Cải thiện tình trạng kém hấp thu ở trẻ
Trẻ hay mắc bệnh, phát triển kém mặc dù đã được bổ sung đầy đủ các chất nhưng trẻ vẫn không lên cân, thậm chí còn còi xương, chậm lớn là điều khiến không ít phụ huynh lo lắng và băn khoăn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể là do bé kém hấp thu, dẫn đến không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
Bác sĩ Lý Ngọc Ảnh, cán bộ chuyên trách chương trình dinh dưỡng, Trung tâm Y tế huyện U Minh, cho biết: "Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ kém hấp thu dinh dưỡng. Trước tiên, các bà mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ.
Một chế độ ăn uống không phù hợp là ăn dặm sớm, không cho trẻ làm quen từ từ khi tập cho trẻ ăn dặm một loại thức ăn mới, nhất là những loại thức ăn có cấu trúc phân tử phức tạp hoặc tính dị nguyên cao như lòng trắng trứng, các loại hải sản.
Ngoài ra, một chế độ ăn không cân bằng về 4 nhóm thực phẩm, ví dụ như quá nhiều dầu mỡ cũng có thể dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa và kém hấp thu. Tuy nhiên, điều dễ thấy hơn là do trẻ bị thiếu các enzyme tiêu hóa, khiến việc tiêu hóa thức ăn kém và thiếu vi chất kẽm, selen dẫn tới kém hấp thu".
Hấp thu là giai đoạn trung gian giữa tiêu hóa với chuyển hóa. Các loại vật chất ăn vào được tiêu hóa bởi các men (enzyme) ngoại tiết của dạ dày và ống tiêu hóa thành chất hấp thu được qua thành ruột vào máu, bạch mạch rồi được chuyển hóa thành sản phẩm cần thiết cho sự sống của mỗi cơ thể. Quá trình hấp thu thức ăn có sự tham gia của nhiều bộ phận trong ống tiêu hóa như dạ dày và nhất là ruột non, ruột già, gan, mật, tụy...
Thực tế cho thấy, khi kém hấp thu thức ăn, trẻ sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa, có thể là đi phân sống, ăn nhiều nhưng vẫn gầy yếu. Trẻ cũng có thể bị chướng bụng, đầy hơi và có thể biếng ăn hơn. Nếu tình trạng này kéo dài thì có thể gây suy dinh dưỡng và thiếu máu, thiếu nhiều vi chất ở trẻ nhỏ. Thiếu dinh dưỡng cũng có thể khiến hệ miễn dịch bị suy giảm, trẻ dễ bị mắc bệnh, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm và bệnh về đường hô hấp.
Một số dấu hiệu có thể nhận biết trẻ kém hấp thu dinh dưỡng như đi ngoài phân lỏng, sụt cân, kém phát triển về chiều cao, cân nặng, trẻ biếng ăn, mệt mỏi, ngủ không ngon… các bậc phụ huynh càn chú ý để sớm có biện pháp cải thiện tình trạng kém hấp thu ở trẻ nhỏ.
Ngoài ra, những biểu hiện trên khá giống với các bệnh lý về đường tiêu hóa khác như rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn đường ruột. Do đó, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe và sự phát triển bình thường cho trẻ.
Bác sĩ Lý Ngọc Ảnh thông tin thêm: "Để cải thiện tình trạng kém hấp thu, cha mẹ cần phải tìm hiểu, tiếp nhận những thông tin mới, chính thống từ các bác sĩ chuyên môn. Tùy khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn của từng trẻ khác nhau mà bác sĩ sẽ có lời khuyên cũng như đưa ra phương pháp phù hợp cho từng trẻ. Trong đó, cần dựa trên các nguyên tắc như cho trẻ ăn đủ lượng, đủ chất, đa dạng, không cho trẻ ăn quá nhiều so với tháng tuổi và quá trình phát triển ở từng giai đoạn.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể tăng cường khả năng hấp thu cho trẻ bằng cách bổ sung men vi sinh có ích vào chế độ ăn hằng ngày của trẻ. Các men vi sinh này sẽ giúp ích cho trẻ trong việc hấp thu các dưỡng chất từ thức ăn. Sữa chua, các chế phẩm từ sữa cộng với bổ sung chất xơ hợp lý chính là những men vi sinh hữu hiệu cho trẻ. Những trường hợp trẻ rối loạn tiêu hóa, mất cân bằng nghiêm trọng hệ vi sinh thì cần sử dụng những loại thực phẩm giàu men vi sinh để tăng cường hệ vi sinh cho trẻ. Đó chính là những cách để cải thiện khả năng hấp thụ và hệ tiêu hóa của trẻ.
Để trẻ hấp thu hiệu quả, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống khi trẻ bị bệnh. Không ép trẻ ăn khi bệnh mà chỉ cho ăn tối đa số lượng trẻ có thể chấp nhận được. Thức ăn cần nấu chín kỹ, mềm và nhuyễn hơn, dễ nuốt và dễ tiêu. Cho trẻ ăn phục hồi sau giai đoạn bệnh. Đặc biệt, cần thay đổi thực phẩm thường xuyên, nhưng cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm để giúp trẻ ăn ngon miệng và tăng cân tốt hơn./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/cai-thien-tinh-trang-kem-hap-thu-o-tre-a34701.html