Cải tiến chất lượng bệnh viện

Mô hình bệnh tật, số lượng bệnh nhân tăng trong khi biên chế, vị trí việc làm giảm, không được hợp đồng lao động để làm chuyên môn, rất khó khăn cho các bệnh viện thực hiện cải tiến chất lượng.

Đoàn bác sĩ Úc do bác sĩ Richard Pleun Verhuel - Phẫu thuật viên chính đang chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi khớp gối cho các bác sĩ BVĐK Lâm Đồng

Đoàn bác sĩ Úc do bác sĩ Richard Pleun Verhuel - Phẫu thuật viên chính đang chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi khớp gối cho các bác sĩ BVĐK Lâm Đồng

Các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bao gồm: 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng); 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh (Bệnh viện Nhi Lâm Đồng, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng và Bệnh viện Y học Cổ truyền Bảo Lộc); 10 Trung tâm Y tế tuyến huyện, có bệnh viện (Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên). Có 1 bệnh viện tư nhân (Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt).

Xếp hạng bệnh viện hạng II gồm: 3 bệnh viện (BVĐK tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng); bệnh viện hạng III có 14 bệnh viện còn lại. Tổng số giường bệnh tại các bệnh viện trong toàn tỉnh là 2.600 giường bệnh, trong đó: Công lập 2.400 giường (tuyến tỉnh có 1.505 giường và tuyến huyện 895 giường); tư nhân 200 giường bệnh.

Trong tháng 1/2021, Sở Y tế Lâm Đồng đã tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng tại các bệnh viện trên địa bàn Lâm Đồng. Qua kiểm tra, Sở Y tế ghi nhận các hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện đã được thực hiện và tác động ban đầu: Công tác cải tiến chất lượng bệnh viện được lãnh đạo các đơn vị quan tâm, đầu tư, nhân viên y tế nhận thức được vấn đề cần phải thực hiện công tác cải tiến chất lượng. Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng của bệnh viện với đầy đủ các nội dung theo hướng dẫn, phân công cụ thể cho các khoa phòng, bộ phận: Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế; xây dựng các quy trình chuyên môn, cải tiến quy trình kỹ thuật; xây dựng kế hoạch thực hiện các danh mục kỹ thuật mới tại đơn vị.

Các hoạt động cải tiến chất lượng tập trung vào công tác phục vụ người bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị. Các đơn vị đã bố trí, sắp xếp cử các điều dưỡng trưởng tham gia lớp đào tạo quản lý điều dưỡng do Sở Y tế phối hợp tổ chức. Hồ sơ sổ sách liên quan đến công tác cải tiến chất lượng bệnh viện được lưu trữ đầy đủ, khoa học và các nội dung cải tiến chất lượng đi vào chiều sâu, chất lượng.

Một số đơn vị thực hiện công tác cải tiến chất lượng rất tốt như: BVĐK tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương. Một số đơn vị có chuyển biến tích cực trong hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện như: Trung tâm Y tế huyện Di Linh, Cát Tiên.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức là các tiêu chí yêu cầu về đào tạo thì cần tỷ lệ cao nhưng không có lớp tổ chức tại địa phương nên khó cử cán bộ đi đào tạo cùng một lúc. Các đơn vị chưa bố trí được cán bộ chuyên trách công tác cải tiến chất lượng bệnh viện. Cán bộ phụ trách công tác quản lý chất lượng tại một số đơn vị thay đổi, chưa được tập huấn, hướng dẫn về công tác chất lượng bệnh viện. Thành viên mạng lưới quản lý chất lượng của các bệnh viện chưa được tập huấn và cập nhật kiến thức quản lý chất lượng. Lãnh đạo và nhân viên của bệnh viện chưa có chứng chỉ về đánh giá chất lượng do Bộ Y tế chưa tổ chức tập huấn và chưa có cơ quan, tổ chức nào đủ tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ. Các đơn vị rất khó khăn trong việc thực hiện các quy định về dinh dưỡng tiết chế vì không có lớp đào tạo về dinh dưỡng tiết chế, các đơn vị cũng chưa có khoa dinh dưỡng, không có căn tin trong bệnh viện... Để thực hiện một cách hiệu quả các nội dung trong mỗi tiêu chí cần phải có nhân lực, thời gian và kinh phí để thực hiện nhưng đơn vị không được bổ sung đủ nhân lực và không được cấp thêm kinh phí. Mô hình bệnh tật, số lượng bệnh nhân tăng trong khi biên chế, vị trí việc làm giảm, không được hợp đồng lao động, rất khó khăn cho thực hiện cải tiến chất lượng.

Thạc sĩ - bác sĩ Võ Kim Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết: Định hướng ưu tiên cải tiến chất lượng trong năm 2021 là tiếp tục thực hiện Thông tư 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện. Rà soát, kiện toàn Hội đồng quản lý chất lượng, tổ quản lý chất lượng bệnh viện, mạng lưới chất lượng bệnh viện và bố trí cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm và triển khai các hoạt động quản lý chất lượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế. Căn cứ kết quả đánh giá từng tiêu chí chất lượng của bệnh viện, từng đơn vị tiến hành xây dựng đề án cải tiến chất lượng và kế hoạch cải tiến chất lượng theo từng giai đoạn, từng quý, 6 tháng và cả năm 2021.

Đồng thời, xác định đúng các vấn đề ưu tiên để cải tiến theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Tập trung cải tiến để không còn tiêu chí đạt ở mức 1, từng bước cải tiến để nâng các tiêu chí ở mức 2 lên mức 3. Hướng dẫn các khoa, phòng trong bệnh viện xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng; xây dựng bảng kiểm đánh giá cho từng khoa, phòng, bộ phận và toàn bệnh viện. Tổ chức đánh giá định kỳ hàng quý, xác định các ưu tiên cải tiến và giải pháp, đảm bảo các điều kiện thực hiện cho quý tiếp theo. Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng mức hài lòng của bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Định kỳ tổ chức đánh giá mức độ hài lòng của bệnh nhân nội trú, ngoại trú, mức độ hài lòng của nhân viên y tế. Tiếp thu, giải quyết kịp thời các kiến nghị, các ý kiến phản ánh của bệnh nhân, nhân viên y tế, từng bước đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202103/cai-tien-chat-luong-benh-vien-3047245/