Cải tiến, sắp xếp thiết bị phục vụ xét nghiệm virus SAR-CoV-2
Đến nay, ngoài Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (đơn vị được Bộ Y tế cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định bệnh nhân nhiễm COVID-19), trên địa bàn tỉnh còn có hai đơn vị trực thuộc sự quản lý của Sở Y tế là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Bệnh viện A đã chính thức đưa hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào hoạt động. Điều đáng nói là thay vì mua mới thì hai cơ sở y tế nêu trên đã cải tiến, sắp xếp lại hệ thống thiết bị y tế để phục vụ xét nghiệm virus SAR-CoV-2.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là những đơn vị đã có phòng xét nghiệm đạt điều kiện an toàn sinh học, được đầu tư hệ thống máy xét nghiệm từ những năm trước nhằm mục đích xét nghiệm virus viêm gan A, B, C và HIV. Hệ thống máy xét nghiệm này sử dụng hóa chất mở nên chỉ cần đưa loại hóa chất chuyên biệt để tìm virus SARS-CoV-2 vào là có thể chạy được xét nghiệm. Dù là được cải tiến, sắp xếp lại nhưng hệ thống máy xét nghiệm này đáp ứng các yêu cầu, khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế về xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2.
Cụ thể, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hệ thống máy xét nghiệm đo tải lượng virus HIV, Viêm gan B, viêm gan C đã được đầu tư từ những năm trước, do phòng xét nghiệm Sinh học phân tử, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của đơn vị quản lý, sử dụng. Được cải tiến, sắp xếp và đưa vào phục vụ cho việc xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 từ ngày 22-4 đến nay, đơn vị đã tiến hành xét nghiệm được hơn 60 mẫu bệnh phẩm và đều cho kết quả âm tính. Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay: Trên cơ sở các thiết bị đã có sẵn, đảm bảo yêu cầu kiểm định, chúng tôi tiến hành sắp xếp lại để mở cửa hệ thống thành chuỗi liên hoàn, dây chuyền khép kín. Đồng thời, tiến hành đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu về nhân lực, đảm bảo quy định cấp phép thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.
Tương tự, tại Bệnh viện A Thái Nguyên, hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (mới được đưa vào hoạt động từ khoảng trung tuần tháng 4) cũng được cải tiến từ hệ thống đo tải lượng virus, còn gọi là máy đếm virus, dùng xét nghiệm HIV, viêm gan B, viêm gan A. Thực tế này cho thấy, thời gian vừa qua, dù không phải đầu tư kinh phí mua sắm mới các loại thiết bị y tế, nhưng Thái Nguyên vẫn có thể chủ động được việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mà không bị phụ thuộc vào các cơ sở xét nghiệm tuyến Trung ương. Đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu cấp bách về việc xét nghiệm sàng lọc, phát hiện trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Thời điểm hai cơ sở y tế của Thái Nguyên đưa hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào hoạt động đúng vào dịp dư luận cả nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng đang đặc biệt quan tâm đến vụ án trục lợi trong phòng, chống dịch COVID-19 xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Do đó, không ít người dân trong tỉnh thắc mắc về việc có hay không việc Thái Nguyên đã đầu tư nguồn kinh phí để đầu tư mua mới thiết bị, máy móc phục vụ cho việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, qua những thông tin chúng tôi cung cấp ở trên đã khẳng định, Thái Nguyên không chỉ làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà còn luôn cân nhắc cũng như tiết kiệm các khoản chi…
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Mới đây, chúng tôi cũng đã nhận được công văn của Bộ Y tế yêu cầu các địa phương báo cáo về việc mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm. Sau khi rà soát tại các đơn vị trực thuộc, chúng tôi khẳng định, Thái Nguyên chưa có đơn vị nào được đầu tư hệ thống máy Real-time tự động của hãng Quiagen - Đức và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống.