Cải tiến năng suất tổng thể - chìa khóa cho DN phát triển đột phá
Tham gia Dự án Áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng của Bộ Công Thương giúp Công ty CP Cơ điện Tomeco đạt nhiều kết quả bất ngờ - doanh thu tăng 17%, giá trị xuất khẩu tăng trên 100% trong năm 2019.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chuyên sản xuất quạt điện công nghiệp, Công ty CP Cơ điện Tomeco - có nhà máy sản xuất là Tomeco An Khang cho biết gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện và kết quả đạt được chưa như kỳ vọng.
Với mong muốn thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cũng như toàn thể nhân viên về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, khi được tiếp cận với Dự án Áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng của Bộ Công Thương, Tomeco quyết định tham gia và theo đuổi một cách nghiêm túc các mục tiêu của dự án.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam, Tomeco đã nhìn ra được những vấn đề trong hoạt động cải tiến chất lượng và đưa ra các biện pháp giải quyết phù hợp. Chỉ sau 12 tháng triển khai, Tomeco đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Hết năm 2019, doanh thu tăng 17%, giá trị xuất khẩu tăng trên 100%, năng suất lao động tăng 15%, mức độ thỏa mãn, hài lòng của khách hàng đạt trên 90 điểm, khả năng sinh lời tăng 20% so với năm 2018. Nhờ ứng dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng, tỉ lệ chi phí nhân công/doanh thu của công ty có dấu hiệu giảm, thu nhập người lao động ổn định, mặt bằng nhà xưởng gọn gàng giúp giảm bớt căng thẳng cho người lao động trong sản xuất.
“Công ty là một hệ thống tổng hòa các yếu tố, nếu mình muốn cùng một lúc đạt quá nhiều mục đích, hoặc khi chỉ chăm chú làm một thứ mà không nghĩ là nó liên quan đến vấn đề khác thì không ổn, nên cần phải xem xét một cách toàn diện và chỉ ra được những vấn đề quan trọng nhất cần phải làm”, ông Lê Quý Khả - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện Tomeco cho biết.
Mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng do Viện Năng suất Việt Nam xây dựng với mục tiêu hướng dẫn các doanh nghiệp hoạch định và thực hiện các hoạt động cải tiến năng suất một cách có hệ thống.
“Mô hình nâng cao năng suất tổng thể được xây dựng dựa trên 4 trụ cột cơ bản. Thứ nhất là nâng cao trình độ về KH-CN và khai thác sử dụng KH-CN một cách hiệu quả, thứ hai là nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng, thứ ba là chuẩn hóa quá trình sản xuất của doanh nghiệp, thứ tư là giảm lãng phí bằng các biện pháp khác nhau”, bà Nguyễn Thị Lê Hoa - Trưởng phòng Nghiên cứu năng suất - Viện Năng suất Việt Nam cho biết.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, để có thể tồn tại và phát triển đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp không còn con đường nào khác ngoài liên tục cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.