Cái vỏ
'Thần tượng của tôi thực sự đã chiếm spotlight trong bảng xếp hạng…'. Câu này rất quen thuộc trong giới trà chanh chém gió. Spotlight vốn là loại đèn sân khấu có chùm ánh sáng rọi vào một điểm diễn quan trọng. Nhân vật đứng vào vị trí đó sẽ nổi bật.
Câu trên muốn nói rằng thần tượng đã nổi bật. Vậy thôi sao không thể nói tiếng ta? Nói tiếng ta nó không “ngầu”. Có một cô gái đã chiếm spotlight với vài câu nói tiếng ta, tiếng tây kết hợp.
“Em là một người rất Sentimental, muốn partner là người luôn bên cạnh mình, gần nhất có thể, nhiều nhất có thể. Nhưng đi đến long distance relationship thì phải là một mối quan hệ rất serious. Em nghĩ nếu mình đã serious thì cái long distance không phải là khoảng cách, trở ngại quá lớn nữa”.
Có bạn bình luận cũng “xôi đỗ” không kém rằng “me thấy cũng normal mà, why people lại mắng her?”.
Một vài câu của cô cũng gây nhiều ý kiến trái chiều. Có lẽ mọi người không để ý xu hướng này đang ngày càng dày đặc, không chỉ trong giới học trò mà cả ở các văn phòng, công ty.
Thời Pháp thuộc, anh cu li xe tay cũng phải nói tiếng Tây cho oai. Để tả con hổ, người ta nói: “tí ti giôn, tí ti noa, lúy măng giê me-xừ, lúy măng giê moi”. Giải mã cấu trúc câu này như sau: “tí ti màu vàng (jaune), tí ti màu đen (noir), nó (lui) ăn thịt anh (monsieur), nó ăn thịt cả tôi (moi)”.
Thời Liên Xô rực rỡ thì câu cảm ơn cửa miệng của mấy anh giáo là “Xpa xí bơ”. Sau nói trại thành “Xin bác tí bơ”.
Thời hội nhập thì tiếng Anh được coi là ngôn ngữ mặc định và phát triển tới mức dường như đó không phải là ngoại ngữ mà dần được thay thế cho tiếng Kinh. Thậm chí du lịch phát triển tới vùng sâu vùng xa, bà con dân tộc thiểu số đã cập nhật tiếng Anh còn nhanh hơn tiếng phổ thông. “Giàng ơi” sẽ được một số thanh niên thiểu số nói là “Oh My God”! Người dưới xuôi ngày trước ngạc nhiên gì, nói, “Ối trời ơi!” Ối giời ơi!”. Rồi nói trại dần thành “Ái dài ai”, “Úi xời!”. “Xời!”, “Ái dùi ui, dùi ui”…, thì nay từ trẻ mẫu giáo đã “Oh my God”. Trẻ con bây giờ khi bị véo, không kêu “Ái dùi ui”, “Ái”! nữa, mà thay bằng “Ouch”. Các cô dẫn chương trình truyền hình thì thay “ồ” bằng “wow”.
Giờ đây nhiều người cho rằng phải dùng tiếng Anh mới chuẩn. Đến mức mà có một bộ sách giáo khoa Hóa học mới (lớp 10) quy định các nguyên tố hóa học đều phải đọc theo tiếng Anh. Cả học sinh và giáo viên đều có chút bối rối vì sách không có phiên âm. Thí dụ: Trước đây đọc là Nitơ (N), Ôxi (O), Hyđrô (H), Phốtpho (P) và Đồng (Cu), thì cập nhật mới phải đọc là Nitrogen, Oxygen, Hydrogen, và Phosphorus, Copper… Theo chủ biên nội dung Hóa học trong môn Khoa học tự nhiên (THCS) và Tổng chủ biên SGK Hóa học lớp 10 bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống", các tác giả đã thực hiện hướng dẫn của chương trình giáo dục phổ thông 2018 về thể thức viết và gọi tên nguyên tố hóa học (thay đổi danh pháp hóa học theo nguyên tắc: khoa học, thống nhất, hội nhập và thực tế). Chủ biên cho rằng số người nói tiếng Anh trên thế giới chiếm đa số và phát âm không giống nhau vì thế các thầy cô và học sinh cũng không nên quá chú trọng vào việc phát âm cho đúng, chỉ cần "đủ hiểu là được".
Thực ra “hội nhập” với thế giới với kiểu đọc mới cũng chỉ tốn trong 1 tuần thôi. Nhưng có thực sự cần thiết hay không? Không ít người cho rằng phải dùng tiếng Anh vì tiếng Việt không đủ truyền đạt những khái niệm khoa học, trừu tượng.
Ngay thế kỷ 21, có những vùng lãnh thổ xảy ra xung đột vũ trang cũng chỉ vì quyền sử dụng tiếng mẹ đẻ bị gạt sang bên lề. Thuở Việt Nam chưa thống nhất, sinh viên Sài Gòn đã đấu tranh đòi được học đại học bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng Pháp hay tiếng Anh.
Năm 1946, bác sĩ, nhà khoa học Trần Hữu Tước theo tiếng gọi của Bác Hồ, bỏ nước Pháp về kháng chiến, xây dựng nền y học cách mạng đã viết: “Có người cho rằng tiếng Việt tuy phong phú về văn học nghệ thuật, nhưng bị hạn chế nhiều về mặt khoa học. Điều đó hoàn toàn không đúng. Thực tiễn dùng tiếng Việt trong mọi ngành hoạt động văn hóa và khoa học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 20 năm nay là một bằng chứng đanh thép không thể chối cãi được, chứng tỏ rằng bằng tiếng Việt, người làm công tác khoa học, phân tích tổng hợp, không khác gì như khi dùng một tiếng nước ngoài…”.
Giáo sư Trần Hữu Tước viết: “Ở nước ngoài 15 năm, chúng tôi phải học và giảng dạy bằng tiếng nước ngoài. Năm 1946, được về nước phụ trách bộ môn Tai Mũi Họng của Trường đại học Y dược Hà Nội, chúng tôi quyết tâm giảng bằng tiếng Việt, và ngay bài khai giảng ở Đại giảng đường Hà Nội, chúng tôi tự viết bằng tiếng Việt. Tất nhiên là viết chưa được thông thạo lắm, nhưng vẫn nói lên được cái vinh dự là công dân Việt Nam độc lập tự do…”.
Được dạy bằng tiếng Việt không chỉ là sử dụng một ngôn ngữ mà còn là niềm tự hào của chủ quyền. Việc làm chủ tiếng Anh là cần thiết để có thêm “kênh” tiếp nhận kiến thức năm châu. Nhưng nếu đóng khuôn tiếng Anh một cách cực đoan thì có phải chúng ta đang lệ thuộc vào một cái vỏ kiến thức hay không?
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/cai-vo-i671669/