Cấm biển, kêu gọi tàu thuyền về bờ và sơ tán dân trước bão số 7

Thực hiện công điện của UBND tỉnh Nghệ An về ứng phó với cơn bão số 7, các địa phương vùng ven biển Nghệ An đang tích cực kêu gọi tàu thuyền về bờ tránh trú bão, đồng thời triển khai các phương án di dân trước khi bão đổ bộ.

Thực hiện công điện của UBND tỉnh Nghệ An về ứng phó với cơn bão số 7, các địa phương vùng ven biển Nghệ An đang tích cực kêu gọi tàu thuyền về bờ tránh trú bão, đồng thời triển khai các phương án di dân trước khi bão đổ bộ.

Quỳnh lưu là địa phương có số phương tiện tàu thuyền lớn với gần 1.200 chiếc, trong đó có hơn 700 tàu đánh bắt xa bờ. Để chủ động ứng phó với cơn bão số 7, ngay trong sáng 13-10, UBND huyện Quỳnh Lưu đã ra công điện yêu cầu các xã ven biển Tiến Thủy, Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thuận, Sơn Hải... tập trung kêu gọi các phương tiện đánh bắt ngoài biển về bờ tránh trú bão. Đến chiều 13-10, toàn bộ phương tiện tàu thuyền của ngư dân huyện Quỳnh Lưu đã về bờ neo đậu an toàn tại Lạch Thơi và Lạch Quèn.

Ngoài việc tập trung kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ở vùng biển vào bờ tránh trú bão, các đồn biên phòng vùng biển đã phân công cán bộ xuống địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân chằng chống nhà cửa cũng như cách phòng chống, tránh tàu thuyền va đập khi có sóng to, gió lớn tại các khu neo đậu.

Cũng trong sáng nay, UBND huyện Quỳnh Lưu cũng yêu cầu các xã vùng ven biển khẩn trương triển khai di dời 149 hộ dân với hơn 1.600 nhân khẩu theo phương án phòng chống thiên tai của các địa phương. Việc di dời dân phải hoàn thành trước 10 giờ ngày 14-10.

Công tác ứng phó với cơn bão số 7 được các địa phương ở thị xã Hoàng Mai triển khai nhanh chóng, kịp thời. Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã Hoàng Mai Hoàng Ngọc Thủy cho biết, thị xã có gần 1.000 phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản, hiện toàn bộ tàu, thuyền trên đã về bờ neo đậu an toàn. Công tác tuyên truyền, kiểm tra việc tàu thuyền neo đậu để đảm bảo an toàn đang được các địa phương quan tâm, chỉ đạo bà con ngư dân.

Ngoài việc đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi về bờ neo đậu, thị xã Hoàng Mai cũng đang chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan theo dõi hồ Vực Mấu để khi bão đổ bộ gây mưa to sẽ có phương án xả lũ. Hiện tại, mực nước trong lòng hồ Vực Mấu đạt cốt 17,5/21,2 mét; tùy vào lượng mưa, nếu mưa to kéo dài sẽ có kịch bản xả lũ theo quy trình.

Theo dự báo thì huyện Diễn Châu sẽ thuộc vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 7, vì vậy, cùng với triển khai nhiều biện pháp phòng chống bão huyện đang tập trung kêu gọi tàu thuyền về neo tránh trú bão, bảo đảm an toàn cho ngư dân. Với việc chủ động liên lạc với 45 tổ nghề cá và nghiệp đoàn nghề cá nên đến chiều 13-10, tất cả 1.460 phương tiện tàu thuyền ở Diễn Châu đã về nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời bố trí lực lượng cùng sáu tàu sẵn sàng ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn trên biển khi có sự cố xảy ra. Địa phương cũng nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu tại cống Diễn Thành, cầu Diễn Ngọc và cầu Diễn Kim.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nghệ An: Đến chiều 13-10, tất cả các phương tiện cùng lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển của Nghệ An đã vào bờ an toàn; gồm 3.485 tàu thuyền với 17.473 lao động. Ngoài ra có một số tàu thuyền ngoại tỉnh đã vào trú ẩn ở Nghệ An.

Nghệ An đã có công điện, cấm tàu, thuyền ra khơi kể từ 15 giờ ngày 13-10.

Trong ngày 13-10, các lực lượng quân sự, công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các đơn vị chức năng Nghệ An đã triển khai nhiệm vụ phòng, chống bão số 7. Theo đó, quân số và lực lượng ứng trực 100%; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bão và mưa lũ xảy ra trên địa bàn, để có phương án ứng cứu kịp thời. Kiểm tra lại các phương tiện, vật chất phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật chất làm nhiệm vụ ngay khi có tình huống xảy ra...

*Chiều 13-10, tỉnh Thanh Hóa tổ chức bốn đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 7 tại các địa phương.

Tỉnh yêu cầu các địa phương, ba ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho người dân biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão số 7 để chủ động phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả; kiểm đếm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng hoặc chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền, bảo đảm an toàn cho phương tiện, người, tài sản, khách du lịch ven biển, lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản, bảo vệ công trình ven bờ, thực hiện cấm biển từ 19 giờ ngày 13-10 đến khi bão suy yếu và tan dần.

Trên địa bàn tỉnh có 443 chòi canh 1.250 ha ngao nuôi và 2.013 lồng nuôi cá trên trên biển, các hộ nuôi đã thu hoạch được gần 88% sản lượng. Tính đến 15 giờ cùng ngày, toàn tỉnh có 7.194 phương tiện nghề cá đang neo đậu tại bến cùng 26.532 lao động đã vào bờ; chỉ còn 17 phương tiện với 84 lao động đang hoạt động trên vùng biển Thanh Hóa sẽ cập bờ trong ngày. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Đồn Biên phòng tuyến biển thông báo, kêu gọi, hướng dẫn phương tiện còn hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn.

Thanh Hóa hiện có ba công trình trên các tuyến đê sông con đã thi công đạt 80-95% khối lượng và công trình kè bờ biển ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương thi công đạt 90% khối lượng. Với 23 công trình hồ chứa đang thi công, có 20 công trình thi công đạt 65-98% khối lượng, các hạng mục đầu mối bảo đảm tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn. Nhìn chung các công trình hồ, đập, đê đang thi công dỡ dang ở Thanh Hóa có các hạng mục chính của công trình cơ bản đáp ứng yêu ứng phó thiên tai và chủ đầu tư cùng nhà thầu chủ động triển phương án bảo đảm an toàn công trình. Sở Công thương và các địa phương cũng đã chuẩn bị khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, nước uống và nhiên liệu,… đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão.

*Từ 18 giờ chiều nay 13-10, tất cả các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải- Phù Long và các hoạt động vui chơi, giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông trên địa bàn TP Hải Phòng sẽ phải ngừng hoạt động.

Đó là lệnh cấm biển vừa được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) TP Hải Phòng ban hành nhằm bảo đảm an toàn khi bão số 7 đang hướng vào đất liền.

Đồng thời, UBND TP Hải Phòng yêu cầu các địa phương, đơn vị bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn; kiên quyết không để các tàu thuyền thủy sản, phương tiện vận tải thủy nội địa đã vào nơi tránh trú hoạt động trong thời gian có bão.

THÀNH CHÂU - VIỆT HÙNG, MAI LUẬN, NGÔ QUANG DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/cam-bien-keu-goi-tau-thuyen-ve-bo-va-so-tan-dan-truoc-bao-so-7-620291/