cho rằng, tại thị trường EU, hiện nay rau củ quả của Việt Nam mới chỉ tiếp cận chuỗi cửa hàng châu Á nhưng lại chưa đi vào kênh phân phối lớn của EU như Carrefour, Metro…

Nguyên nhân chủ yếu do độ bền vững, quy mô của sản lượng chưa đủ để vào chuỗi siêu thị chính thống, trừ các mặt hàng gạo và thủy sản. Sản lượng trái cây nhỏ trong khi các chuỗi phân phối này lại đòi hỏi lượng cung cấp đều để phân phối cho các thị trường lẻ trong khối.

Trong vấn đề logistics, tuyến đường vận chuyển hàng rau quả từ Việt Nam đến thị trường lại xa, vận chuyển bằng đường hàng không giá cao. Trong khi đó, vận chuyển bằng đường thủy thời gian không chỉ lâu hơn trước mà giá cũng cao hơn, nếu như trước đây giá một container khoảng 2.000 euro thì giờ giá đã tăng lên rất nhiều.

Ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, để giải bài toán vận chuyển, cần khuyến khích, hỗ trợ sự tham gia của các doanh nghiệp vận tải (hàng không, tàu biển) để giảm cước vận chuyển trái cây mùa vụ vào các dịp cao điểm từ Việt Nam sang Mỹ và các thị trường khác. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp logistics phát huy thế mạnh hệ thống hạ tầng, tối ưu hóa mô hình logistics chuyên dụng dành cho nông sản phục vụ xuất khẩu.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cai-thien-logistics-de-mo-rong-thi-truong-cho-rau-qua-viet-nam-post35246.html