Cạm bẫy mua bán người qua mạng
Bằng thủ đoạn quảng cáo, lôi kéo tìm công việc không quá vất vả, ngồi mát, hưởng lương cao, các đối tượng móc nối với các nghi phạm đưa người Việt Nam sang Campuchia bất hợp pháp bằng đường tiểu ngạch. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sinh mạng con người đang bị ra giá, trao đổi mua bán như những món hàng hóa khi trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Dù lực lượng chức năng đã tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng, chống nhưng danh sách nạn nhân của những kẻ buôn người vẫn chưa dừng lại.
Đổi đời hay đổi mạng?
Trước đó vào ngày 04/7/2025, Công an Tây Ninh phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh tiếp nhận 38 công dân (27 nam, 11 nữ) do Cảnh sát Campuchia bàn giao. Đây là số công dân do lực lượng chức năng Campuchia truy quét do vi phạm xuất, nhập cảnh và lao động trái phép ở tỉnh Svay Riêng. Sau khi tiếp nhận, sàng lọc, Công an phát hiện có 29 người làm việc trong các công ty liên quan đến cờ bạc, lừa đảo qua mạng tại Campuchia.
Cũng tại Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cũng tiếp nhận 410 công dân Việt Nam trở về từ Campuchia. Đây là số người Việt Nam mà cơ quan chức năng Campuchia đã tạm giữ trong quá trình kiểm tra hành chính khu vực Casino và Resort thuộc TP.Bavet, tỉnh Svay Riêng, do nghi vấn vi phạm xuất, nhập cảnh trái phép và lao động trái phép. Qua xác minh, sàng lọc, cơ quan Công an phát hiện trong số người này có hơn 300 người xuất cảnh trái phép qua địa bàn các tỉnh biên giới, trong đó có 15 trường hợp có dấu hiệu liên quan đến lừa đảo qua mạng xã hội. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh tiếp tục khai thác, đấu tranh số đối tượng này, phát hiện 5 đối tượng có quyết định truy tìm, 1 đối tượng có lệnh bắt tạm giam, 4 đối tượng có quyết định truy nã của Công an các tỉnh, thành phố.
Và đây là những lời tâm sự của hai cô gái là nạn nhân của đường dây mua bán người vừa được Công an Tây Ninh giải cứu thành công. Biến cố lớn cay đắng và hành trình trở về quê hương gian truân, thấm đẫm nước mắt của hai cô gái trẻ này một lần nữa là lời cảnh báo về những diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng của tội phạm mua bán người.

Cảnh giác lời chào mời việc nhẹ lương cao trên mạng xã hội
Chị C.T.N (27 tuổi, ngụ P.Trảng Bàng, Tây Ninh), một nạn nhân của bọn buôn người vừa được giải cứu. Sau khi được giải thoát về nhà, chị cho biết: "Nghe công việc bên đó hấp dẫn, lương cao hơn bên đây rất nhiều, ai cũng ham... cũng là làm việc mà lương người ta 800 - 900 USD, còn mình ở đây làm có 300.000 đồng. Thấy hơn rất nhiều tất nhiên mình phải làm rồi. Tuy vậy,..." - câu chuyện của chị ngắt quãng khi nhớ đến cảnh bị đối xử đầy tủi nhục nơi xứ người.
Còn chị N.T.X.N (26 tuổi, ngụ xã Phước Thạnh, Tây Ninh), một nạn nhân cũng được giải thoát trong đợt này cho biết: "Mình muốn thử vận may nên quyết định qua đó (Campuchia) làm việc, biết đâu được thay đổi tốt hơn. Nào ngờ, đời chưa thấy đổi mà xém chút đổi mạng luôn! Cũng là người Việt nhưng bọn chúng vì cái lợi trước mắt mà hại người khác, chỉ hy vọng mấy anh công an bắt được hết bọn chúng bên đó, để giải cứu hết những người bị bán sang xứ người và bị đánh đập, bóc lột!".
Mua bán người dưới chiêu bài "môi giới" việc làm
Điều đau lòng hơn trong vụ việc này đó là đối tượng lừa đảo lại chính là người Việt Nam, vì món lợi nhuận mà bất chấp tính mạng của chính người Việt. Các đối tượng bị chúng mua bán phần lớn là phụ nữ, đang trong độ tuổi thanh xuân tươi đẹp, độ tuổi lẽ ra phải được ở bên gia đình, người thân, được nuôi dưỡng và thực hiện những ước mơ của tuổi trẻ. Song, họ - những nạn nhân của tội phạm mua, bán người đang bị đẩy vào hố đen của sự tuyệt vọng. Có người may mắn trốn thoát, tìm đường trở về Việt Nam, có người được lực lượng chức năng giải cứu, nhưng cũng có người vĩnh viễn không còn cơ hội quay trở về với quê hương, gặp lại người thân. Thật là sót xa!

Tiếp nhận công dân Việt Nam do Campuchia trao trả tại cửa khẩu Mộc Bài
Trong các vụ việc đau lòng, có trường hợp đối tượng từng là nạn nhân của "việc nhẹ lương cao" sau đó lại trở thành đối tượng lừa mua bán người xuyên quốc gia. Điển hình là các đối tượng Nguyễn Văn Tâm (29 tuổi), Nguyễn Ái Vi (24 tuổi, cùng ngụ ở tỉnh An Giang) và Nguyễn Thị Kiều Trang (32 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) đều bị bắt về tội "Mua bán người" và "Mua bán người dưới 16 tuổi".
Qua lời khai, Tâm và Vi sống chung như vợ chồng tại tỉnh An Giang. Hai năm trước, cả hai từng làm việc trong một công ty game lừa đảo tại Campuchia do người Trung Quốc điều hành. Tại đây, Tâm và Vi quen biết với Trang, là người trực tiếp đứng ra nhận người, "bán" vào công ty. Theo thỏa thuận, khi giới thiệu thành công 1 người thì Trang trả cho Tâm và Vi số tiền 300 USD. Từ đó, Vi và Tâm quay về Việt Nam, sử dụng mạng xã hội để đăng tin tuyển dụng, hứa hẹn "việc nhẹ lương cao" từ 800 - 900 USD/1 tháng, không nợ chi phí xuất cảnh để nhằm dụ dỗ người dân sang Campuchia.
Bằng thủ đoạn trên, nhóm này đã lừa bán trót lọt 7 nạn nhân tại các tỉnh An Giang, Cần Thơ, TPHCM và Tây Ninh. Đáng chú ý, trong số đó có một nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh.
Ai cũng có thể trở thành nạn nhân nếu thiếu hiểu biết
Theo Công an tỉnh Tây Ninh cho biết: Từ thực tiễn triệt phá các chuyên án, đường dây tội phạm mua bán người thời gian qua trên địa bàn tỉnh cho thấy, sẽ còn nhiều người có thể trở thành nạn nhân của tội phạm này, bởi thủ đoạn của các đối tượng là đánh vào tâm lý, nhận thức của người dân còn hạn chế, đánh vào lòng tham của con người luôn mong muốn đổi đời nơi xứ người, luôn khao khát "việc nhẹ, lương cao".

Xác minh nhân thân công dân tại cửa khẩu
Thủ đoạn của các đối tượng buôn người là lợi dụng vào các mối quan hệ quen biết hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân. Sau đó, chúng tung ra những lời hứa hẹn, việc nhẹ lương cao, thiên đường nơi xứ người... Các đối tượng nhắn tin với những người muốn qua Campuchia làm là "qua làm game, công việc nhẹ nhàng, không bị đánh đập"! Thực tế, không có công việc nào nhẹ mà lương cao, không có gì là miễn phí, không đâu là thiên đường nếu không chịu lao động bằng chính năng lực bản thân. Chưa kể, khi đã sa chân sập bẫy bọn buôn bán người là gia đình mất tiền trăm triệu để chuộc người, là bản thân bị bóc lột, đánh đập nơi xứ người, là viễn cảnh thân tàn ma dại khi không giỏi lừa lại những nạn nhân khác từ trong nước.
Do đặc thù tỉnh Tây Ninh giáp biên giới Campuchia nên hoạt động mua bán người sang các casino, cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến do người nước ngoài làm chủ diễn biến hết sức phức tạp. Trong hàng ngàn người Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia, nhiều trường hợp bị dụ dỗ, lừa gạt xuất cảnh trái phép rồi bị cưỡng bức lao động, ép hoạt động lừa đảo trên mạng. Nhiều nạn nhân trở thành món hàng bị mua, bán qua lại nhiều lần. Đối tượng là nạn nhân cũng mở rộng không chỉ là phụ nữ, nam giới mà còn có cả trẻ em. Chỉ cần thiếu hiểu biết, nhận thức pháp luật hạn chế và tin vào lời dụ dỗ ngon ngọt mà nhiều người bỗng trở thành con mồi của tội phạm buôn bán người, nên tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ cần hết sức nêu cao cảnh giác.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/cam-bay-mua-ban-nguoi-qua-mang_180512.html