Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số” do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Hàn Quốc tài trợ tại 5 xã vùng cao của huyện Mường La, đã tạo chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, hành vi chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại các bản, khu dân cư đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Theo khảo sát của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, vào thời điểm tháng 11/2021, tại Mường La có tới 71,4% phụ nữ mang thai ở cộng đồng dân tộc thiểu số chưa có kiến thức đầy đủ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Người dân chưa quan tâm nhiều đến việc chăm lo sức khỏe cho bản thân và gia đình, nhất là chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; một số bản của người đồng bào dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mông, còn nhiều phong tục lạc hậu như tảo hôn, không đi khám thai, không đến cơ sở y tế sinh con mà đẻ tại nhà dẫn đến các tai biến sản khoa, tử vong sơ sinh, mắc uốn ván sơ sinh…
Ông Nguyễn Văn Chức, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mường La, Phó ban Quản lý Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số” huyện, thông tin: Dự án được triển khai tại địa bàn 5 xã với 68 bản, thuộc các xã: Chiềng Công, Chiềng Hoa, Chiềng Muôn, Chiềng Lao, Nậm Giôn. Từ năm 2021 đến nay, thành lập 10 đội chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh lưu động; xây dựng tài liệu truyền thông, tổ chức các hoạt động, chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại các xã; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho đội ngũ cán bộ y tế, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.
Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ 5.000 mũ giữ ấm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cho Bệnh viện đa khoa huyện và các xã trên địa bàn huyện; hỗ trợ trang thiết bị y tế; thiết bị truyền thông cho Bệnh viện đa khoa huyện và các Trạm y tế tại 5 xã; hỗ trợ 68 loa truyền thông xách tay cho 68 bản. Bên cạnh đó, lực lượng y tế huyện, xã, bản, người có uy tín và các tình nguyện viên đội chuyển tuyến của bản còn được tập huấn các kiến thức, về: Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh và kỹ năng truyền thông; phương pháp “Kangaroo morther care” cho trẻ được tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau khi sinh, giúp trẻ sơ sinh, non tháng phát triển về thể chất và tinh thần; chăm sóc sơ sinh bệnh, sơ sinh có nguy cơ để triển khai đơn nguyên sơ sinh; đào tạo cấp cứu 115 và chuyển tuyến an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh…
Trong tháng 5/2023, Ban quản lý Dự án tổ chức Hội thi “Tìm hiểu và tuyên truyền kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số” tại 5 xã Chiềng Lao, Chiềng Công, Nậm Giôn, Chiềng Muôn, Chiềng Hoa và tổ chức Hội thi cấp huyện vào tháng 6/2023. Qua hội thi, đã giúp nâng cao nhận thức, hành vi chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong mọi tầng lớp nhân dân; đẩy lùi các phong tục tập quán lạc hậu...
Chị Giàng Thị Mo, bản Pa Hợp, xã Chiềng Lao, chia sẻ: Trước đây bà con trong bản thường sinh đẻ tại nhà, trẻ em, người lớn ốm đau là mời thầy mo về cúng. Từ khi được cán bộ y tế tuyên truyền chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, đã nâng cao nhận thức cho nhân dân, bà con ốm đau là đến các cơ sở y tế thăm khám; không sinh đẻ tại nhà để đảm bảo an toàn tính mạng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Sau 2 năm triển khai Dự án đã mang lại hiệu quả tích cực: Số phụ nữ mang thai khám thai 4 lần trong 3 thời kỳ trên địa bàn 5 xã triển khai dự án ngày càng tăng; trên 70% số phụ nữ sinh đẻ được cán bộ y tế đỡ, tăng 33% so với trước khi triển khai dự án; trên 70% số bà mẹ, trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh; không có bà mẹ, trẻ sơ sinh bị tử vong. Cùng với đó, hệ thống y tế tuyến cơ sở ngày càng được cải thiện, năng lực cho đội ngũ y tế bản được nâng cao, triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, từng bước làm thay đổi nhận thức và hành vi của các tầng lớp nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát huy kết quả đạt được, Dự án sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thực hành chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Cải thiện năng lực các cơ sở y tế, đáp ứng nhu cầu của phụ nữ mang thai và chăm sóc trẻ sơ sinh, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh; đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.