Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo bước đột phá
Phú Thọ hiện đang trở thành điểm sáng trong khu vực các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc về công tác thu hút đầu tư.
(baophutho.vn) - Phú Thọ hiện đang trở thành điểm sáng trong khu vực các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc về công tác thu hút đầu tư. Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng, chỉ số năng lực PCI được cải thiện, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhanh gọn đã góp phần thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, từ đó, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trịnh Thế Truyền - TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về nội dung này.
Thưa đồng chí, thời gian vừa qua tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật nào trong công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp?
Hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm vừa qua đã có nhiều khởi sắc, các dự án đầu tư tăng mạnh cả về số dự án và quy mô đầu tư. Đặc biệt, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Phú Thọ thu hút 746 dự án đầu tư, vốn đầu tư quy đổi 105.457 tỉ đồng (4,585 tỉ USD), bao gồm 658 dự án đầu tư trong nước, 88 dự án đầu tư nước ngoài. Cấp chủ trương đầu tư cho 57 dự án khu đô thị, khu nhà ở, tổng vốn đầu tư dự kiến: 54.771,7 tỉ đồng (bình quân 960 tỉ đồng/dự án). Môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư được thực hiện tốt nên đã thu hút được nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước từ các quốc gia, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh hạ tầng KCN, CCN. Kết quả thu hút đầu tư đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,86%/năm.Số doanh nghiệp được cấp mới đăng ký kinh doanh đạt hơn 3.500 doanh nghiệp, vốn đăng ký 25,9 nghìn tỉ đồng, nâng tổng số lên trên 8.760 doanh nghiệp, đứng thứ hai trong các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Nhìn chung, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng bình quân 8,17%/năm; kết quả hoạt động của các doanh nghiệp có sự tăng trưởng ổn định, đóng góp ngày càng lớn trong GRDP, thu NSNN và giải quyết việc làm.
Nút giao IC11 - cao tốc Nội Bài - Lào Cai tạo động lực trong phát triển giao thông và tăng cường năng lực vận chuyển, giao thương hàng hóa giữa tỉnh với các vùng miền.Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác cải cách TTHC, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh có những chuyển biến đáng ghi nhận nào, thưa đồng chí?Những năm qua, Phú Thọ là một trong những tỉnh đi đầu trong việc cải cách TTHC theo hướng đơn giản hóa, công khai, thông thoáng để giảm thiểu chi phí và thời gian cho các nhà đầu tư. Sở KH&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh tập trung rà soát, bãi bỏ một số TTHC liên quan không cần thiết, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư (từ 35 ngày còn 18 ngày, giảm 17 ngày so với quy định); áp dụng hình thức đăng ký kinh doanh qua mạng, trung bình hàng năm có 1.200 lượt hồ sơ đăng ký qua mạng, chiếm 26% lượt hồ sơ. Tỉ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,84%.Công tác hỗ trợ, tư vấn xử lý, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông, thực hiện số hóa quy trình xử lý văn bản hành chính, đầu tư cơ sở vật chất, bộ máy được quan tâm và thực hiện đồng bộ. Tỉnh cũng đã thực hiện công khai, minh bạch các hồ sơ, thủ tục, thời gian giải quyết ở từng cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm người đứng đầu; triển khai nhanh, kịp thời mô hình “một cửa, một đầu mối và chính quyền điện tử”. Kết quả xếp loại của các tổ chức, cơ quan có liên quan về 4 chỉ số: PCI, PAR- Index, PAPI, SIPAS cho thấy thứ tự xếp hạng chung các chỉ số và các chỉ số thành phần có sự tiến bộ. Trong đó, chỉ số PAR INDEX của Phú Thọ đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung chịu nhiều tác động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy nhưng công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực. Xin đồng chí chia sẻ về kết quả này?
Để thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Sở KH&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, trọng tâm là rà soát quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư. Tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định rõ từng bước công việc, trách nhiệm của người đứng đầu, ký cam kết với nhà đầu tư về tiến độ triển khai.Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 61-NQ/TU về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó quan điểm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở; là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của hệ thống chính trị, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất; tạo thuận lợi, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân, tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Năm 2021, toàn tỉnh thu hút 86 dự án đăng ký mới, vốn đăng ký 19.495 tỉ đồng; trong đó 12 dự án FDI, vốn đăng ký trên 800 triệu USD, đưa Phú Thọ xếp thứ 14/63 tỉnh về thu hút FDI. Có 46 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, vốn thực hiện 8.500 tỉ đồng. Lũy kế toàn tỉnh có 468 dự án FDI hoạt động, vốn đăng ký 22.300 tỉ đồng, 238 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 2.412 triệu USD. Có 770 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,5%, vốn đăng ký 7.279 tỉ đồng.
Công nhân Công ty TNHH Nam Kang Phú Thọ có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, xin đồng chí cho biết thêm những thuận lợi, phương hướng để Phú Thọ tiếp tục vươn lên tạo dấu ấn riêng trong công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội?Xác định giao thông “đi trước mở đường”, do đó việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh nhiều dự án đã hoàn thành được đưa vào sử dụng hiệu quả, thời gian tới tỉnh sẽ lựa chọn, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trọng điểm, bố trí tập trung theo hướng ưu tiên các công trình hạ tầng giao thông đối ngoại kết nối với tuyến đường cao tốc, quốc lộ 70, quốc lộ 32; cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang, Quốc lộ 2 (cầu Hạc Trì - tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên); đường nối cầu Văn Lang- Láng Hòa Lạc (Hà Nội); hệ thống các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; các tuyến đường kết nối khu công nghiệp, vùng nguyên liệu; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để sớm triển khai phương thức vận tải đường sắt; dự án đầu tư cải tạo, nạo vét tuyến đường thủy (cầu Việt Trì - cảng An Đạo), để phát huy lợi thế logistic, giảm chi phí vận tải.Tập trung thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, bảo đảm cân đối nguồn lực, tiến độ và chất lượng, hiệu quả công trình đồng thời đẩy mạnh việc huy động đa dạng nguồn lực xã hội để đầu tư, phát triển. Đối với hạ tầng dịch vụ, hạ tầng phụ trợ sẽ tiếp tục triển khai nhanh các dự án trọng điểm khu đô thị, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đã có chủ trương đầu tư và xúc tiến triển khai dự án trung tâm logistics. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn mới. Chú trọng việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo cung cấp điện, cấp nước và xử lý nước thải; ưu tiên việc đầu tư trước các dự án tái định cư, tạo thuận lợi nhất cho người dân tái định cư khi triển khai thu hồi đất; quan tâm đầu tư các dự án nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa, dịch vụ cần thiết tại các khu công nghiệp. Xin cảm ơn đồng chí !