Cắm bản trọn tuổi thanh xuân
Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo cũng là ngần ấy thời gian thầy Phan Trí (sinh năm 1978), giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Hướng Lập, huyện Hướng Hóa dạy học ở các bản xa. Dẫu gặp muôn vàn thử thách, thầy vẫn yêu nghề, mến trẻ và sục sôi tinh thần cống hiến.
Trả nghĩa cho con chữ
Gặp gỡ sau hôm thầy Phan Trí trở về từ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, tôn vinh 58 giáo viên trẻ tiêu biểu toàn quốc, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về thầy là nước da nhuốm màu nắng gió.
Hồn hậu chuyện trò, thầy Trí cho biết, bản thân rất bất ngờ khi được Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long lựa chọn từ hàng trăm tấm gương giáo viên xuất sắc trong cả nước.
Nhiều năm nay, cũng như bao đồng nghiệp khác, thầy Trí lấy việc học trò đến lớp đông đủ, chăm chỉ đèn sách làm nguồn vui. Thầy không ngờ lại nhận được một món quà đặc biệt đúng dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. “Tôi luôn tin mọi sự cống hiến đều được đền đáp xứng đáng. Món quà này một lần nữa củng cố niềm tin ấy”, thầy Trí nói.
Khoảnh khắc được xướng tên tại chương trình
“Chia sẻ cùng thầy cô”, thầy Trí nhớ về những con chữ nhọc nhằn của tuổi thơ. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nông dân đông con, ước mơ được học hành đến nơi, đến chốn là thứ gì đó cao vợi đối với thầy.
Nhiều lần, thầy Trí đã bật khóc khi thấy các anh chị chấp nhận thôi học để nhường cơ hội cho mình. Vậy mà, đường đến trường của thầy Trí vẫn cứ chông chênh. Để được đi học, thầy phải một buổi đến trường, một buổi lên rẫy. Vào mỗi mùa hè, thầy tất bật kiếm tiền chuẩn bị cho năm học mới.
Càng khó khăn, thầy Trí càng trân quý con chữ. Ước mơ trở thành giáo viên bắt đầu hình thành trong thầy. Khi nghe chia sẻ về điều này, một số người khuyên thầy Trí suy nghĩ lại. Họ cho rằng, nghề giáo vừa vất vả, vừa có thu nhập thấp. Dẫu biết lời khuyên ấy không sai nhưng thầy đặt cả tấm lòng vào sự lựa chọn của mình. Đối với thầy, đây là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Chọn nghề này cũng là cách để thầy Trí trả nghĩa cho con chữ, cuộc đời.
Rời ghế giảng đường, cầm trên tay tấm bằng sư phạm tiểu học, thầy Trí quay lại mảnh đất mà mình sinh ra, lớn lên để dạy học. Điểm đến đầu tiên của thầy là xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, rồi xã Tà Rụt, huyện Đakrông và sau đó là xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa.
Suốt 5 năm sống với đồng lương hợp đồng ít ỏi, thầy Trí nhận được nhiều lời khuyên nên nghỉ việc nhưng thầy vẫn bền bỉ gắn bó với công việc dạy học nơi vùng cao. Thầy cho biết, chính ánh mắt khao khát con chữ của học sinh đã níu giữ bước chân mình. Thầy Trí gặp lại chính bản thân trong những ánh mắt ấy.
Đưa chữ về bản xa
Đến giờ, thầy giáo Phan Trí đã có hơn 20 năm trồng người ở vùng khó. Mỗi lần nhận nhiệm vụ ở một ngôi trường mới, thầy đều nghe câu chuyện buồn về những giáo viên trẻ lên nhận công tác nhưng rồi chóng vánh tìm đường về.
Thực tế, không phải ai cũng đủ sức khỏe, nghị lực và tâm huyết để bám trụ với việc gieo chữ giữa đại ngàn. Dạy học ở trường vùng khó rất vất vả. Với thầy Trí, thử thách còn nhân lên gấp đôi bởi trong phần lớn thời gian công tác, người giáo viên tâm huyết này đều bám trụ ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh.
Thầy Trí nhớ như in, ngày mới ra trường, mình được phân công dạy học ở xã Hướng Sơn. Từ nhà, thầy phải đi xe thồ 12 km đường núi rừng, sau đó mất thêm 2 tiếng đồng hồ cuốc bộ mới đến được trường. Tới nơi, chưa kịp đặt ba lô xuống, thầy đã phải vội vàng xách lên khi biết nơi mình giảng dạy còn cách điểm chính rất xa. Suốt 4 tiếng cuốc bộ, trải qua hơn 10 lần lội suối, một ngôi trường tranh tre, nứa lá mới xuất hiện trước mắt thầy.
“Thời điểm đó, bản Trỉa chỉ có 1 lớp học duy nhất dành cho trẻ em đủ các độ tuổi. Vậy mà, những chiếc bàn trong lớp vẫn thường xuyên trống chỗ. Tôi phải đến tận nhà, thậm chí lên rẫy tìm học sinh. Có lúc, tôi chấp nhận phụ việc nhà cho phụ huynh để con em họ có nhiều thời gian hơn để đến trường”, thầy Trí kể.
Sau này, thầy lại một lần nữa đối diện với những khó khăn, thử thách tương tự khi đến các điểm xa của Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lập. Vận động học sinh đến trường đã khó, giúp các em yêu con chữ còn vất vả hơn. Có thời điểm, học sinh trong lớp nghỉ nhiều. Tìm đến nhà, thầy Trí nghe ba mẹ các em thở dài nói: “Đến trường, học giỏi để làm gì. Đứa được 10 hay bị 1 điểm cũng có một cái đích như nhau là vào rừng, lên rẫy tìm cái ăn”.
Hiểu nỗi lòng phụ huynh, thầy không khuyên bảo gì nhiều, chỉ chia sẻ về tuổi thơ gian khó và hành trình đi lên từ con chữ của mình. Câu chuyện ấy như chạm đến trái tim của phụ huynh. Từ đây, nhiệm vụ xóa bản trắng trường lớp, tiếp đó là xóa mù chữ của thầy Trí phần nào đỡ vất vả bởi có phụ huynh đồng hành.
Tuy nhiên, sự thay đổi đáng mừng ấy không khiến thầy Trí và các đồng nghiệp tự hài lòng. Để làm tròn nhiệm vụ cắm bản, các thầy cô xác định phải trở thành một người con của núi rừng. Vì vậy, sau giờ dạy, các thầy cô thường thu xếp thời gian, công việc để học tiếng Vân Kiều; đến tận nhà, giúp đỡ phụ huynh, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; cùng bà con lao động, sản xuất...
Thầy Trí kể, có đợt bạn của mình vào thăm, đi qua con suối, thấy thầy và bà con đang đánh bắt cá nhưng lại không nhận ra. Sau đó, khi thầy mặt mày lấm lem, xách xâu cá về căn phòng tập thể, người bạn mới ngã ngửa...
Món quà dành tặng hậu phương
Chuyện trò về những vui buồn trong nghề, thầy Phan Trí hóm hỉnh bảo, một trong những điều khiến giáo viên cắm bản sợ nhất đó là... ế. Đùa mà thật, bởi cắm bản ở vùng xa, các thầy cô ít có cơ hội gặp gỡ, giao lưu. Đồng lương giáo viên cũng không cho phép họ chạy theo những thứ đắt tiền mà giới trẻ ai cũng thích. Hơn nữa, một số người vẫn e ngại khi đi tới tình yêu, rồi tiến đến hôn nhân với các thầy, cô cắm bản.
Điều đó không lạ bởi họ ít có cơ hội gặp nhau. Đôi khi, một cuộc điện thoại để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cũng gặp trở ngại bởi sự hạn chế về hạ tầng viễn thông. Thầy Trí chia sẻ: “Tôi rất may mắn vì có vợ cũng là giáo viên vùng cao. Nhờ thế, chúng tôi dễ thấu hiểu, chia sẻ với nhau. Dẫu vậy, nhiều khi vợ tôi vẫn... tủi vì hầu như đi đâu cũng vắng bóng chồng”.
Ngay trong thời điểm vợ lần đầu “vượt cạn”, thầy Phan Trí cũng không biết tin để có mặt. Thời điểm ấy, thầy đang công tác ở điểm trường lẻ. Do không có sóng điện thoại nên mọi thông tin về việc vợ chuyển dạ không đến được với thầy. Vào thời điểm ấy, nếu biết, thầy Trí cũng khó về với gia đình bởi đường vào bản bị bao vây bởi lũ dữ.
Mãi 1 tuần lễ sau, khi ra điểm trường chính, thầy Trí mới nhận được thông tin và chạy vội về nhà. Ngắm nghía đứa con nhỏ, hai vợ chồng ôm nhau khóc. “Đến giờ, con đầu của tôi đã lên lớp 6. Cháu thứ hai cũng đã bước vào lớp 4. Hiện tại, hai cháu đang cùng mẹ chăm sóc bà nội. Nhờ có hậu phương vững vàng mà tôi mới yên tâm cắm bản”, thầy Trí nói.
Để không phụ lòng của “hậu phương”, thầy Trí thêm nỗ lực làm tốt nhiệm vụ. Thầy không chỉ đặt ra mục tiêu giúp học sinh biết chữ, biết số mà phải viết chữ đẹp, tính số nhanh, có nhiều kỹ năng sống...
Ngoài giờ lên lớp, thầy còn nhiệt tình phụ đạo cho các học sinh yếu. Thầy không ngần ngại trích lương mua sách báo, đồ dùng học tập, bánh kẹo... để treo thưởng cho các em. Hầu như lần nào từ nhà trở về bản, hành lý của thầy cũng trĩu nặng. Trong đó, những món quà cho học trò là thứ gần như không thể thiếu.
45 tuổi đời với hơn 20 năm tuổi nghề, có thể nói thầy Phan Trí đã dành cả tuổi xuân để cắm bản trồng người. Ngần ấy thời gian, sự vất vả, thiếu thốn sớm trở thành một phần trong cuộc sống thầy Trí. Dẫu vậy, nếu được chọn lại, thầy vẫn lựa chọn nghề giáo và không ngần ngại đến các bản xa. Thầy tự hứa với lòng mình sẽ tiếp tục cống hiến cho đến khi tuổi đời, sức khỏe không còn cho phép.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/cam-ban-tron-tuoi-thanh-xuan/182089.htm