Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia: Nâng cao vị thế, thu hút vốn đầu tư
Xu hướng liên tục cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam những năm qua tương đồng với đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài về độ hấp dẫn khi rót vốn đầu tư…
Theo đó, việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia để có vị thế tốt hơn nữa, được nhà đầu tư trên trường quốc tế tin tưởng hơn, là mục tiêu Việt Nam đang hướng tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030” (Đề án). Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả giai đoạn khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP.
Đề án cũng đặt mục tiêu kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP; nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP...
Cùng với đó, là các biện pháp cụ thể trong đó gồm giải pháp khác là cải thiện cơ cấu và chất lượng của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách nhà nước.
Cơ sở để cải thiện xếp hạng tín nhiệm
Một nền tài chính công vững mạnh là một trong những cơ sở đầu tiên để các tổ chức đánh giá tín nhiệm căn cứ xếp hạng. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu của Đề án là xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững để cải thiện các chỉ số nợ và thúc đẩy củng cố tài khóa.
Cụ thể, theo Đề án được Phó Thủ tướng phê duyệt, tiếp tục củng cố nền tảng tài khóa lành mạnh, tập trung cải thiện điểm số về thu ngân sách thông qua hoàn thiện hệ thống chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thực tiễn, các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế tốt.
Bên cạnh đó, cải thiện các chỉ số tài khóa, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ so với GDP.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường minh bạch chính sách tài khóa; đẩy mạnh việc quản lý, điều hành tài chính ngân sách theo trung hạn, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm; thực hiện kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm theo quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế; tăng cường áp dụng các thông lệ quốc tế tốt trong quản lý rủi ro danh mục nợ Chính phủ, đảm bảo vay nợ bền vững.
Trong những năm qua, Việt Nam được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới đánh giá cao sự cải thiện về chỉ số nợ và khả năng chi trả nợ của chính phủ cũng như nền tài chính công ổn định của Việt Nam.
Đầu 2021, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) đã giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm hai bậc lên “Tích cực” – một đánh giá chưa có tiền lệ trong xếp hạng của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch COVID-19.
Tháng 5/2021, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) công bố giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và nâng triển vọng từ ổn định lên tích cực. Theo S&P, cơ sở tổ chức này đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm lên tích cực là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam và cải cách liên tục trong khâu hoạch định chính sách trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục gây tác động đến kinh tế -xã hội. S&P cũng ghi nhận kết quả tài khóa, nợ công tiếp tục giữ vững tính hiệu quả và linh hoạt, góp phần hỗ trợ kiểm soát đại dịch.
Trước đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings khẳng định lại xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”. Cơ sở tổ chức Fitch Ratings nâng Triển vọng lên “Tích cực” phản ánh khả năng phục hồi tăng trưởng của Việt Nam, một trong rất ít nền kinh tế trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và thuộc nhóm các nước hạng BB có thể duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,91% vào năm 2020 trước đại dịch COVID-19.
Fitch Ratings ghi nhận các thành quả về tài khóa, nợ công của Việt Nam, thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát nhanh chóng dịch COVID ngay từ ngày đầu, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm sớm hồi phục hoạt động kinh tế xã hội. Kết quả vượt bậc của Việt Nam có được còn nhờ vào nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, vị thế tài chính đối ngoại tiếp tục tăng cường nhờ tài khoản vãng lai thặng dư liên tục và dự trữ ngoại hối tăng.
Như vậy đến tháng 5/2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm (gồm Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng triển vọng lên tích cực.
Bước sang 2022, mới đây, ngày 28/3, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tiếp tục xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, triển vọng “Tích cực.”
Theo Bộ Tài chính, Cơ sở tổ chức Fitch Ratings giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam phản ánh các chỉ số tài chính đối ngoại vững chắc so với các nước cùng xếp hạng, triển vọng phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn phức tạp và hiệu ứng lan tỏa của xung đột địa chính trị gần đây đối với kinh tế toàn cầu.
Có thể thấy, những lần nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam trong nhiều năm qua đều phản ánh đánh giá tích cực của các tổ chức về Việt Nam, trong đó, có điểm tựa chắc chắn của có một nền kinh tế tăng trưởng bền vững, tốc độ tăng trưởng GDP cao và khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nâng cao vị thế đầu tư, nuôi dưỡng cơ hội tăng trưởng dài hạn
Triển vọng của các kỳ nâng hạng kế tiếp và theo Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới 2030 của Việt Nam, sẽ ngày càng minh chứng rõ hơn điểm tựa, sức hút đầu tư của Việt Nam trên thị trường.
Theo đó, giới chuyên môn nhận định các quyết sách đang cho thấy sự đúng hướng của Chính phủ, nâng cao quản trị hành chính công, tài chính công bền vững, xây dựng khuôn khổ phù hợp và minh bạch để thực thi chính sách tài khóa, tiền tệ một cách hiệu quả; thiết lập một khuôn khổ bền vững để phát triển một hệ thống ngân hàng mạnh mẽ và đáng tin cậy bên cạnh việc xây dựng một nền tảng thị trường vốn trong nước lớn hơn, bền vững hơn, cùng với đó là các cải thiện về thể chế, chỉ số phát triển con người, giáo dục… sẽ tiếp tục là những giải pháp giúp Việt Nam tiếp tục “ghi điểm” từ các tổ chức xếp hạng uy tín.
Việc "ghi điểm" cao này đồng nghĩa Việt Nam có sự công nhận tích cực hơn của cộng đồng đầu tư quốc tế cũng sẽ giúp quốc gia nắm bắt cơ hội thu hút vốn để tăng cường "đòn bẩy" nhằm phát triển kinh tế, xã hội hướng đến các mục tiêu cao hơn trong những năm tới đây.
>> Việt Nam lo trả hơn 1 triệu tỷ nợ công
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn 2021-2030, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, đặc biệt là hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin bảo đảm tính sẵn sàng, kết nối đồng bộ, thống nhất của Việt Nam. Tại Dự thảo Quy hoạch Điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045, nguồn vốn đầu tư xấp xỉ 13 tỷ USD/năm. Tại Dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để phát triển mạng lưới giao thông vận tải đường bộ, cần khoảng 2,5 tỷ USD/năm (theo kịch bản đầu tư mức trung bình). Nếu chỉ dựa vào thị trường vốn trong nước thì rất khó có thể đáp ứng được nhu cầu vốn lớn cho đầu tư hạ tầng kinh tế, vốn dĩ đòi hỏi nguồn vốn trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để có một nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, với trình độ công nghệ và giá trị gia tăng cao đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư rất lớn. Ngoài ra, một bộ phận các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đã phát triển nhanh chóng, có thị trường ở nước ngoài và nguồn thu ngoại tệ ổn định, cần huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư nên không thể phụ thuộc vào thị trường vốn nội địa.
“Việc phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế không chỉ tạo dư địa cho các doanh nghiệp huy động trên thị trường trong nước mà còn giúp tạo đường cong lãi suất tham chiếu cho các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường quốc tế”, TS. Nguyễn Đức Kiên khẳng định và cho rằng "Chính phủ nên xem xét đến phương án xây dựng chương trình phát hành trái phiếu trung hạn toàn cầu".
Thực tế các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường thành công những năm trước đây, luôn song song với việc Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm, đã chứng minh hiệu quả, giá trị của nâng hạng tín nhiệm quốc gia. Theo đó, sự cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, vừa là tầm nhìn xa vừa là sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, cho một vị thế quốc gia hướng đến nhiều mục tiêu, bao gồm hút vốn đầu tư tốt hơn, được nhà đầu tư tin tưởng hơn trong trung hạn. Đó cũng là nền tảng cho sự phát triển lâu dài, nuôi dưỡng tiếp các cơ hội tăng trưởng dài hạn.