Cải thiện sức đề kháng trong mùa xuân bằng y học cổ truyền
Để thuận ứng với sự thăng tán của khí Xuân, bồi bổ bằng thực phẩm hay những phương thuốc vị ngọt, tính ấm sẽ có tác dụng dưỡng dương, bổ âm, điều dưỡng tạng phủ, cải thiện sức đề kháng.
1. Nguyên tắc cơ bản trong ẩm thực dưỡng sinh mùa Xuân
Theo Đông y: "Ngũ vị cân bằng, trăm bệnh không sinh", "Ngũ vị thiên lệch, ắt sinh tật bệnh". Ngũ vị là: Ngọt, chua, cay, đắng, mặn.
Thức ăn vị ngọt đi vào tạng Tỳ, có tác dụng làm mạnh Tỳ vị, bồi bổ cơ thể, điều hòa ngũ vị, ...
Thức ăn vị chua đi vào tạng Can, có tác dụng thu liễm, bổ âm, tăng dịch, ...
Thức ăn vị cay đi vào tạng Phế, có tác dụng phát tán, thăng dương, ...
Thức ăn vị đắng đi vào tạng Tâm, có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, giải độc, ...
Thức ăn vị mặn đi vào tạng Thận, có tác dụng nhuyễn kiên (làm mềm chất rắn), tán kết (tan u bướu), ...
Nguyên tắc cơ bản trong ẩm thực dưỡng sinh mùa Xuân là giảm vị chua, tăng vị ngọt.
Ăn quá nhiều chất chua, sẽ làm tổn hại đến Tỳ vị - ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Mùa Xuân nên ăn thêm các chất ngọt, vì vị ngọt đi vào Tỳ, có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường chức năng tiêu hóa của tạng Tỳ.
Nhìn chung, mùa Xuân, nên trọng dụng các thứ có vị ngọt và có tính ấm. Không nên dùng nhiều những thứ vị chua, vị chát; nên dùng những món ăn thanh đạm hợp khẩu vị, không nên dùng nhiều những món xào rán béo ngậy hoặc các thứ sống lạnh dễ dẫn đến các chứng bệnh thuộc đường tiêu hóa.
Về sinh hoạt hàng ngày nên ngủ muộn, dậy sớm, thường xuyên đi bộ, ngắm cảnh, thưởng hoa.
2. Món ăn thuốcbồi dưỡng cơ thể, cải thiện sức đề kháng mùa Xuân
2.1 Canh chân giò hầm linh chi:
- Thành phần: Nấm linh chi 16g, hoàng kỳ 30g, thịt chân giò 150g.
- Cách chế biến và sử dụng: Nấu thành món hầm, ăn chân giò và uống nước canh.
- Tác dụng: Thường xuyên sử dụng có tác dụng tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng, chữa thần kinh suy nhược, phòng ngừa các bệnh tim mạch và hen suyễn tái phát.
2.2 Canh thịt lợn nấm đông cô:
- Thành phần: Nấm đông cô 80g, kỷ tử 24g, đại táo (táo tàu) 12g, thịt lợn nạc 150g.
- Cách chế biến và sử dụng: Nấu thành món canh, ăn trong ngày, liên tục 10 ngày.
- Tác dụng: Tăng cường chức năng tiêu hóa, bổ Can Thận và giải trừ mệt mỏi.
2.3 Canh trứng gà kỷ tử:
- Thành phần: Kỷ tử 24g, đại táo (táo tàu) 12g, trứng gà tươi 2 quả.
- Cách chế biến và sử dụng: Cho tất cả vào nồi, thêm nước, nấu đến khi trứng chín; vớt trứng ra, bóc bỏ vỏ, lại cho trứng vào nấu tiếp 15 phút là được. Ăn trứng, uống nước thuốc.
- Tác dụng: Bổ Tỳ, ích Can, minh mục (sáng mắt) và giải trừ tình trạng người mệt mỏi, tinh thần uể oải.
Mời bạn xem thêm video