Cải tiến sản xuất từ nhu cầu thực tế
Trong quá trình lao động sản xuất, nhiều nông dân chân lấm, tay bùn đã nghiên cứu, cải tiến thành công những chiếc máy nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cây lúa, giảm bớt sức lao động thủ công.
Biến máy tuốt lúa thành máy hốt lúa
Lúa sau khi thu hoạch về, người dân phải trải qua công đoạn phơi, hốt vào bao bì làm mất nhiều công sức, thời gian. Để giúp quá trình hốt lúa vào bao bì được nhanh chóng, giảm bớt gánh nặng lao động thủ công, ông Phan Quang Mai (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) đã nghiên cứu, cải tiến thành công máy tuốt lúa thành máy hốt lúa vào bao bì.
Ông Mai kể, một lần ông đang phơi lúa, không may trời đổ mưa, do hốt không kịp nên toàn bộ lúa đều dính nước. Mưa liền mấy ngày, lúa không được phơi khô nên bị hấp hơi, gạo xay ra bị nát và không còn ngon cơm. Chưa kể, mỗi khi vào vụ thu hoạch, sau khi phơi lúa, việc huy động lao động hốt lúa vào bao bì gặp nhiều khó khăn, do thiếu nhân công. Một lần đi qua cơ sở thu mua phế liệu, nhìn thấy chiếc máy tuốt lúa mini vẫn còn tận dụng được, ông chợt nghĩ ra ý tưởng cải tiến chiếc máy này thành máy hốt lúa. Ông đã mua chiếc máy tuốt lúa này và các vật dụng cần thiết về mày mò nghiên cứu, lắp ráp. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng, ông cũng cải tiến thành công chiếc máy hốt lúa vào bao bì. Máy gắn động cơ Diesel, các bộ phận cấu thành từ vật liệu dễ tìm như: hệ thống nhông xích, lốp xe ô tô cũ... Máy có chức năng đẩy lúa theo hệ thống xích, đưa hạt lúa đến hộc chứa, sau đó chuyển đến ống và nhả ra bao bì. Máy vận hành khá đơn giản, nhẹ nhàng, chỉ cần một người vừa vận hành máy vừa thay bao bì nên tiết kiệm được nhiều nhân công. Sau thời gian sử dụng cho thấy, máy có khả năng hốt lúa rất nhanh, khoảng 6-7 tấn/giờ. Để hốt vào bao 10 tấn lúa, máy chỉ cần 1 nhân công, giảm được 2/3 thời gian (so với thủ công), chi phí mất khoảng 1,5 lít dầu Diesel; trong khi đó nếu hốt thủ công phải mất 5 công với giá 30.000 đồng/tấn, hốt mất 4 giờ. Mặt khác, khi hốt lúa bằng máy, hạt lúa vẫn nguyên vẹn, bảo đảm chất lượng; trong khi hốt lúa thủ công dùng cào sắt khiến mặt sân bị bong tróc và có thể làm gãy hạt lúa.
Ông Nguyễn Thiện Thực (thôn Tân Xương 1, xã Suốt Cát) cho biết, từ ngày sử dụng máy của ông Mai, ông không phải lo lắng nhiều đến việc hốt lúa vào bao bì. Máy hốt rất nhanh, vừa tiết kiệm thời gian, vừa mất ít nhân công, chỉ cần một người ở nhà phơi và hốt.
Giảm hao hụt
Ông Nguyễn Dăng (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) chia sẻ, trong quá trình vận hành máy gặt đập liên hợp Kubota DC60, ông nhận thấy máy chạy trên ruộng lầy chưa đạt, tuyến rơm lên buồng đập vẫn chưa đều, rơm thải ra còn nát, lúa ra theo rơm khá nhiều từ 0,6 đến 0,8% so với cho phép của nhà máy là 0,1 - 0,3%, ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch của người dân.
Từ thực tế đó, ông đã nghiên cứu cải tiến bằng cách chế tạo lại đinh (răng) cho buồng đập, vừa đập vừa giũ mà không làm cho rơm bị nát. Cụ thể, ông cải tiến buồng đập từ 6 thanh, có 18 - 19 chiếc đinh thành 3 thanh, khoảng 9 - 10 đinh; đồng thời lắp xen kẽ 1 cây thanh đập dày và 1 thanh đập thưa, cứ như thế ráp hết 6 thanh. Sau khi cải tiến hoàn chỉnh, buồng đập vận hành đều, lúa rơi xuống sàn trong máy, rơm bay ra ngoài không nát nên ít cuốn theo lúa và lúa thu được rất sạch. Đặc biệt, máy có thể gặt được cả những chân ruộng lúa ngã mà không bị cắt sót, khi gặt máy bị nghẹt có thể xử lý đơn giản bằng cần nhả lúa.
Theo tính toán của ông Dăng, nếu sử dụng máy chưa được cải tiến, với diện tích 50ha, sản lượng thu được khoảng 300 tấn, nhưng khi sử dụng máy cải tiến thu được 315 tấn. Hiện nay, ông đã áp dụng cải tiến thành công 4 máy, qua sử dụng được người dân rất thích, sản lượng thu hoạch được cao hơn hẳn khi chưa cải tiến.
Bà Nguyễn Thị Hòa - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết, 2 sản phẩm trên được Ban tổ chức hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh đánh giá cao và đã đạt giải tại hội thi. Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến các sản phẩm này tới cán bộ một số sở, ngành và các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, các đại biểu rất quan tâm và đánh giá cao tính ứng dụng của các sản phẩm”.
KHÁNH HÀ