Cải thiện nguồn nhân lực - 'Chìa khóa' phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan là huyện miền núi, đồng bào các dân tộc thiếu số chiếm 17% dân số toàn huyện. Trong đó, riêng người Mường có hơn 12 nghìn người, chiếm hơn 15% dân số, ngoài ra có nhiều cộng đồng dân tộc khác sống đan xen như: Tày, Thái, Nùng, Dao, Sán Chay, Mơ Nông, Cao Lan... Việc trang bị kiến thức, kỹ năng, tích cực chuyển giao KHKT để người dân đủ năng lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đông đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh và bền vững, nhiều hộ còn vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu.

Mô hình trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình tại xã Xích Thổ (Nho Quan). Ảnh: Trường Giang

Mô hình trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình tại xã Xích Thổ (Nho Quan). Ảnh: Trường Giang

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, ở độ tuổi 20, anh Bùi Văn Dũng, người dân tộc Mường, ở thôn Đồng Bài, xã Quảng Lạc (huyện Nho Quan) đã mạnh dạn đấu thầu đất để làm gia trại. Một hồ nước rộng để nuôi cá, xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi lợn thịt, ngoài ra anh còn trồng keo trên những triền đồi. Có ý chí vươn lên, nhưng việc chăn nuôi của anh Dũng lại gặp nhiều khó khăn, có những thời điểm gần như thua trắng. Nguyên nhân là do anh còn thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi, nhất là với quy mô lớn.

"Khi bắt tay làm lại từ đầu, tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu kỹ kiến thức về các con nuôi. Đồng thời, tranh thủ các lớp hướng dẫn KHKT mà địa phương tổ chức để học hỏi và nhờ các chuyên gia trong ngành giải đáp các vấn đề mà mình chưa rõ. Đặc biệt, tôi cũng đã đi tham quan, học tập các mô hình con nuôi tương tự, từ đó tích lũy kinh nghiệm và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trên mô hình chăn nuôi của gia đình. Việc chăn nuôi từ đó đã thuận lợi hơn. Tôi cũng nghiên cứu thị trường kỹ hơn trước khi quyết định sẽ nuôi con gì. Hiện nay, gia đình tôi chủ yếu nuôi lợn, thả cá trong hồ và nuôi nhím. Hàng năm, các con nuôi cũng mang lại cho gia đình khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng"- Anh Dũng nói.

Ông Bùi Hồng Y, Trưởng thôn Đồng Bài cho biết: Trước đây, Đồng Bài là thôn nghèo nhất, nhì xã. Bà con làm nông nghiệp song canh tác manh mún nên hiệu quả chưa cao. Trong khi đó không có việc làm thêm lúc nông nhàn thành ra cuộc sống của bà con hết sức khó khăn, có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo lên hơn 20%, nhiều trẻ em phải bỏ học giữa chừng. Vậy nhưng, đó là câu chuyện của quá khứ.

Hiện nay, cuộc sống của đồng bào trong thôn đã có nhiều khởi sắc. Nguyên nhân là bởi địa phương đã tích cực vận động bà con thực hiện dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất nông nghiệp. Ruộng không còn manh mún nữa, bà con dễ dàng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, lựa chọn những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Không chỉ làm giàu cho bản thân, những hộ khá giả còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ về giống, vốn để hỗ trợ những hộ khó khăn.

Cuối năm 2021, thôn Đồng Bài chỉ còn 31 hộ nghèo/trên tổng số 300 hộ, chiếm 0,11%. Ông Bùi Văn Gạc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết, để công tác giảm nghèo được 8/8 thôn của xã hưởng ứng, địa phương đã phát huy tối đa hiệu quả vai trò của người uy tín trong việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên. Đồng thời, cung cấp kiến thức, kỹ năng và giới thiệu các mô hình giảm nghèo hiệu quả để đồng bào dân tộc thiểu số vận dụng vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đảng ủy, UBND xã đã tích cực chỉ đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, phát huy thế mạnh của từng vùng. Hiện nay, toàn xã có 1 mô hình phát triển kinh tế con nuôi đặc sản (nuôi ong), 1 mô hình sản xuất lúa nếp đặc sản (nếp cái hoa vàng); có 1 trang trại chăn nuôi và 7 gia trại đạt giá trị sản lượng bình quân 200 triệu đồng/gia trại/năm..., giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác năm 2021 đạt 101 triệu đồng, tăng 71 triệu đồng/ha so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 51 triệu đồng. Xã đã đạt các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2021.

Công tác dạy nghề, tạo việc làm cũng được xã Quảng Lạc chú trọng. Có kiến thức, tay nghề, nhiều lao động dễ dàng tìm được việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, tổng số lao động trong độ tuổi có nhu cầu làm việc của xã là 3.955 người, trong đó số lao động có việc làm thường xuyên là 3.700/3.955 người, chiếm 93,55%... Đời sống nhân dân được cải thiện, nếu như tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 12,93% (theo tiêu chí tiếp cận đơn chiều) thì đến cuối năm 2021 giảm xuống còn 6,21% (theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025).

Thực tế cho thấy, muốn hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu chính đáng thì vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số được coi là nhiệm vụ then chốt. Theo đó, những năm qua huyện Nho Quan cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn vùng khó khăn.

Từ năm 2017-2021, huyện Nho Quan đã thực hiện cấp phát không thu tiền 18 loại ấn phẩm, báo, tạp chí cho các đối tượng thụ hưởng là các cơ quan, đơn vị, người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn với số lượng trên 132 nghìn tờ. Huyện Nho Quan cũng phối hợp tổ chức các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng. Công tác khuyến nông, khuyến lâm và ứng dụng KHKT vào sản xuất được triển khai rộng khắp, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.

Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương, các hội, đoàn thể liên quan tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chức năng, tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp đạt trên 31% (năm 2021) và phấn đấu đến năm 2030 đưa tỷ lệ này lên trên 45%. Cũng trong năm 2021, đã có 50% số lao động là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 18 đến 35 được cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm, có thể lựa chọn cho mình một cơ hội việc làm phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/cai-thien-nguon-nhan-luc-chia-khoa-phat-trien-kinh-te-cho/d2022041320130182.htm