'Cái thuở ban đầu Dân quốc ấy...'

Trong nước Việt Nam mới, trường đại học phải đóng một vai trò quan trọng; trường đại học phải là trung tâm của phong trào thanh niên và văn hóa, của công việc kiến thiết nền Dân chủ Cộng hòa - đó là lời khẳng định của đồng chí Phạm Văn Đồng trong cuộc gặp gỡ anh em sinh viên ngày 3/10/1945, tại Việt Nam học xá (di tích mà sau này được cải tạo để trở thành cơ sở chính thức của trường ĐH Bách khoa Hà Nội - PV).

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn độc lập, tự do. Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một sự kiện lịch sử vĩ đại, “một cuộc thắng lớn xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta”. Trong những năm đầu xây dựng đất nước, sinh viên Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực như chính trị, giáo dục, văn hóa – xã hội, ngoại giao…

Ngay từ những ngày đầu tiên, bằng lợi thế của mình, sinh viên Việt Nam đã tổ chức được nhiều hoạt động, phong trào thể hiện được tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập dân tộc. Trong đó, nổi bật là “Ngày Cứu quốc”, được tổ chức vào các ngày 20 và 21/10/1945, sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập chỉ hơn một tháng. Đặc biệt, buổi lễ khai mạc trang trọng hôm ấy có sự tham dự của Chủ tịch Hồ Chí Minh (báo Cứu Quốc số 73, 22/10/1945). Với nhiều gian hàng trưng bày theo nhiều chủ đề khác nhau, trong đó có gian hàng Nam Bộ, cùng nhiều hoạt động tập thể đa dạng, như duyệt binh nhi đồng, diễn kịch… sinh viên Việt Nam đã thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, sự ủng hộ nhiệt thành cho đồng bào Nam Bộ kháng chiến.

 Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu)

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu)

Bên cạnh đó, nhân mỗi dịp kỷ niệm Quốc tế Sinh viên (17/11), sinh viên Việt Nam đều tổ chức mít tinh, cổ vũ, thể hiện tinh thần tranh đấu mạnh mẽ. Trong “Thư của Tổng hội Sinh viên Việt Nam nhân ngày Quốc tế Sinh viên 17/11 gửi anh chị em sinh viên toàn quốc” năm 1946, đã khẳng định: Sinh viên “một lòng đứng vào hàng ngũ của toàn dân, chiến đấu cho nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc” (báo Cứu Quốc số 755, 18/11/1947).

Trên phương diện ngoại giao, sinh viên Việt Nam cũng đấu tranh rất quyết liệt. Vào ngày 12/9/1946, Tổng hội Sinh viên Việt Nam đã gửi thư trả lời các sinh viên miền Tây Bắc nước Mỹ trong Hội các sinh viên thế giới ủng hộ một Chính phủ liên bang quốc tế. Tổng hội Sinh viên Việt Nam đã đề nghị thêm vào chương trình bảo vệ hòa bình thế giới 2 điều khoản: Tước quyền lực chiến tranh của bọn đế quốc tham tàn và nâng đỡ công việc giải phóng của dân tộc nhược tiểu. Tổng hội Sinh viên Việt Nam cho rằng, hễ còn một dân tộc trên thế giới bị áp bức thì chí cương quyết phá nô lệ vẫn còn và mầm chiến tranh chưa thể tiêu diệt được”.

Không những thế, lúc bấy giờ nhiều sinh viên các trường đã tình nguyện thôi học, lên đường đi công tác, góp phần dựng xây đất nước, giúp đỡ nhân dân trong thời khắc gian khó. Trong hồi ký: “Vài nét về phong trào sinh viên trước và ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám”, đồng chí Hoàng Nguyên có thuật lại: “Nhiều cá nhân sinh viên được sử dụng ngay vào các ngành công tác, đặc biệt là một số sinh viên y dược được đưa vào ngành quân y, anh Trần Quảng Vận làm Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, anh Trần Văn Hà làm Phòng Thông tin Hà Nội, các anh Thép Mới và Nguyễn Bá Huấn được giao trách nhiệm tổ chức trường Phan Châu Trinh, là trường kiểu mới đầu tiên của nền cộng hòa non trẻ… Đầu năm 1947, Tổng bộ giao cho anh Trần Vĩnh Uy thay mặt Đoàn Sinh viên Cứu quốc giúp Bộ Giáo dục tổ chức tại Việt Bắc trường ngoại ngữ đầu tiên…”.

Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Cũng trên phương diện xã hội, lúc bấy giờ, sinh viên Việt Nam, với vốn tri thức của mình, đã đưa ra nhiều phát kiến, nâng cao đời sống sức khỏe cho nhân dân. Một sự kiện đáng quan tâm đó là vào ngày 11/6/1946, Ban Y tế của Tổng hội Sinh viên Việt Nam đã làm lễ khánh thành nhà phát thuốc tại khu Phương Liệt (Hà Nội). Mục đích của cơ quan truyền bá vệ sinh và Tân y học của Tổng hội Sinh viên với sự thành lập những nhà phát thuốc này đã được đồng chí Cao Văn Chánh – Trưởng Ban Ytế Tổng hội Sinh viên, chỉ rõ: “Những nhà thương trên đất là hiện nay chưa đầy đủ [trích nguyên văn - PV], mà chỗ cho bệnh nhân lại thiếu, vì thế mà vừa rồi, những bệnh định kỳ hay dịch tả đã tàn sát không biết bao nhiêu là đồng bào. Những y viện mà anh em sinh viên mong sẽ lập ra, mà y viện Phương Liệt chỉ là viên gạch đầu tiên sẽ bồi bổ được một đôi phần vào chỗ thiếu sót đó” (báo Độc Lập số 170, ngày 12/6/1946).

Không chỉ những sinh viên trong nước, mà nhiều sinh viên Việt Nam ở nước ngoài cũng tích cực tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc của toàn dân tộc. Trên báo Vì Nước số 14, ngày 27/12/1945, đăng tải câu chuyên nhiều sinh viên Việt Nam ở Paris đã tuyệt thực 24 giờ để phản kháng hành động dã man của quân đội Pháp ở Đông Dương và việc phi cơ Anh, theo yêu cầu của quân Pháp, tổ chức oanh tạc Đà Lạt.

"Cái thuở ban đầu Dân quốc ấy/ Nghìn năm chưa dễ đã ai quên..." (Xuân Diệu). Sau 75 năm trưởng thành và phát triển, được hun đúc qua các chặng đường lịch sử, lòng nhiệt huyết, tinh thần hăng hái, xả thân ấy luôn được các thế hệ sinh viên lớp lớp kế thừa, phát huy và làm rạng rỡ thêm cho lịch sử hào hùng của Sinh viên Việt Nam.

Trần Đức Anh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-doan-hoi/cai-thuo-ban-dau-dan-quoc-ay-1708213.tpo