Cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 (PCI). Tỉnh Sơn La tăng 2 bậc so với năm 2019; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) đã có nhiều cải thiện, phản ánh đầy đủ, sát thực cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp, HTX và các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh về chất lượng quản trị và điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và chính quyền các huyện, thành phố. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Hồng Chương, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư. Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Mai Sơn.

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Mai Sơn.

PV: Đồng chí cho biết kết quả thực hiện 2 chỉ số PCI và DDCI của tỉnh Sơn La trong năm 2020?

Đồng chí Lê Hồng Chương: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có 10 chỉ số thành phần, đó là: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý, cạnh tranh bình đẳng. Năm 2020, chỉ số PCI tỉnh Sơn La đạt 62,05 điểm, xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2019. Có 3/10 chỉ số thành phần tăng điểm là: Chi phí thời gian, chi phí gia nhập thị trường và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Về chỉ số DDCI, tỉnh Sơn La bắt đầu thực hiện đánh giá từ năm 2019 với 17 chỉ số thành phần và 128 chỉ tiêu cụ thể được điều tra, đánh giá từ 1.300 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn. Kết quả điểm số DDCI năm 2020 cao hơn so với năm 2019, điểm số của huyện đứng đầu bảng xếp hạng đạt 84,31/100 điểm, tăng 1,15 điểm so với năm 2019; có 5 huyện nằm trong nhóm tốt đạt trên 80 điểm (năm 2019 chỉ có 1 huyện). Khối các sở, ngành, đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng có tổng điểm đạt 88,25 điểm, tăng 7,53 điểm so với năm 2019. Có 3 đơn vị nằm trong nhóm tốt có số điểm từ 80,95-88,25 điểm, cao hơn so với năm 2019. Đặc biệt, huyện Mai Sơn từ vị trí xếp hạng thứ 11 năm 2019 đã vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng khối huyện, thành phố năm 2020 với 84,31 điểm; Ban Quản lý Khu công nghiệp dẫn đầu khối sở, ngành với 88,25 điểm, tăng 7,53 điểm so với năm 2019.

PV: Việc đánh giá các chỉ số PCI và DDCI phản ánh và tác động như thế đối với hoạt động cơ quan chức năng địa phương, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Hồng Chương: Tỉnh Sơn La đã thành lập Tổ công tác DDCI do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố. Tại một số đơn vị được lãnh đạo quan tâm, đã thành lập Tổ công tác DDCI của đơn vị mình để kiểm soát đôn đốc công việc của các phòng ban, bộ phận liên quan, tham gia góp ý để cải thiện các chỉ số còn yếu của đơn vị, góp phần nâng cao điểm số cải thiện môi trường kinh doanh, minh bạch, thông thoáng.

Tỉnh Sơn La là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện thành công việc lồng ghép các chỉ số về phát triển bền vững, phát triển bao trùm, đặc biệt là các vấn đề về bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử... trong công tác quản lý, điều hành kinh tế.

Sau khi có kết quả đánh giá chỉ số DDCI, các sở, ngành và 12 huyện, thành phố đã ban hành các bản kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của 32 đơn vị, địa phương. Đây là cơ sở để mỗi đơn vị nhìn nhận các điểm nghẽn, xác định rõ hơn những hạn chế trong việc thực thi chính sách và đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, góp phần tăng điểm số và thứ hạng PCI.

Điểm số DDCI của các đơn vị có sự thay đổi tăng lên cho thấy các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đã có sự quyết tâm, vào cuộc của lãnh đạo, bộ máy chính quyền các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

PV: Xin đồng chí cho biết những giải pháp cải thiện chỉ số PCI và DDCI trong thời gian tới ở tỉnh ta?

Đồng chí Lê Hồng Chương: Năm 2021, chúng tôi sẽ tập trung cải thiện điểm số các chỉ số thành phần bị sụt giảm trong năm 2020, gồm: Cạnh tranh bình đẳng; tính minh bạch; đào tạo lao động; tính năng động; chi phí không chính thức; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự... Đồng thời, tập trung cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực như: Đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội... Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; trong đó, nêu cao vai trò đầu mối chỉ đạo và triển khai các chỉ số thành phần phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các chỉ tiêu theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2021. Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tăng cường hỗ trợ, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh, triển khai đồng bộ các giải pháp và công khai các kiến nghị, quá trình giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của các đơn vị. Chủ động, tích cực vào cuộc đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; các sở, ngành, địa phương chủ động đối thoại với doanh nghiệp 1 quý/lần và tổ chức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp theo chuyên đề; thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn... Bên cạnh đó, từng sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện từng chỉ số thành phần PCI và DDCI gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình... góp phần cải thiện điểm số và thứ hạng PCI.

Nguyễn Yến (Thực hiện)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/cai-thien-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-39901