Cải tiến quản lý chợ truyền thống xin đừng…'cải lùi'

Việc tăng năng lực cạnh tranh cho các chợ truyền thống sau tác động của dịch Covid-19 đang đòi hỏi vai trò hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý. Kể cả việc cải tiến chính sách về quản lý và phát triển chợ cũng cần tránh thành… 'cải lùi'.

Ghi nhận ở chợ Bến Thành (quận 1, Tp.HCM) vào trung tuần tháng Giêng sau Tết Nguyên đán 2022 cho thấy, không khí mua bán tại chợ đã nhộn nhịp hơn so với khung cảnh ảm đạm trước đây vì tác động của dịch Covid-19.

Nâng cấp “phần cứng” lẫn “phần mềm”

Theo ông Lê Minh Hiệp, Phó Trưởng ban Quản lí chợ Bến Thành, đến nay đã có khoảng 300 hộ đã mở cửa kinh doanh tất cả các mặt hàng. Chợ cũng đã chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế đến chợ nhiều hơn từ việc mở lại toàn bộ đường bay quốc tế.

Khâu chính sách về quản lý và phát triển chợ truyền thống cần có những cải tiến nhất định và tránh những quy định mang tính… “cải lùi”.

Khâu chính sách về quản lý và phát triển chợ truyền thống cần có những cải tiến nhất định và tránh những quy định mang tính… “cải lùi”.

Rõ ràng đây là tín hiệu đáng mừng bên cạnh việc chính quyền Tp.HCM đang lên phương án cải tạo, chỉnh trang chợ truyền thống Bến Thành. Việc này được nhiều người tán đồng với mong muốn ngoài việc chỉnh trang thì cung cách bán hàng ở khu chợ này cũng nên có những thích ứng tốt hơn với thời đại 4.0 nhằm tận dụng tốt lượng khách du lịch quốc đến với chợ.

Thực ra, chợ Bến Thành cũng như nhiều chợ truyền thống khác ở Tp.HCM đã từng được duy tu, nâng cấp. Nhất là có nhiều chợ truyền thống được đầu tư xây dựng trước năm 1975, khá cũ kỹ, không đáp ứng các tiêu chí quy định mới hiện nay về quản lý chợ và đang cần tiếp tục nâng cấp sửa chữa.

Thế nhưng, qua những quãng thời gian buôn bán ế ẩm, kém hiệu quả đã cho thấy việc nâng cấp không chỉ ở “phần cứng” là tiếp tục cải tạo, chỉnh trang chợ mà còn cần cả sự nâng cấp “phần mềm” từ chính các tiểu thương trong chợ phải thích ứng với chuyển đổi số.

Mặt khác, sự quản lý kém hiệu quả, chồng chéo trách nhiệm ở các chợ truyền thống cũng còn nhiều để bàn. Chẳng hạn như tình trạng sau duy tu mang tính chắp vá thì chợ vẫn xuống cấp, các sạp tự phát quanh chợ, buôn bán mất vệ sinh, rồi bất cập trong cách tính và thu phí…

Nhất là trong đợt dịch Covid-19 đợt 4 hồi năm ngoái, nhiều chợ truyền thống đã bộc lộ những mặt hạn chế rất lớn. Chính vì vậy, trong năm 2022 này, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các chợ truyền thống, ngoài việc tiến tới xóa dần chợ tự phát, Sở Công Thương Tp.HCM cho biết sẽ triển khai phát triển hệ thống chợ với hai mục tiêu: Thích ứng với bối cảnh dịch bệnh để cho các chợ hoạt động và chuyển đổi số.

Ngoài chuyện tăng năng lực cạnh tranh cho các chợ truyền thống đang đòi hỏi vai trò hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý như cách thức ở Tp.HCM, giới chuyên gia cho rằng trong khâu chính sách về quản lý và phát triển chợ cũng cần có những cải tiến nhất định và tránh những quy định có thể làm kìm hãm sự phát triển của chợ truyền thống (điều này được ví như… “cải lùi”).

Như góp ý mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ.

Trước tiên là quy định tại khoản 2 Điều 1 dự thảo, phạm vi điều chỉnh của Nghị định là “chợ mang tính truyền thống”. Tuy nhiên, dự thảo lại không có quy định nào giải thích cho khái niệm này. Vì vậy, sẽ rất khó để xác định phạm vi áp dụng của Nghị định.

Lo quy định mới…“cải lùi”

Không chỉ vậy, VCCI chỉ rõ một số quy định trong dự thảo này có tính chất tạo gánh nặng chi phí tuân thủ cho đối tượng áp dụng. Đơn cử như ở khoản 3 Điều 9 quy định doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) kinh doanh khai thác và quản lý chợ phải trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt Nội quy chợ.

Giới chuyên gia bày tỏ băn khoăn quy định này sẽ tạo gánh nặng về chi phí tuân thủ cho HTX và DN khi phải thực hiện thủ tục xét duyệt mới được phép áp dụng.

Nội dung chính của nội quy chợ phần lớn đều dựa trên quy định pháp luật hiện hành, dù có hay không thì HTX hay cho thuê và thuê đều phải tuân thủ. Do đó, không cần thiết cơ quan nhà nước phải xét duyệt Nội quy chợ.

Hoặc như vấn đề phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ. Ở điểm a khoản 1 Điều 11 của dự thảo quy định DN hay HTX kinh doanh khai thác chợ phải “lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Trên thực tế, các ngành nghề kinh doanh đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành, HTX và DN sẽ phải tuân thủ và do các cơ quan quản lý chuyên ngành quản lý.

Vì vậy, yêu cầu HTX và DN phải thực hiện phê duyệt phương án kinh doanh là chưa phù hợp, sẽ tạo gánh nặng chi phí tuân thủ và dường như can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của HTX và DN.

Như băn khoăn của VCCI: Xét tính minh bạch, không rõ cơ quan nhà nước sẽ dựa vào tiêu chí gì để phê duyệt các phương án này ? Trình tự thủ tục như thế nào ?

Bên cạnh đó, ngay cả quy định trong dự thảo về hoạt động kinh doanh tại chợ cũng cho thấy kém hợp lý. Nhất là khoản 4 Điều 11 của dự thảo quy định “Thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ của thương nhân không vượt quá thời hạn do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định”.

VCCI lưu ý quy định này là chưa hợp lý trong trường hợp DN hay HTX quản lý, kinh doanh chợ. Các giao dịch về thuê địa điểm kinh doanh giữa DN hay HTX quản lý, kinh doanh chợ với thương nhân kinh doanh tại chợ trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên.

Vì thế, việc yêu cầu thời hạn sử dụng hoặc thuê địa điểm kinh doanh không vượt quá thời hạn do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định là can thiệp vào quyền tự do thỏa thuận của hai bên.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/cai-tien-quan-ly-cho-truyen-thong-xin-dung-cai-lui-1083762.html