Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em
Những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, nhất là trẻ ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Hàng năm, các địa phương trong tỉnh đã đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Trên cơ sở đó, quản lý, theo dõi, bổ sung đa vi chất cho phụ nữ mang thai; chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ; tổ chức chiến dịch uống vitamin A, tẩy giun định kỳ cho trẻ... Chú trọng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống SDD; cung cấp kiến thức dinh dưỡng hợp lý; thực hành trình diễn chế biến thức ăn dinh dưỡng cho trẻ; hướng dẫn phương pháp theo dõi mức độ tăng trưởng chiều cao, cân nặng của trẻ; cách chăm sóc, nuôi dưỡng, nhận biết các dấu hiệu SDD ở trẻ cho phụ nữ có thai, bà mẹ có con dưới 5 tuổi và bà mẹ có con SDD.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 119.400 trẻ dưới 5 tuổi. Hàng năm, mạng lưới chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng các cấp được kiện toàn, đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có một chuyên trách dinh dưỡng/y tế. Tỷ lệ trẻ em SDD đã giảm xuống còn 19,4%; có 96,7% số trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi được uống vitamin A, trên 90% số trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi được uống thuốc tẩy giun, 93,2% số phụ nữ mang thai được bổ sung đa vi chất.
Bên cạnh đó, Dự án “Lồng ghép cải thiện dinh dưỡng trẻ em ở khu vực miền núi phía Bắc” tỉnh Sơn La do Quỹ phát triển xã hội Nhật Bản viện trợ thông qua Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Save the Children International (SCI) triển khai tại 10 xã tại huyện Mộc Châu, Mai Sơn, với tổng kinh phí trên 16,7 tỷ đồng. Đến nay, Dự án đã cung cấp hơn 31.000 con gà giống, tập huấn cho 1.361 hộ canh tác lúa theo phương pháp SRI, tổ chức hàng trăm buổi tập huấn nấu bữa ăn đủ dinh dưỡng cho cho các hộ tham gia dự án. Nhờ vậy, tại các xã triển khai dự án, trên 90% số phụ nữ mang thai được quản lý, khám và tư vấn thai sản; hơn 85% số trẻ dưới 2 tuổi được theo dõi tăng trưởng hàng tháng; trên 70% số bà mẹ có con dưới 2 tuổi biết cách chế biến bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ, 118 trẻ được điều trị khỏi SDD cấp tính...
Chị Hoàng Thị Dung, bản Nam, xã Chiềng Chung (Mai Sơn), chia sẻ: Tôi được tham gia Dự án “Lồng ghép cải thiện dinh dưỡng trẻ em ở khu vực miền núi phía Bắc”. Tôi được hướng dẫn biết cách nấu bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, hàng ngày có đủ 4 nhóm thực phẩm là tinh bột, chất đạm, chất mỡ và vitamin. Định kỳ tôi đưa con đi khám bệnh, đo cân nặng, chiều cao, uống vitamin A, tẩy giun, tiêm chủng tại Trạm Y tế xã. Nhờ vậy, 2 con tôi phát triển cả chiều cao, cân nặng, hiện đang học tại Trường mầm non xã Chiềng Chung.
Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về dinh dưỡng theo từng giai đoạn; tăng cường nguồn lực, ngân sách cho hoạt động truyền thông và các hoạt động dinh dưỡng tại cộng đồng cho y tế tuyến cơ sở... góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em SDD xuống dưới 18% vào năm 2025, cải thiện tầm vóc và trí tuệ cho thế hệ tương lai.